Harry Kane là nạn nhân mới nhất thất bại trong việc chuyển hóa cơ hội từ chấm phạt đền. |
Những cú đá penalty là câu chuyện đang được nhắc đến nhiều nhất tại World Cup năm nay, với 4 trận đấu phải nhờ đến loạt sút luân lưu để phân định thắng thua.
Thống kê cho thấy, tại vòng tứ kết trong 9 kỳ World Cup gần nhất, đều có ít nhất một trận đấu phải đi đến loạt đá 11m. Đỉnh điểm là vào năm 1986 khi 3 trong số 4 trận đấu ở tứ kết đều phải phân định thắng thua trên chấm đá 11m.
Thủ môn giỏi hay người đá kém
Những loạt đá penalty cho đến lúc này tại World Cup 2022 thường diễn ra rất chóng vánh. Tây Ban Nha và Nhật Bản là những đội tuyển trải nghiệm quá rõ điều này.
Nhật Bản thua Croatia trong ngày Dominik Livakovic quá xuất sắc khi cản được 3 quả đá của Takumi Minamino, Kaoru Mitoma và Maya Yoshida. Tây Ban Nha thậm chí còn thua trắng 0-3 trước Morocco. Cú đá đầu tiên của Pablo Sarabia đi trúng cột dọc, nhưng thủ môn Yassine Bounou cũng đã đoán đúng hướng bóng. Carlos Soler và Sergio Busquets sau đó không thể thắng được thủ thành 31 tuổi của đội bóng Bắc Phi.
Trước khi vòng 16 đội diễn ra, HLV Luis Enrique cho rằng đá penalty không phải là cuộc chơi của may rủi. Ông yêu cầu các cầu thủ của mình thực hành 1.000 quả phạt đền ngay từ trước khi World Cup diễn ra. Kết quả cuối cùng lại không phản ánh đúng những gì mà Tây Ban Nha đã luyện tập. Họ cay đắng rời giải với kỷ lục buồn khi là đội bóng có thành tích sút luân lưu tệ nhất lịch sử World Cup.
Cú sút hỏng của Busquets khởi đầu cho loạt sút luân lưu tệ nhất lịch sử World Cup của ĐT Tây Ban Nha. |
Một điều đáng chú ý của những loạt đá luân lưu này là chất lượng kém đến kinh ngạc của những quả đá. 6 quả phạt đền mà các đội thua bỏ lỡ đều được thực hiện không có nhiều lực và hầu hết không ở góc khó. Nó giúp cho các thủ môn dễ dàng cản phá nếu đoán đúng hướng bóng.
Trước khi vòng tứ kết diễn ra, công ty dữ liệu Nielsen Gracenote đã phân tích tất cả các quả phạt đền được thực hiện tại 5 kỳ World Cup gần đây nhất, bao gồm cả World Cup 2022. 50% những cú sút sang phải được thực hiện ở góc thấp, con số tương tự là 68% với những cú đá sang trái. Và tỷ lệ thành công ở những cú sút này cũng là thấp nhất.
Không có gì đáng ngạc nhiên, các cú đá vào khu vực phía trên cầu môn, bất kể là giữa hay hai bên, có tỉ lệ thành công cao nhất trong nghiên cứu này. Chỉ có 5 quả phạt đền đi trúng hoặc đi vọt xà ngang, trong khi có 7 quả đi trúng cột dọc hoặc đi chệch cột dọc. Tiếc cho Harry Kane khi anh nằm trong số những người không may mắn với cú sút của mình.
Ngôn ngữ cơ thể và sự tự tin
Hầu hết cầu thủ khi đá penalty thường không dám sử dụng kỹ thuật của mình để nhắm vào một góc cao nhưng hiệu quả mà thay vào đó lại lựa chọn góc thấp.
Tiến sĩ Matt Miller-Dicks, giảng viên cao cấp về lĩnh vực tiếp thu kỹ năng tại Đại học Portsmouth phân tích: “Biên độ sai sót khi đá penalty đến khi bạn nhắm lệch vào mục tiêu chỉ một chút ít. Cầu thủ không thể sút phạt quá thấp vì mặt đất vẫn chỉ ở đó, nhưng việc sút quá cao thì rõ ràng là có thể. Vì vậy, họ thường có cho mình lựa chọn an toàn. Trong những tình huống ít áp lực hơn, các cầu thủ sẽ có được sự tự tin để thực hiện quả đá vào góc cao".
“Ngôn ngữ cơ thể và sự tự tin cũng đóng một vai trò quan trọng. Các cầu thủ Nhật Bản gần như bị tâm lý trước chấm luân lưu. Họ sử dụng nhiều những pha chạy đà chậm và cố gắng đoán bắt bước chạy của thủ môn trước khi thực hiện cú đá. Đó là điều thường gây hại nhiều hơn là mang lại lợi thế".
Nhật Bản thiếu đi sự tự tin cùng ngôn ngữ cơ thể dễ đoán khi bước vào loạt sút luân lưu. |
Tiến sĩ Matt Miller-Dicks nói thêm: “Tôi đã cảm nhận được điều đó từ một số quả phạt đền bị hỏng trong hai loạt sút luân lưu kể trên của Nhật Bản và Tây Ban Nha. Các cầu thủ tiếp cận khá chậm với trái bóng khi họ chạy lên. Có thể họ hy vọng rằng thủ môn sẽ di chuyển sang một bên, nhưng sau đó họ không làm như vậy. Kết quả là người sút không có cho mình một cú đá tốt khi thủ môn đoán đúng hướng bóng và cản phá thành công".
Rõ ràng, áp lực tâm lý của những tình huống đá phạt đền đè nặng rất lớn lên các cầu thủ. Tiến sĩ Miller-Dicks cho biết rằng vấn đề còn có thể xuất phát trước khi cầu thủ đặt bóng vào chấm đá phạt. “Nghiên cứu cho thấy một số điều mà cầu thủ gặp khó khăn không phải là khi họ sút bóng, mà là ngay từ khi đứng ở vòng giữa sân và đi bộ lên để thực hiện quả đá".
“Nếu cầu thủ không chuẩn bị kỹ càng, đó là lúc họ nghi ngờ về chính bản thân mình về những gì họ sẽ làm và có thể thay đổi góc sút. Vì vậy, điều quan trọng là sự chuẩn bị của người thực hiện quả phạt đền không nhất thiết chỉ là tập đá vào gôn, mà đó còn là chuyện tập bước đi lên. Các đội tuyển quốc gia hay câu lạc bộ đều có chuyên gia tâm lý thể thao và họ phải giúp các cầu thủ chuẩn bị tâm lý cho thời điểm đó".
Chung quy lại, đá penalty không chỉ là cuộc chơi của may rủi. Đó là cuộc chiến về mặt tâm lý và bản lĩnh, nơi sai lầm là điều không cho phép. Tất nhiên, việc phải thi đấu tới loạt luân lưu cân não là điều mà bất kỳ cầu thủ nào đều mong muốn bởi ai cũng muốn giành chiến thắng ngay trong 90 hay 120 phút.
Sẽ là điều thú vị nếu World Cup 2022 tiếp tục được chứng kiến các trận đấu phải giải quyết thắng thua trên chấm 11m, nơi khán giả rất muốn được chiêm ngưỡng tài năng của những thủ môn rất xuất sắc như Dominik Livakovic, Emiliano Martinez hay Yassine Bounou.
Kỳ World Cup đầy bất ngờ
World Cup 2022 đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những kỳ Cúp Thế giới đáng xem nhất lịch sử với dấu ấn đậm nét từ các đại diện châu Á và nhất là châu Phi. Một trong những bất ngờ tương tự từng được viết trong cuốn The official history of FIFA World Cup, xuất bản năm 2019