Khi chiếc xe chở những người ủng hộ đảng Mặt trân Dân tộc Pháp rời khỏi hội trường Dôme của thành phố Marseille hôm 19/4, một nhóm phụ nữ Hồi giáo, phần lớn với khăn trùm đầu, đứng bên dưới một cầu vượt gần đó và ngập ngừng đưa mắt nhìn theo. Đó là bức tranh nhỏ của nước Pháp ngày nay, nơi đã tạo ra lẫn chứng kiến sự trỗi dậy của Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc.
"Ngày càng có nhiều người đến từ thế giới thứ ba và tìm cách lợi dụng những phúc lợi của chúng ta", Le Pen nói trước 5.000 người ủng hộ tại Marseille.
"Đó là một lựa chọn của văn minh. Tôi sẽ là tổng thống của những người Pháp muốn tiếp tục sống ở Pháp theo cách của người Pháp", New York Times dẫn lời bà.
Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen. Ảnh: Reuters. |
Với những phát ngôn phản đối người nhập cư, Marine Le Pen có thể là một chính trị gia cực hữu trong mắt những người bên ngoài nước Pháp. Nhưng Le Pen cũng là người đã biến đảng Mặt trận Dân tộc đầy tinh thần bài ngoại và phân biệt chủng tộc - dấu tích của người cha Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng - trở nên ôn hòa và gần gũi hơn với cử tri Pháp.
'Nhân danh người dân'
Cách Le Pen đang tranh cử không khác gì những nhà dân túy trỗi dậy khắp châu Âu trong năm qua. Bà muốn đưa Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro, hạ thấp vai trò của NATO và hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự Brexit để định đoạt tương lai Pháp ở EU. Le Pen cho rằng Brexit là sự kiện quan trọng nhất từng xảy ra sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và chiến thắng của Tổng thống Donald Trump ở châu Âu đang "góp thêm một viên gạch để xây dựng thế giới mới".
Khẩu hiệu chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay của Le Pen là “Nhân danh người dân”. Và tất nhiên bà nói về người dân Pháp.
“Bà ấy đấu tranh cho một quốc gia có chủ quyền, tự do và đầy lòng yêu nước”, Florian Philippot, cộng sự thân tín của Le Pen, diễn dịch chương trình nghị sự của bà.
Trong khi đó, The Economist miêu tả: “Bà ấy tin rằng mình đang thực hiện một sứ mệnh của người ái quốc. Bà ấy muốn bảo vệ một nước Pháp đầy hoài cổ trước những mối đe dọa thấy được - đồng euro, toàn cầu hóa, sự cạnh tranh, người nhập cư và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.
Từ rất lâu trước cuộc vận động tranh cử tổng thống, rất lâu trước khi Donald Trump trở thành hiện tượng tại Mỹ hay các chính trị gia trên khắp châu Âu kêu gọi đóng cửa biên giới và dựng lên những hàng rào thép gai, Le Pen đã là người so sánh cảnh tượng các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện ở đường phố Paris như cuộc xâm lăng của Phát xít hay chỉ trích “châu Âu không biên giới”.
Người Hồi giáo cầu nguyện trên đường phố gần một thánh đường tại Paris, Pháp. Ảnh: AP. |
Bà không cần những cuộc tấn công vào Paris hay Nice để trở thành người theo đuổi chính sách khép cửa với người nhập cư và người tỵ nạn.
Ngày nay, Le Pen hứa hẹn các biện pháp "tạm dừng" nhập cư ngay khi bà lên nắm quyền, chấm dứt quy định "đoàn tụ", vốn cho phép thân nhân người nhập cư được vào Pháp hay trục xuất, cắt giảm hỗ trợ y tế đối với những người nhập cư bất hợp pháp.
Quỹ đạo của người cha
Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến gần đây - khi bà khai trừ cha mình khỏi đảng, Le Pen hiếm khi sống ngoài vòng quỹ đạo của Jean-Marie Le Pen.
Một đêm mùa đông năm bà 8 tuổi, 20 kg thuốc nổ được thả xuống căn hộ của gia đình Le Pen nhằm ám sát cha bà. “Từ khi còn chơi với búp bê, tôi đã ý thức được điều khủng khiếp và phi lý đó: Người ta không đối xử với bố tôi như những người khác, chúng tôi không được đối xử như vậy”, Le Pen kể lại trong quyển hồi ký Against The Flow (tạm dịch: Ngược dòng nước) năm 2006.
Cuộc ly hôn ồn ào của cha mẹ, khi Le Pen ở tuổi thiếu niên, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bà. Thông tin về cuộc hôn nhân tan vỡ và việc mẹ Le Pen bỏ đi với người tình trẻ xuất hiện trên báo mỗi ngày. Vào lúc đỉnh điểm, người mẹ xuất hiện trên tạp chí Playboy để chọc tức chồng cũ. Ba chị em gái Le Pen tiếp tục sống với cha.
Đó cũng là lúc bà bắt đầu theo cha đến các sự kiện chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, bà giải thích đó là cách duy nhất để bà tìm hiểu về cha mình và để ông biết về bà.
Đến tuổi trưởng thành, người cha vẫn phủ bóng lên đời Le Pen, dù bà muốn hay không. Công việc đầu tiên của Le Pen trong vai trò luật sư là ở văn phòng một người bạn của cha bà. Tại đây, Le Pen chủ yếu bào chữa cho các hành động quá khích của những người cực hữu. Năm 1997, bà kết hôn với một nhà hoạt động trong đảng Mặt trận Dân tộc, sau đó nghỉ việc bà gia nhập đảng này.
