Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao có người tặng 75.000 USD cho streamer?

Từ việc gửi ảnh khoả thân đến hẹn hò với người trả tiền cao nhất, ngành công nghiệp livestream là một thế giới với nhiều bí ẩn chưa được hé lộ.

Câu chuyện về bé gái 15 tuổi bỏ ra khoảng 75.000 USD cho chàng streamer đẹp trai không chỉ gây xôn xao ở Trung Quốc, mà cả những nơi ngành công nghiệp này đang dần phát triển.

Livestream rất thịnh hành ở Trung Quốc. Công ty kế toán Deloitte ước tính nó mang về khoảng 4,4 tỷ USD cho quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2018.

Gioi tre do tien vao Livestream anh 1
Những món quà khiến người xem nhận được nhiều sự chú ý hơn từ streamer. Ảnh: SCMP.

Thu hút sự chú ý của streamer

Một số streamer nổi tiếng có thể kiếm hàng trăm nghìn USD mỗi tuần (tuy nhiên không phải ai cũng đạt được điều này). Điều gì khiến người xem, chủ yếu là các bạn trẻ, bỏ tiền ra cho những người làm dịch vụ? Không dễ để biết câu trả lời, một số nguyên nhân thậm chí còn vi phạm pháp luật.

Xiaoming là một người rất thích xem các buổi livestream, và việc cô tặng tiền cho streamer là chuyện rất bình thường. "Mỗi khi streamer nhận được món quà, anh ấy lại trở nên nhiệt tình hơn. Điều đó làm thỏa mãn người xem. Nó cũng khiến người tặng cảm thấy bản thân có giá trị", cô nói.

Xiaoming bắt đầu xem livestream bởi nó giúp cô quên đi những buồn chán ở cuộc sống thực. Ban đầu cô chỉ bỏ tiền mua những phần quà nhỏ, và ngày càng phát triển theo thời gian. Streamer yêu thích của cô thường là nam giới, đẹp trai và hài hước. 

Thường xuyên mua quà tặng giúp xếp hạng tài khoản của cô tăng lên. Các streamer bắt đầu chào đón cô vào kênh của mình. "Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu không tặng quà nhiều hơn, sau khi được họ tâng bốc", Xiaoming cho biết.

Với những streamer nữ có đối tượng khán giả nam giới, mọi thứ còn trở nên hấp dẫn hơn. Tài khoản có tên Scotlwhite chia sẻ sau một đêm ngà say, anh đã bỏ gần 300 USD mua 4 món vật phẩm ảo để tặng một nữ streamer. "Điều đó quả thực là phù phiếm. Bạn muốn chứng tỏ mình giàu có và sẵn sàng trả tiền cho các "chủ nhà"", anh nói.

Điều này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Trên thế giới, những streamer nổi tiếng như Tyler "Ninja" hay Shroud từng nhận được số tiền trên dưới 100.000 USD. Tại Việt Nam, một streamer nổi tiếng cho biết anh từng được người xem tặng hiện vật có giá trị khoảng 100 triệu đồng.

Gioi tre do tien vao Livestream anh 2
Tyler "Ninja", streamer nổi tiếng trong trò Fortnite từng được nhận số tiền lên đến 100.000 USD. Ảnh: Youtube.

Cuộc đổi chác không chỉ trên mạng ảo

Một số blogger cho hay các streamer còn cố tình gửi quà cho bản thân để tăng tính cạnh tranh việc chi tiền giữa người xem, đặc biệt là nam giới. Đôi khi các khoản chi này được đền đáp ngoài đời thực: Một cuộc hẹn hò sẽ dành cho người tiêu pha cao nhất.

Một nguồn thạo tin cho rằng, vài streamer còn cho thông tin liên hệ cá nhân để đổi lấy quà tặng. Những cuộc hẹn này thậm chí rất được các công ty chủ quản khuyến khích.

Tuy nhiên, thông thường các streamer sẽ bị người xem liên tục làm phiền. Victor Zheng, vlogger người Mỹ gốc Hoa với hơn 10.000 người theo dõi trên Weibo, cho hay một số cuộc gặp giữa anh và fan hâm mộ có kết thúc gây khó xử cho hai bên.

"Một người xem là nam giới gửi tin nhắn đề nghị trả 100 USD/giờ để xem tôi thoát y. Ngoài ra, có rất nhiều người, cả nam và nữ, gửi ảnh khỏa thân của họ cho tôi", Zheng nói.

Chuyên gia truyền thông xã hội Trung Quốc Lauren Hallanan cho rằng dù có thể có nhiều động cơ khác nhau khi đồng ý mua quà ảo, người xem đều biết họ sẽ chi tiền khi tìm đến các kênh livestream.

Gioi tre do tien vao Livestream anh 3
Người xem bỏ tiền cho streamer để nhận được sự chú ý, cũng như thể hiện bản thân trên thế giới ảo. Ảnh: SCMP.

Ở Trung Quốc, các ứng dụng livestream đều buộc người xem khi đăng ký tài khoản liên kết với một phương thức thanh toán bất kỳ, sau đó phải mua một gói tiền ảo. "Vì vậy, trước cả khi tặng quà, người xem đều biết rằng họ 'muốn' tặng quà", Hallanan cho biết.

Tất nhiên, câu chuyện về ngành livestream không chỉ gồm thú vui thể xác hay những yếu tố tiêu cực. Trên thực tế, hầu hết người xem streaming đều bởi nhu cầu giải trí đơn thuần, trả tiền bởi đánh giá cao nội dung được tạo ra. Nhiều streamer khác cũng đồng tình với nhận định này.

Khách quan mà nói, việc người xem trả tiền giúp cho công việc streaming không còn là thú vui đơn thuần, để dần trở thành nguồn thu nhập chính cho những người làm nghề. Và khi nền công nghiệp livestream ngày càng nở rộ, không phải streamer nào cũng may mắn có được thành công. 

Thiếu nữ TQ dùng 73.000 USD của mẹ tặng streamer đẹp trai

Không muốn con vất vả, một bà mẹ Trung Quốc cấp quyền truy cập tài khoản ngân hàng cho con gái. Tuy nhiên, cô bé lại nghiện xem streaming và tiêu pha số tiền kỷ lục.


Đại Việt

Bạn có thể quan tâm