Theo AFP, trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu diễn ra vào ngày 23/4, ông Macron giành được 23,9% số phiếu bầu, cao hơn một chút so với 21,7% của bà Le Pen. Hai người sẽ cùng tham gia vào vòng bỏ phiếu tiếp theo trong ngày 7/5.
Bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
“Tôi muốn là tổng thống của những người yêu nước chống lại mối đe dọa của những người theo chủ nghĩa dân tộc”, ông Macron nói với hàng nghìn người ủng hộ tại thủ đô Paris.
Nếu thắng cử, Macron, 39 tuổi, sẽ là tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp. Ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu vòng 1, ông Macron đã nhận được ủng hộ từ 2 ứng viên: Benoit Hamon của đảng Xã hội (dự đoán được 6% phiếu bầu) và cựu Thủ tướng Francois Fillon của phe Cộng hoà (dự đoán được 20%). Các kết quả thăm dò cũng dự đoán ông Macron có lợi thế trước bà Le Pen ở vòng 2.
Trong khi đó, bà Le Pen tuyên bố vòng 2 sẽ là cuộc chiến vì tương lai nước Pháp. Quan điểm của bà là đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và củng cố biên giới, đều trái ngược với của ông Macron.
Cuộc bầu cử ngày 7/5 tới vì vậy được coi là sẽ tác động mạnh tới tương lai của EU. Sau Brexit, nếu Pháp tiếp tục rút khỏi EU thì đây sẽ là đòn chí tử đối với liên minh chính trị - kinh tế này.
Macron từng làm ngân hàng trước khi trở thành cố vấn trưởng và bộ trưởng kinh tế cho Tổng thống Francois Hollande. Ông không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào.
Ông rời chính phủ năm ngoái và thành lập phong trào chính trị riêng của mình với tên En Marche! (tiến lên) mà ông cho là "không tả cũng không hữu" cùng cam kết "cách mạng" nền chính trị Pháp "mục ruỗng và dốt nát".
Kết quả sơ bộ cho thấy rõ các đảng truyền thống của Pháp đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử lần này. Đây là lần đầu tiên không có ứng viên nào từ các đảng Cộng hòa và Xã hội của Pháp lọt vào vòng hai trong 6 thập kỷ qua.
Tỷ lệ đi bầu được cho là khoảng 80% trong tổng số 47 triệu cử tri. Sau cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu của Anh và bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, cuộc đua giành ghế tổng thống Pháp là cuộc bầu cử mới nhất có khả năng định hình bản đồ chính trị thế giới những năm tới.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau vụ nổ súng mà IS đã nhận trách nhiệm ngay giữa đại lộ Champs Élysées, Paris khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 người bị thương.
Pháp vẫn còn đặt trong tình trạng khẩn cấp sau cuộc tấn công đẫm máu ở Paris cuối năm 2015. Khoảng 50.000 cảnh sát và 7.000 binh sĩ đã được triển khai để bảo vệ các cử tri.