Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao chỉ còn Văn Hậu, Văn Lâm chơi ở nước ngoài đầu năm 2020?

Việc xuất ngoại có vẻ như là lựa chọn mang nhiều rủi ro với cầu thủ Việt Nam, trong bối cảnh họ cân nhắc những giải pháp tốt hơn.

Đầu năm 2019, bóng đá Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi lần lượt Văn Lâm, Công Phượng và Xuân Trường được các đội bóng ở nước ngoài chiêu mộ. Nửa sau năm 2019, đến lượt Đoàn Văn Hậu khăn gói sang Heerenveen của Hà Lan.

Tuy nhiên, tới đầu 2020, không cầu thủ Việt Nam nào lựa chọn xuất ngoại. Công Phượng, Xuân Trường thậm chí trở lại V.League thi đấu.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mỗi khi các kỳ chuyển nhượng mở cửa, không thiếu các tin đồn xuất ngoại liên quan đến các cầu thủ Việt Nam. Tiền vệ Phạm Đức Huy được CLB Chonburi liên hệ, trong khi Tuấn Anh của HAGL nhận được sự quan tâm từ Muangthong. Hùng Dũng, Văn Quyết hay Quang Hải cũng được các đội bóng từ Thai League, J.League để mắt.

Đến khi V.League chuẩn bị khởi tranh, không tin đồn nào trở thành sự thật. Văn Lâm và Văn Hậu vẫn là 2 cái tên chơi bóng ở nước ngoài. Vì sao các cầu thủ Việt Nam không còn thiết tha xuất ngoại như một năm trước?

van hau heerenveen anh 1

Quang Hải nhận được sự quan tâm của CLB Consadole nhưng anh vẫn sẽ gắn bó với Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Các trường hợp của Xuân Trường, Công Phượng mới đây có lẽ là câu trả lời phù hợp. Xuân Trường tới Buriram United và nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng nhanh chóng trở về HAGL sau nửa mùa giải vì không đáp ứng được chuyên môn. Công Phượng gặp tình cảnh tương tự, thậm chí phải phiêu bạt của 2 CLB ở Hàn Quốc và Bỉ nhưng cuối cùng vẫn phải tìm cơ hội đá bóng ở V.League.

Trường hợp Văn Hậu cũng chưa thể khẳng định là thương vụ thành công. Ngoài 4 phút ở cúp quốc gia Hà Lan và vài trận đấu ở đội trẻ, Văn Hậu không có cơ hội ra sân (dù anh là tuyển thủ quốc gia, là hậu vệ cánh trái số 1 tại Việt Nam). Tuy vậy, Hậu có những tiến bộ nhất định và còn nhiều cơ hội để thể hiện mình.

Chỉ có Văn Lâm trụ lại được Muangthong, nhưng anh chơi ở vị trí đặc biệt như thủ môn và lại được đào tạo cơ bản ở nước ngoài. Văn Lâm là trường hợp đặc thù và không thể đặt anh trong sự so sánh với các cầu thủ V.League khác.

van hau heerenveen anh 2

Công Phượng phải về nước, đá cho TP.HCM sau một năm xuất ngoại không thành công. Ảnh: Duy Anh.

Ngoài Văn Lâm, những gì cầu thủ Việt làm được khi xuất ngoại chỉ dừng ở mức học hỏi. Tới nay, chưa thương vụ nào có thể đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ.

Việc các cầu thủ chưa xuất ngoại trong năm 2020, theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, một phần nằm ở việc chưa có trường hợp nào thành công khi đi ra nước ngoài (dĩ nhiên ngoại trừ Văn Lâm).

"Năm 2020, một ai đó ra nước ngoài thì cũng phải tính toán. Tôi muốn cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, thậm chí đi càng nhiều càng tốt. Nhưng đến nay phải nói chúng ta đã thất bại và phải rút ra nhiều vấn đề xem có nên đi hay không và đi nước nào", cựu cầu thủ Thể Công chia sẻ với Zing.vn.

