Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã công bố thế hệ thứ tư trong gia đình cầm quyền của mình vào ngày 19/11, với các bức ảnh chụp cùng con gái tại bãi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) một ngày trước đó.
Có thể là thế hệ lãnh đạo kế cận
Bé gái được tiết lộ trong ảnh được cho là Ju Ae - có thể là con thứ hai của ông Kim, tiến sĩ Cheong Seong Chang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, nói với AFP.
Ông Cheong nhận định sau khi danh tính được tiết lộ, Ju Ae có thể sẽ tham gia vào các công việc nhà nước, thậm chí sự xuất hiện của cô bé bên cạnh cha có thể cho thấy cô là người kế nhiệm tiếp theo.
Ông Cheong nói cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đã lựa chọn ông Kim Jong Un làm người kế nhiệm vì có nhiều điểm tương đồng.
"Ông Kim Jong Un có thể muốn làm điều tương tự với cô con gái đặc biệt này. Có lẽ cô bé có những phẩm chất mà ông Kim nghĩ rất giống mình", tiến sĩ nói và cho biết thêm nếu cô bé tiếp tục tháp tùng cha trong các sự kiện quan trọng, khả năng kế nhiệm cha càng lớn.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của con gái ông Kim Jong Un đã thu hút sự quan tâm lớn của giới truyền thông cũng như các chuyên gia phân tích. Ảnh: KCNA. |
Hình ảnh con gái ông Kim Jong Un mặc áo khoác màu trắng, nắm tay cha khi tham quan bãi phóng tên lửa đạn đạo ICBM đã tràn ngập trên các mặt báo ngay sau công bố từ KCNA.
Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng động thái từ Triều Tiên cho thấy "cô bé có thể sẽ được giáo dục và đào tạo để trở thành lãnh đạo, có thể là vị trí lãnh đạo trung tâm hoặc một cố vấn hậu trường giống như cô của mình (em gái ông Kim Jong Un)".
Thêm vào đó, ông Maiden cũng cho rằng: “Việc ông Kim để cô bé ra mắt công chúng theo cách này thể hiện ông ấy đang có thái độ thoải mái nhất định".
“Cùng con gái trải qua một ngày làm việc” là câu nói được nhiều người sử dụng để mô tả những bức ảnh chụp ông Kim dắt tay con gái tại bãi phóng tên lửa đang lan truyền nhanh chóng trên mạng. Rõ ràng đây không phải một chuyến dã ngoại cùng gia đình thông thường, theo Japan Times.
Vì sao ông Kim chọn thời điểm này?
Màn ra mắt của Kim Ju Ae được cho là gây chú ý hơn cả thông tin về vụ thử tên lửa ICBM mới. Vậy tại sao ông Kim lựa chọn thời điểm này để tiết lộ cho cả thế giới?
“Tôi không biết liệu điều này có phải tính toán của ông Kim hay không, nhưng có vẻ như chúng ta ngạc nhiên và bị hấp dẫn bởi sự xuất hiện của Ju Ae hơn là vụ thử ICBM”, Soo Kim, nhà phân tích Triều Tiên của công ty cố vấn Rand Corp, chia sẻ nhận định.
KCNA mô tả ông Kim đã tham dự sự kiện "cùng với con gái và phu nhân đáng mến". Ảnh: KCNA. |
Theo báo cáo của hãng truyền thông nhà nước KCNA, trọng tâm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên là quan sát vụ thử “lịch sử” với một “vũ khí chiến lược”. KCNA gọi vụ phóng là "cột mốc quan trọng" trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của đất nước, và chỉ dành một vài từ cho con gái của ông Kim, lưu ý rằng ông đã tham dự sự kiện "cùng với con gái và phu nhân đáng mến".
Dù chỉ giới thiệu trong vài dòng ngắn ngủi, lời nhắn trực tiếp đến từ ông Kim có nghĩa nó có thể mang một thông điệp quan trọng với thế giới bên ngoài.
Các chuyên gia cho rằng khi phân tích chiến lược tuyên truyền của Triều Tiên, người truyền tải có vị trí càng cao thì thông điệp đó càng có trọng lượng.
"Nói ngắn gọn, cấp độ của thông điệp phản ánh mức cam kết của (Triều Tiên), hoặc mức độ nghiêm túc mà Bình Nhưỡng muốn các nhà quan sát bên ngoài dành cho thông điệp này", Rachel Minyoung Lee, thành viên Chương trình 38 North tại Trung tâm Stimson, viết trong một báo cáo gần đây.
Màn ra mắt của Kim Ju Ae được cho là gây chú ý hơn cả thông tin về vụ thử tên lửa ICBM mới. Ảnh: KCNA. |
Ông Lee cho biết: “Bình Nhưỡng rất thận trọng trong việc đưa ra thông điệp công khai: Thông tin nào được đưa ra và cách họ định hình thông tin đó, ở cấp độ nào, cho ai và khi nào”.
“Bằng cách theo dõi các mô hình và sự thay đổi sáng suốt trong xu hướng truyền thông, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về suy nghĩ hiện tại và ý định tương lai của lãnh đạo Triều Tiên”, ông nói.
Hình ảnh nhẹ nhàng hơn?
Triều Tiên triển khai số vụ phóng tên lửa kỷ lục trong năm nay, bao gồm một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và tên lửa ICBM trong vụ phóng ngày 18/11 đã đạt tầm bắn có thể nhắm tới lãnh thổ chính của Mỹ.
John Delury, chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), cho rằng sự hiện diện lần này của con gái ông Kim có thể giống như lần xuất hiện đầu tiên của vợ ông, nhằm làm “dịu” hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Đó không phải là về một ‘Little Rocket Man’ (người tên lửa) cứng rắn hay tự mãn", ông Delury viết trên Twitter, đề cập đến biệt danh mà cựu Tổng thống Donald Trump từng đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thay vào đó, vị chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của con gái ông Kim có thể nhằm thể hiện "ông ấy là một người cha tốt, bảo vệ gia đình mình, giống như cách ông bảo vệ đất nước”.
Chuyên gia nhận định động thái mới từ Bình Nhưỡng có thể nhằm chuyển tải thông điệp về hình ảnh "một người cha tốt, bảo vệ gia đình mình, giống như cách ông bảo vệ đất nước". Ảnh: KCNA. |
Trong khi đó, Sung Yoon Lee, trợ lý giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Tufts (Mỹ) cho biết động thái này nhấn mạnh quan điểm của nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng thế hệ tiếp theo của ông Kim sẽ vẫn nắm quyền và nắm chặt “thanh kiếm hạt nhân quý giá”, ngay cả khi các đối thủ của ông rời nhiệm sở.
“Đưa con cháu đến một bãi phóng tên lửa là điều khiến ông Kim Jong Un (tự hào). Ông ấy đang nói với thế giới rằng bản thân có thời gian, trong khi họ thì không”, ông Sung Yoon Lee khẳng định.
Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.