Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kịch tính 'Trump phiên bản nữ' đối đầu 'Obama của Pháp'

Tương lai Pháp và châu Âu phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Pháp vào ngày mai 23/4 giữa hai đối thủ chính là nữ thủ lĩnh phe cực hữu và một ứng viên trẻ tuổi ít kinh nghiệm.

11 ứng viên sẽ cùng cạnh tranh trong cuộc đua vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày mai (giờ địa phương). Kết quả cụ thể được dự báo là rất kịch tính bởi kết quả thăm dò đều cho thấy các ứng viên đeo bám nhau sít sao.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá cơ hội tiến sâu vào vòng hai chỉ nằm trong tay hai người: nữ thủ lĩnh cánh hữu Marine Le Pen và "tân binh" trên chính trường Pháp Emmanuel Macron.

Trong cuộc thăm dò mới nhất do báo Paris Match, Cnews và Sud Radio công bố ngày 19/4, ông Macron dẫn trước nhưng không cách xa bà Le Pen, lần lượt với tỷ lệ ủng hộ là 23,5% và 22,5%.

Bau cu Phap anh 1
Năm ứng viên chính trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 (từ trái qua): Francois Fillon, Benoit Hamon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Melenchon. Ảnh: AFP.

 

Vé vớt còn lại được chia đều cho ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon và trung hữu Francois Fillon. 

Bà Le Pen điều hành một chiến dịch dựa trên tinh thần dân túy và bài ngoại. Trong khi đó, ông Macron (39 tuổi) theo quan điểm ôn hòa hơn và đây là lần đầu ông ứng cử tham gia chính quyền. Giới truyền thông ví von bà Le Pen như "Trump phiên bản nữ" và ông Macron là "Obama của nước Pháp".

Pháp sẽ rời châu Âu?

Cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm tình hình nước Pháp phức tạp hơn bao giờ hết với tỉ lệ thất nghiệp 10%, nhiều cuộc tấn công khủng bố đẫm máu gây chấn động thế giới xảy ra liên tục trong hai năm, uy tín của đương kim Tổng thống Francois Hollande giảm mạnh đến mức ông tuyên bố không tiếp tục tái tranh cử.

Bà Le Pen và ông Melenchon chủ trương đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cả NATO. Do vậy, cuộc bầu cử này không chỉ quyết định tương lai nước Pháp mà có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với tương lai châu Âu và NATO.

Bau cu Phap anh 2
Thủ lĩnh phong trào cực hữu Le Pen. Ảnh: NYT.

Truyền thông thế giới những tháng qua tỏ ra lo ngại về quan điểm của bà Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (FN). Bà vận động đóng cửa biên giới Pháp, cấm nhập cư ồ ạt, rời EU, triệt phá cái gọi là "trào lưu chính thống Hồi giáo". Tinh thần tranh cử dựa trên việc chú trọng phúc lợi xã hội cho người dân như duy trì tuần làm việc ngắn, giảm độ tuổi nghỉ hưu.

Bà tự nhận bản thân là người bảo hộ các giá trị Pháp, chống toàn cầu hóa. Do vậy, châu Âu rất lo ngại về ứng viên hàng đầu này. Một trong những lời hứa của Le Pen nếu đắc cử là tổ chức trưng cầu dân ý tương tự Anh về việc rời EU. "Diễn biến đó chắc chắn sẽ là cái kết cho EU và châu Âu", một quan chức Pháp nói với Vox.

Chiến dịch của bà Le Pen càng về cuối càng tỏ ra quyết liệt, từ việc ngăn chặn nhập cư không kiểm soát trở thành cấm toàn bộ. "Chúng ta là chủ nhà và quyết định ai có thể vào. Hành động đầu tiên của tôi sẽ là khôi phục biên giới", bà phát biểu trước cử tri ngày 19/4.

Tuy nhiên, một khảo sát của báo Le Monde công bố ngày 19/4 cho thấy bà Le Pen có thể vào đến vòng hai nhưng khó thắng tại cuộc bỏ phiếu ngày 7/5.

