Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với tổng dân số chỉ vỏn vẹn 56.000 người. Đảo này nằm ở vùng Bắc Cực và thuộc lãnh thổ Đan Mạch, song nhiều người dân Inuit bản xứ mong muốn độc lập và quyền tự trị hoàn toàn.
Vấn đề duy nhất là một phần ngân sách chi tiêu hàng năm của Greenland là do Đan Mạch tài trợ. Do đó, đảo này phải tìm cách thu hút nguồn tiền từ nước ngoài, đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào “mẫu quốc”.
Đường phố phủ đầy băng tuyết tại đảo Greenland. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, đảo Greenland có vị trí địa chính trị chiến lược, đồng thời sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ. Tại đây, hiện tượng băng tan đang mở ra cơ hội khai thác đất hiếm, làm tăng giá trị hòn đảo trên nghị trường quốc tế.
Trong những tháng gần đây, một công ty của Australia và nhà đầu tư Trung Quốc đã khởi xướng dự án khai thác mỏ Kuannersuit, nằm cách thị trấn phía nam Narsaq khoảng 10 km. Dự án này đang gây tranh cãi và là nguồn cơn cho cuộc bỏ phiếu sớm vào ngày 6/4.
Dự án gây tranh cãi
Kuannersuit được miêu tả là “dự án khai thác đất hiếm lớn thứ hai và khai thác uranium lớn thứ năm trên thế giới”. Dự án thuộc sở hữu của công ty Greenland Minerals từ Australia, đồng thời nhận được nguồn đầu tư từ Shenghe Resources, một “đại gia” đất hiếm tại Trung Quốc.
Dự án này đã gây ra nhiều tranh cãi trong chính giới ở Greenland, dẫn đến cuộc bỏ phiếu sớm ngày 6/4.
Cụ thể, đảng dân chủ xã hội Siumut ủng hộ dự án Kuannersuit, lập luận rằng nó sẽ tạo ra hàng trăm việc làm và hàng trăm triệu USD mỗi năm, trong suốt vài thập kỷ. Từ đó, Greenland có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Đan Mạch.
Lãnh đạo đảng Siumut, ông Erik Jensen, nhận định dự án này sẽ "cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế của Greenland".
Người dân Greenland biểu tình phản đối việc khai thác mỏ. Ảnh: AP. |
Đảng Siumut là tổ chức chính trị lớn nhất trên hòn đảo. Đảng này đã cầm quyền từ khi Greenland giành được quyền tự trị vào năm 1979. Trong các cuộc thăm dò mới nhất, đảng Siumut đang tụt lại phía sau.
Song những người phản đối cho rằng dự án khai thác nằm trong vùng nông nghiệp duy nhất của hòn đảo. Nếu được triển khai, dự án sẽ lấn chiếm đất nông nghiệp và bãi săn của người dân địa phương.
"Người dân ở Narsaq (nơi triển khai dự án) cảm thấy họ cần phải rời đi", nhà khoa học chính trị Nauja Bianco nói với AFP. "Câu hỏi đặt ra là làm sao để hợp pháp hóa việc triển khai dự án. Với dân bản xứ, nó gợi nhớ đến thời thuộc địa".
Một cư dân tại thị trấn Narsaq cho biết dự án khai thác mỏ sẽ hoạt động suốt 37 năm nếu được phê duyệt. Trong 8 năm qua, người này đã đấu tranh để ngăn chặn việc cấp giấy phép khai thác mỏ.
Từ năm 2010, công ty Greenland Minerals của Australia đã có giấy phép thăm dò mỏ Kuannersuit, một trong những mỏ có nguồn đất hiếm và uranium dồi dào nhất thế giới. Các loại tài nguyên này là vật liệu quan trọng trong việc sản xuất các thiết bị công nghệ cao, bao gồm điện thoại thông minh, xe hơi điện, vũ khí.
Không phải là giải pháp
Trong khi đó, đảng đối lập Inuit Ataqatigiit (IA) lại bác bỏ dự án do lo ngại về tình trạng ô nhiễm phóng xạ hoặc ô nhiễm chất thải độc hại. Đảng này đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò về kết quả bầu cử.
“Chúng ta nói ‘không’ với việc sử dụng bom mìn khi khai thác mỏ. Chúng ta phát triển đất nước theo cách của riêng mình”, Mariane Paviasen, một đảng viên IA, chia sẻ với AFP. “Greenland có không khí trong lành và thiên nhiên hoang sơ. Chúng tôi sống hòa hợp với thiên nhiên và sẽ không làm ô nhiễm nó”.
Chuyên gia Birger Poppel từ Đại học Greenland thì nhận định dự án khai thác mỏ “không phải là một giải pháp tài chính nhanh chóng cho Greenland”.
Trên thực tế, mỗi năm Greenland nhận được khoản trợ cấp trị giá khoảng 620 triệu USD từ “mẫu quốc” Đan Mạch, tức một phần ba ngân sách chi tiêu của hòn đảo.
Theo ước tính của công ty Greenland Minerals, dự án khai thác mỏ có thể giúp Greenland nâng ngân sách thêm 235 triệu USD mỗi năm. Song việc này đồng thời khiến Đan Mạch giảm một nửa khoản tài trợ hàng năm. Do đó, tình hình tài chính của hòn đảo cũng không được cải thiện là bao.
Quang cảnh băng giá tại đảo Greenland. Ảnh: AFP. |
Giáo sư địa chính trị Mikaa Mered từ Viện Nghiên cứu Chính trị Paris cho rằng Greenland có thể chuyển hướng phát triển sang nhiều lĩnh vực an toàn hơn, như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu cát và phân bón tự nhiên.
Tầm quan trọng của Greenland
Trong những năm gần đây, Greenland trở thành vấn đề đáng chú ý trên nghị trường quốc tế. Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump từng ngỏ ý muốn mua lại vùng lãnh thổ này từ phía Đan Mạch, song bị dư luận chỉ trích là “thiếu tinh tế”.
Với diễn biến như hiện tại, nhiều bên mới nhận ra ông Trump, xuất thân là một doanh nhân trong ngành bất động sản, dường như đã có tầm “nhìn xa trông rộng” về Greenland.
Đan Mạch đã thừa nhận tầm quan trọng của Greenland, khi lần đầu ưu tiên hòn đảo trong chương trình nghị sự về an ninh quốc gia hồi năm 2019.
Người kế nhiệm ông Trump, Tổng thống Joe Biden, hồi tháng 6/2020 cũng ủng hộ việc mở lãnh sự quán Mỹ ở Nuuk, thủ phủ của Greenland.
Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bình luận việc Trung Quốc áp đảo lĩnh vực đất hiếm là “không bền vững”. Tại Anh, nhóm Nghị sĩ lưỡng đảng vì Greenland đã được thành lập hồi tháng 11/2020.
Tháng 3 năm nay, một tổ chức tư vấn toàn cầu cũng kết luận rằng, nhóm Five Eyes (bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand) nên tập trung gia tăng ảnh hưởng tại Greenland để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vấn đề cung cấp đất hiếm.