"Sự hiện diện của nhân tố cực hữu trong vòng hai cuộc bầu cử là một nguy cơ cho nước Pháp", ông Hollande phát biểu trên truyền hình hôm 24/4, một ngày sau vòng một cuộc bầu cử đang diễn ra tại Pháp.
Đương kim tổng thống Pháp tuyên bố ông sẽ bầu cho ứng viên Emmanuel Macron, người từng là bộ trưởng kinh tế trong nội các của ông Hollande. Theo vị tổng thống, ông Macron, người được coi như "Obama của xứ Gaulois", là lựa chọn tốt nhất có thể giúp nước Pháp đoàn kết lại.
"Vấn đề đặt ra hiện nay chính là những gì làm nên nước Pháp, sự đoàn kết của người Pháp, vai trò của Pháp với tư cách thành viên châu Âu và vị trí của Pháp trên trường quốc tế", Reuters trích phát biểu của ông Hollande.
Bà Marine Le Pen, đại diện phe cực hữu, là người đối đầu với ông Macron trong vòng tiếp theo của cuộc đua tranh chiếc ghế chủ nhân Điện Elysee. Quan điểm của bà là đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và củng cố an ninh biên giới, đều trái ngược với ông Macron.
Hai ứng viên tổng thống Pháp năm nay: Emmanuel Macron (trái) và Marine Le Pen. Ảnh: AFP. |
Cuộc bầu cử ngày 7/5 tới vì vậy được coi là sẽ tác động mạnh tới tương lai của EU. Sau sự kiện "Brexit" (Anh rời EU), nếu Pháp tiếp tục rút khỏi EU thì đây sẽ là đòn chí tử đối với liên minh chính trị - kinh tế này.
Ông Macron, 39 tuổi, từng làm trong lĩnh vực ngân hàng trước khi trở thành trưởng cố vấn và sau đó là bộ trưởng kinh tế của chính quyền Tổng thống Francois Hollande. Ông không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào.
Ông rời chính phủ năm ngoái và thành lập phong trào chính trị riêng của mình với tên "En Marche!" (Tiến lên) mà ông cho là "không tả cũng không hữu" cùng cam kết "cách mạng" nền chính trị Pháp "mục ruỗng và dốt nát". Nếu đắc cử, ông Macron sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.