Nguyên nhân do bà cùng lắm chỉ có thể lôi kéo thêm khoảng 30% cử tri của ông Fillon, trong khi con số tối thiểu phải là 50%. Dẫu sao, điều đó cũng đánh dấu bước tiến rất xa của một đảng cực hữu.

Bau cu Phap anh 3
Tỉ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên tổng thống Pháp theo thời gian. Ảnh: Huffington Post Pollster.

'Obama của Pháp'

Trong khi đó, đối thủ chính của bà Le Pen là Emmanuel Macron. Nhân vật trẻ tuổi xuất thân trong ngành ngân hàng và kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực công còn ít ỏi.

Ông được Tổng thống Hollande bổ nhiệm là bộ trưởng kinh tế năm 2014, sau đó từ chức để tập trung tranh cử. Ông nhiều lần dẫn đầu trong các cuộc thăm dò và được xem là hi vọng tốt nhất và cuối cùng của nước Pháp về một lãnh đạo ủng hộ châu Âu.

Bau cu Phap anh 4
Ông Macron và vợ tại một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NYT.

Ông Macron ủng hộ toàn cầu hóa, tin tưởng vào EU, sử dụng đồng tiền chung và di dân ở biên giới. Tuổi trẻ và thiếu kinh nghiệm có thể là điểm yếu của Macron. Báo New York Times đặt câu hỏi: "Macron muốn thay đổi nước Pháp nhưng liệu cử tri có bầu cho một người vô danh?"

Tuy nhiên, điểm yếu cũng có thể trở thành điểm mạnh lớn. "Ông ấy khác biệt. Ông ấy không phải là một chính trị gia truyền thống. Ông ấy cũng là người dân túy xuất thân từ phe trung dung. Cuộc bầu cử năm nay của chúng tôi vô cùng khác biệt và bất thường", một quan chức Pháp nhận định.

Vé vớt

Khoảng 30% cử tri cho biết họ chưa quyết định chính thức sẽ bầu cho ai. Do vậy kết quả vẫn sẽ gay cấn cho đến sau khi bỏ phiếu kết thúc. Hai vé vớt để vào vòng hai được chia đều cơ hội cho ông Jean-Luc Melenchon (đảng Nước Pháp bất khuất) và Francois Fillon (đảng Cộng hòa).

Ông Melenchon, 69 tuổi, cũng là người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, đề xuất đưa Pháp rời NATO và xích lại gần hơn với Nga.

Bau cu Phap anh 5
Ông Fillon và ông Melenchon cùng tranh suất được vào vòng hai. Ảnh: midilibre.fr.

 

Là người hâm mộ lãnh đạo Venezuela quá cố Hugo Chavez, ông Melenchon muốn áp thuế mạnh với những người thu nhập trên 400.000 euro/năm để lấy tiền đầu tư công làm giảm đói nghèo và tạo việc làm. Ông còn hứa sẽ giảm giờ làm việc mỗi tuần từ 35 xuống 32 tiếng.

Trong khi đó, ông Fillon có vẻ là người gặp xui nhất cuộc bầu cử.

Ông Fillon là ứng viên có nhiều kinh nghiệm trong quản trị nhà nước nhất, từng giữ cương vị thủ tướng trong năm năm. Nếu như ông tưởng chừng chắc chắn cơ hội chiến thắng cách đây ba tháng, thì khả năng này đã giảm dần sau khi bê bối cá nhân bị phanh phui.

Báo chí Pháp cho biết ông bị cáo buộc lạm quyền để vợ và các con được hưởng lợi hàng nghìn euro từ những việc mà họ không thực sự làm.  Tỉ lệ ủng hộ của Fillon đã giảm đáng kể từ sau đó.

Nhiều ý kiến thậm chí kêu gọi ứng viên này bỏ cuộc. Đây là điều mà ông cực lực bác bỏ vì các thăm dò cho thấy ông luôn bám sát Melenchon để tranh vị trí thứ ba.

7 cuộc bầu cử định hình thế giới năm 2017

Trung Quốc tổ chức đại hội đảng, Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc chọn lãnh đạo mới... những người sẽ quyết định tình hình quan hệ quốc tế trong những năm tới.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm