Cảnh sát Hungary cưỡng chế đưa những người tị nạn Syria rời nhà ga dẫn đến Serbia. Ảnh: Reuters |
Trước làn sóng hàng trăm nghìn người tị nạn từ Trung Đông, với phần lớn là người Syria, đổ sang châu Âu, các nước sát biên giới như Italy, Hy Lạp và Hungary là những quốc gia đối mặt với áp lực lớn nhất. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), ông Donald Tusk, từng đề nghị hạn mức mà các nước thành viên trong khối cần tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, nếu như Đức và Pháp bày tỏ thái độ sẵn sàng tiếp nhận người nhập cư, chính quyền Hungary lại đóng cửa biên giới.
Đông Âu kiên quyết đóng cửa
Hình ảnh người nhập cư tìm cách vượt qua hàng rào dây thép ở biên giới Hungary là một trong những khoảnh khắc thời sự nổi bật ở châu Âu. Hungary là điểm trung chuyển để người Syria đến Áo trước khi tới các quốc gia châu Âu khác như Đức.
Tại ga xe lửa Keleti ở Hungary, hàng ngày người Syria phải trải qua cuộc đối đầu căng thẳng với cảnh sát sở tại. Chính quyền Hungary muốn đưa người Syria đến một khu trại tị nạn. Công ước Dublin, một luật quốc tế về tị nạn của châu Âu, quy định người di cư phải đăng ký tại quốc gia đầu tiên mà họ đến, rồi chính quyền nước đó sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn. Washington Post dẫn số liệu Liên Hợp Quốc cho biết, Hungary mới giải quyết 278 trong số gần 150.000 đơn xin tị nạn trong năm 2015.
Bản đồ hành trình tị nạn của người Syria, từ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Đức. Ảnh: BBC |
Do vậy, dân Syria không đến trại tị nạn vì lo ngại rằng việc đăng ký đơn ở đây sẽ cản trở kế hoạch đến "nước Đức thiên đường". Ở thủ đô Budapest, hàng trăm người Syria tuyên bố "đi bộ đến Vienna" (thủ đô của Áo) vì Hungary không cho phép họ lên tàu hỏa.
Chính phủ cánh hữu ở Hungary muốn chặn "cơn lũ tị nạn". Cảnh sát đã dựng hàng rào dây thép gai với chiều dài 160 km dọc biên giới với Syria. Ngày 4/9, quốc hội Hungary thông qua dự luật kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, quy định hình phạt đối với những người di cư trái phép nếu họ cố tìm cách vượt biên. Luật có hiệu lực từ ngày 15/9, bao gồm giam và trục xuất người tị nạn.
Budapest cũng quy trách nhiệm về khủng hoảng tị nạn do chính sách về di trú của Liên minh châu Âu, đồng thời cảnh báo những phát ngôn của các nhà lãnh đạo trong khối có thể gây hiểu nhầm là họ cởi mở với người di cư trái phép.
Giới lãnh đạo Hungary chỉ trích công khai chính sách mở cửa của nước Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, cảnh báo chính sách của Berlin không thể giải quyết tình trạng hàng nghìn người Syria kéo về biên giới phía nam Hungary mỗi ngày, gây tê liệt các cơ sở hạ tầng. Nó khuyến khích những người tị nạn khác chấp nhận rủi ro để thực hiện hành trình đến châu Âu.
Thủ tướng Orban khẳng định Hungary hành động cứng rắn để bảo vệ cộng đồng Thiên chúa giáo ở châu Âu trước làn sóng người Hồi giáo. "Những người di cư đã trưởng thành dưới nền tôn giáo khác, đại diện cho một nền văn hóa hoàn toàn khác hẳn. Phần lớn họ theo đạo Hồi chứ không phải Công giáo. Đây là vấn đề quan trọng, vì châu Âu và bản sắc châu Âu dựa trên Thiên chúa giáo. Chúng tôi có lý do chính đáng khi không muốn số lượng lớn người Hồi giáo đi vào lãnh thổ Hungary. Chúng tôi không muốn hứng chịu hậu quả", báo Guardian ngày 3/9 trích lời ông Orban.
Orban cũng cảnh báo người tị nạn Syria về những chính sách kiểm soát biên giới mà Budapest sắp triển khai. "Xin các bạn đừng đến đây. Tại sao mọi người phải rời Thổ Nhĩ Kỳ để đến châu Âu? Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia an toàn. Các bạn hãy ở yên đấy, đừng mạo hiểm".