Nhìn chung, việc ra nước ngoài chơi bóng chưa bao giờ là một lựa chọn an toàn. Điều gì đảm bảo những Đức Huy, Tuấn Anh, thậm chí Quang Hải sẽ không đi theo con đường của Xuân Trường hay Công Phượng?

Ở lại Việt Nam là giải pháp an toàn

Nhìn vào những thất bại của Trường, Phượng và thậm chí cả Tuấn Anh trước đó, các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có lý do để dè dặt, e ngại trước việc ra nước ngoài. Với mỗi cầu thủ, điều quan trọng nhất là được đá và đá thường xuyên để duy trì phong độ. Việc phải dự bị dù ở nền bóng đá chất lượng cao chưa chắc đã tốt bằng ra sân thường xuyên dẫu ở môi trường bóng đá có đẳng cấp thấp hơn.

Cũng theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, việc đưa cầu thủ ra nước ngoài, nếu thất bại sẽ để lại ảnh hưởng lớn tới cầu thủ: "Nếu đưa cầu thủ ra nước ngoài bừa bãi, kiểu "tay mơ", thì tức là làm hại chính cầu thủ ấy. Công Phượng là một ví dụ, khi chúng ta đều nhìn thấy Phượng thi đấu sa sút khi từ nước ngoài về. Nếu chúng ta không làm cẩn thận, sự nghiệp của cầu thủ sẽ rủi ro. Nếu chúng ta làm tốt, sẽ đem lại thành công như Đặng Văn Lâm".

Không được ra sân ở các CLB đồng nghĩa với việc phong độ đi xuống, và điều này kéo theo việc họ đánh mất chính vị trí của mình ở đội tuyển quốc gia. Công Phượng trước thời điểm tới Incheon (và sau là Sint-Truidense), anh là tiền đạo số một của ông Park. Sau quãng thời gian dự bị, Phượng mất cảm giác bóng tốt nhất, thường xử lý lóng ngóng và mất suất đá chính vào tay Tiến Linh (người được đá thường xuyên tại V.League).

van hau heerenveen anh 3

Chỉ chơi ở V.League giúp Tiến Linh duy trì phong độ và trở thành chân sút lợi hại của ĐT Việt Nam. Ảnh: Kiệt Trần.

Các lãnh đạo đội bóng cũng e ngại trước viễn cảnh cầu thủ của họ ra nước ngoài để rồi đánh mất phong độ. Văn Quyết, Quang Hải nhận được nhiều lời mời, nhưng tới nay bầu Hiển mới đồng ý cho Văn Hậu sang Hà Lan. Trong khi đó, bầu Đức thậm chí phải đưa những cầu thủ ông từng đặt kỳ vọng xuất ngoại trở về Việt Nam.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến các cầu thủ Việt Nam không xuất ngoại trong giai đoạn đầu năm 2020 vì họ không được chơi ở những giải đấu quốc tế để được các nhà tuyển trạch để mắt. Khác với thời điểm hơn 1 năm trước, khi AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 diễn ra gần như nối tiếp, thì quãng thời gian qua chỉ có SEA Games và vòng chung kết U23 châu Á.

Văn Lâm được Muangthong để ý vì chơi hay ở AFF Cup 2018, trong khi Công Phượng với màn trình diễn tại Asian Cup đã thu hút sự chú ý của Incheon United. Vòng chung kết U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam sớm dừng chân ở vòng bảng, và coi như tự đánh mất cơ hội giới thiệu bản thân mình ra thế giới.

Xem lại 8 bàn thắng của Quang Hải tại V.League 2019 Tại V.League 2019, Nguyễn Quang Hải là nhân tố quan trọng trong hành trình lên ngôi vô địch của CLB Hà Nội khi đóng góp 8 pha lập công.

Công Phượng là tiền đạo Việt Nam đáng xem ở AFC Cup 2020

Trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á đánh giá Công Phượng là một trong 6 tiền đạo đáng xem nhất tại vòng bảng AFC Cup 2020.

Bạn có thể quan tâm