“Bà ấy từng cố sống cuộc đời riêng. Chuyện đó bất thành. Người con gái út chưa bao giờ thoát được khỏi cha bà”, Renaud Dely viết trong chuyên luận “The Real Marine Le Pen” (tạm dịch: Con người thật của Marine Le Pen).
Thế nhưng, khi Le Pen ngày càng có kinh nghiệm chính trị, bà nhận ra rằng con đường của bố mình sẽ không bao giờ đưa đảng Mặt trận Dân tộc tiến gần đến các cử tri đại chúng.
“Bà ấy hiểu rằng chừng nào đảng của họ còn bị xem là những kẻ phân biệt chủng tộc và bố bà ấy còn tiếp tục phủ nhận tội ác Lò thiêu Holocaust, sẽ không có tương lai nào cho họ”, Bloomberg dẫn lời Nicolas Lebourg, một nhà nghiên cứu chính trị cực hữu ở Đại học Montpellier.
Đỉnh điểm của sự xung đột giữa cha con nhà Le Pen là khi Jean-Marie, trong một lần xuất hiện trên truyền hình hồi tháng 4/2015, khăng khăng ra Lò thiêu Holocaust chỉ là một “chi tiết” của Thế chiến thứ 2. Sau 4 tháng xung đột trong nội bộ đảng, Marine Le Pen đẩy cha bà khỏi đảng do chính ông sáng lập. Cho đến nay, Le Pen và người cha 88 tuổi vẫn không nói chuyện với nhau.
Jean-Marie Le Pen đột ngột xuất hiện và phát biểu tại buổi tuần hành hàng năm của đảng Mặt trận Dân tộc hồi năm 2015. Marine Le Pen được cho đã tìm cách ngăn cha mình phát biểu trước đó. Ảnh: AFP. |
Jean-Yves Camus, một nhà nghiên cứu và là đồng tác giả cuốn “Chính trị cực hữu ở châu Âu” nhận định: “Về mặt chính trị, ông ấy xem như đã chết. Nhưng về mặt tư tưởng, gốc rễ vẫn ở đó”.
Các nhà quan sát nhận định Jean-Marie chưa từng mong muốn nắm quyền, việc tiến xa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 là một bất ngờ với chính ông. Le Pen thì khác, bà chiêu mộ quanh mình các chuyên gia về hoạch định và có kế hoạch rõ ràng cho việc nắm quyền. Ngoài ra, những bi kịch cá nhân đã sớm tạo nên cho Le Pen tâm thế của một "nạn nhân", một "kẻ bên lề" và khiến cử tri nhìn bà như một chính trị gia có phần khác biệt so với giới tinh hoa.
Nước Pháp không còn hạnh phúc
Marine Le Pen đã luôn là một người cực hữu, nhưng điều khiến bà trở thành ứng viên nặng ký cho vị trí tổng thống Pháp chính là những bất ổn liên tục ập đến châu Âu vài năm qua và cuộc khủng hoảng tài chính gần một thập niên của Pháp. Những nỗi lo lắng hiện tại của người Pháp không làm khởi sinh ra Le Pen, nhưng nó đưa bà vụt lên. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 200 người Pháp đã thiệt mạng vì những vụ tấn công khủng bố, đó cũng là thời gian Le Pen trở thành ngôi sao mới trên chính trường Pháp.
“Le Pen chính là sự lựa chọn của một nước Pháp không còn hạnh phúc”, Financial Times bình luận.
Sự trỗi dậy của Le Pen đi cùng với nỗi bất an lẫn tức giận của người dân ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Ảnh: Reuters. |
Tờ báo dẫn nghiên cứu chung giữa Viện Chính trị học Paris và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Ứng dụng tại Pháp cho thấy sự phân chia rõ rệt 2 luồng cử tri tại Pháp trong cuộc bầu cử sắp tới: một nước Pháp “bi quan” trở thành lực lượng ủng hộ Le Pen trong khi những người lạc quan quay sang ứng viên trung lập Emmanuel Macron.
Cũng theo nghiên cứu này, có một nỗi bất an về sự thịnh vượng bị suy thoái đang len lỏi trong các cử tri Pháp, bất chấp độ tuổi, học vấn hoặc tình trạng kinh tế. Chính cảm giác này đã mang lại sự ủng hộ cho đảng Mặt trận Dân tộc của Le Pen trước những chính đảng khác.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng sau 10 năm khủng hoảng tài chính, rất nhiều người, không chỉ tầng lớp trung lưu và lao động, đã mất hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn về mặt kinh tế. Họ bỏ phiếu cho Le Pen như một sự lựa chọn trong cơn “khủng hoảng niềm tin”.
“Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có người nghèo và ít học thiệt thòi vì toàn cầu hóa. Điều đó không hẳn đúng, những người có học thức cao thường phải cạnh tranh trong những môi trường khốc liệt hơn và không phải lúc nào họ cũng chiến thắng”, Financial Times dẫn lời Martial Foucault, Viện trưởng Viện Chính trị học Paris và là đồng tác giả nghiên cứu.
Marine Le Pen được dự đoán sẽ chiến thắng cách biệt trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhưng sẽ thua trong vòng 2 - vòng đối đầu trực tiếp của 2 ứng viên.
“Dù vậy, nếu có điều gì các cuộc bầu cử năm 2016 đã dạy chúng ta, đó là hãy trông chờ đều khó trông chờ nhất”, Business Insider nhận định.