Người tị nạn Syria dựng lều để ngủ qua đêm ở thủ đô Budapest, Hungary, do chính quyền nước này không cho họ lên tàu để đến Serbia. Ảnh: AFP |
Một số nhà lãnh đạo Đông Âu chia sẻ nỗi lo ngại của Thủ tướng Orban. Giới chức Cộng hòa Slovakia tuyên bố họ chỉ đón nhận những người theo Công giáo. Các nước Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech cũng ra tuyên bố chung để phản đối việc EU áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Đây là chính sách do Đức, Pháp và Italy thúc đẩy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, ngày 6/9, dường như Giáo hoàng Francis xóa lo ngại mơ hồ của Thủ tướng Orban. Giáo hoàng kêu gọi "mỗi giáo xứ, cộng đồng tôn giáo, các tu viện ở châu Âu hãy đón nhận một gia đình tị nạn". Ông cũng khẳng định, Vatican sẽ chào đón hai gia đình di cư từ Syria.
Tây Âu mở cửa
Trước sự chia rẽ của khu vực Đông Âu và Tây Âu, một số nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng thành tựu mà 28 quốc gia đã phấn đấu đạt được chính là cùng giải quyết khủng hoảng và chia sẻ gánh nặng. Quan chức phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh khủng hoảng di cư không chỉ ảnh hưởng đến một số nước thành viên mà là tình hình chung của cả châu Âu. "Châu Âu phải nhớ về lịch sử xung đột và chiến tranh của mỗi nước. Do vậy, họ phải cân nhắc trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ người tị nạn", bà nói.
Một tình nguyện viên người Đức hôn lên má bé trai Syria. Em và gia đình là những người tị nạn Syria đầu tiên đến Munich, Đức, ngày 5/9. Ảnh: Reuters |
Tấm ảnh chụp bé trai Syria tử nạn ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/9 khi cùng gia đình rời khỏi Syria khiến dư luận châu Âu như "tỉnh giấc". Nhiều cuộc tuần hành, các hãng truyền thông lớn gây sức ép, buộc các nguyên thủ châu Âu phải sớm đưa ra giải pháp về cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Ngày 4/9, Cao ủy về người tị nạn Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước lớn trong EU xây dựng kế hoạch tái phân bố nơi ở cho khoảng 200.000 người tị nạn. AFP cũng cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ công bố kế hoạch bố trí nơi ở cho ít nhất 120.000 người tị nạn vào tuần tới.
Dù các ngoại trưởng châu Âu vẫn chưa đưa ra những biện pháp cụ thể, họ đã vạch ra nguyên tắc chung cho tình hình. Theo CNN, các chính sách gồm: Bảo đảm người tị nạn được bảo vệ và đối xử với đầy đủ nhân quyền; đấu tranh chống buôn người và buôn lậu; nỗ lực giải quyết nguồn gốc của tị nạn (xung đột ở Syria và Libya).
Trong số các nước mở cửa đón người tị nạn, Đức sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn nhất. Ngày 3/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thống nhất về đề xuất áp đặt hạn ngạch đón người tị nạn ở mỗi quốc gia trong khối. "Đây không thể là vấn đề của một số quốc gia. Đức, Áo và Thụy Điển phải nhận trách nhiệm lớn hơn. Chúng ta xây dựng hạn ngạch nhằm bảo đảm sự phân chia công bằng", bà Merkel nói.
Theo Washington Post, Đức có thể tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm 2015. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Đức xây dựng các chính sách cởi mở với những người tị nạn chính trị. Do vậy, Đức trở thành điểm đến lý tưởng của những người trốn nội chiến và các cuộc xung đột chính trị.
Ngày 5/9, hàng nghìn người tị nạn Syria đã đáp chuyến tàu đầu tiên đến thành phố Munich, Đức trong niềm vui sướng. Phần lớn người Syria di cư chỉ có nguyện vọng duy nhất là đến nước Đức. Quốc gia này trở thành "thiên đường" với dân Syria vì nền kinh tế phát triển, xã hội dân chủ vững mạnh và truyền thống mở cửa với người tị nạn. Một số nước như Thụy Điển và Áo cũng đã tiếp nhận tỷ lệ người tị nạn trên tổng dân số cao hơn so với các nước trong khu vực.