Ngày 23/5, ông Lâm Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang củng cố tài liệu, báo cáo cấp trên về những vấn đề liên quan đến thi hành án đối với tài sản trong vụ án Phạm Công Danh ở Đà Nẵng.
Ba hôm trước, đơn vị này đã làm việc với các tập thể, cá nhân liên quan để giải quyết kiến nghị mua lại sân vận động Chi Lăng.
Ngân hàng không đồng ý
UBND TP Đà Nẵng xin được mua lại toàn bộ diện tích sân vận động mà chính quyền trước đây đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh. Đại diện chính quyền địa phương cho hay lãnh đạo thành phố nhận thấy những vi phạm trong quản lý Nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng... đối với dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.
Đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật nên không thể thực hiện thu hồi khu đất này để khắc phục những sai phạm đã xảy ra trước đây.
Sân vận động Chi Lăng trước đây. Ảnh: Hải Nguyên. |
UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định những vuớng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án.
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc mới đây, đại diện Ngân hàng Xây dựng, Agribank và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng (những đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan) không đồng ý với đề xuất của UBND TP Đà Nẵng. Lý do được đại diện các ngân hàng đưa ra là nếu nhượng lại sân vận động Chi Lăng cho địa phương thì quyền lợi của các cổ đông bị ảnh hưởng.
Luật sư đại diện cho ông Phạm Công Danh cũng nêu quan điểm là Tập đoàn Thiên Thanh vẫn tiếp tục triển khai dự án tại sân vận động. Ông Lâm Hồng Anh cho biết do chưa có sự thống nhất của các bên liên quan nên "số phận" sân Chi Lăng vẫn chưa được giải quyết.
Đà Nẵng khó giữ được sân Chi Lăng?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư Đà Nẵng, không bất ngờ về kết quả thỏa thuận thi hành án giữa UBND TP Đà Nẵng và các ngân hàng.
Bởi vì theo nội dung mà ngân hàng trình bày, có thể nhận thấy họ sẽ không hy sinh quyền lợi của đơn vị, các cổ đông. Các khoản tiền cho vay của ngân hàng là nguồn vốn được huy động từ dân chúng, nguồn tiền từ các cổ đông và do đó khi bên đi vay mắc nợ không trả được thì ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn là chính đáng.
"Nếu có một giải pháp nào đó để ngân hàng vẫn thu hồi tiền nợ vay thì tôi nghĩ câu chuyện thỏa thuận để Đà Nẵng giữ lại được sân Chi Lăng mới khả quan, nếu không sẽ rất khó", luật sư nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hùng (Đà Nẵng) cho rằng phía UBND TP Đà Nẵng đang đưa ra nguyện vọng là giữ lại sân vận động Chi Lăng và thực hiện trả lại số tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà Tập đoàn Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách.
Sân vận động đang xuống cấp. Ảnh: Thế Sơn. |
Có thể nhận thấy UBND TP Đà Nẵng đang xử lý sự việc theo hướng đề nghị chấm dứt việc giao dịch, chuyển nhượng với Tập đoàn Thiên Thanh, các bên nhận của nhau những gì thì hoàn trả cho nhau những thứ đã giao.
Tuy nhiên, tài sản là sân Chi Lăng đã được Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng. Vậy nên quan điểm của ngân hàng, Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng cần phải xét tới hoàn cảnh, thời điểm mà các bên đã thực hiện giao dịch để có phương án xử lý là phù hợp.
"Quan hệ giữa UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh là quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản, khác so với quan hệ giữa Tập đoàn Thiên Thanh với ngân hàng là quan hệ về tín dụng", luật sư Hùng phân tích.
Các chuyên gia pháp lý đều có chung quan điểm là nếu có việc cấp/giao/chuyển nhượng đất trái pháp luật thì phải có các quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thì mới tước đi quyền sử dụng, sở hữu các tài sản thế chấp của chủ thể đem tài sản này đi thế chấp.
Trong khi chưa có một quyết định hợp pháp nào tước đi quyền sử dụng, sở hữu tài sản này thì việc thế chấp đã được tòa án xác nhận là hợp pháp và đang được thi hành án buộc các bên phải thi hành theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2010-2011, chính quyền Đà Nẵng bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh với giá khoảng 1.400 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục, Phạm Công danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, đã "xé nhỏ" sân Chi Lăng thành 14 lô đất.
Mặc dù không phù hợp với quy hoạch chung nhưng chính quyền Đà Nẵng vẫn cấp 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh.
Sau đó, ông chủ tập đoàn này mang 14 sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, bắt tạm giam. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị cơ quan chức năng phong tỏa tài sản.
Sân vận động Chi Lăng (chấm đỏ). Ảnh; Google Maps. |