Đóng góp 9 cái tên trong danh sách dự vòng loại World Cup, nhưng dấu ấn cầu thủ CLB Hà Nội không còn đậm nét như trước.
6 điểm sau 3 trận cùng vé vượt vòng loại thứ hai World Cup 2022 là phần thưởng cho nỗ lực của tuyển Việt Nam, nhưng nhìn trên khía cạnh chuyên môn, các học trò của HLV Park Hang-seo gặp đôi chút trục trặc ở chặng cuối hành trình. Một trong số đó là phong độ của nhóm cầu thủ CLB Hà Nội.
Suy giảm tầm ảnh hưởng
Trong 9 cầu thủ của CLB thủ đô, chỉ Bùi Tấn Trường và Đỗ Duy Mạnh đá chính đủ 3 trận. Suất đá của Tấn Trường dường như không nằm trong dự liệu ban đầu của HLV Park Hang-seo. Cựu thủ môn Đồng Tháp chỉ được trao cơ hội khi Đặng Văn Lâm không được triệu tập do là trường hợp F1 của một ca mắc Covid-19. Trước khi Tấn Trường xỏ găng trấn giữ khung thành, Văn Lâm là lựa chọn bất biến của HLV Park trong khung gỗ tuyển.
Dòng tiêu đề “From hero to zero” (từ người hùng về con số 0) của website chính thức AFC phác họa lại nỗi ám ảnh trong suốt sự nghiệp Tấn Trường, nhưng ở UAE, anh đã đi chặng đường ngược lại để một lần nữa bước ra ánh sáng. Anh có 2 lần cứu thua ngoạn mục, với giá trị không kém những bàn thắng để giúp Việt Nam hạ Malaysia. Thất bại trước UAE ở lượt cuối càng cho thấy 3 điểm trước Malaysia quan trọng thế nào. Ở tuổi 35, Tấn Trường vươn lên như cây cao bóng cả, che chắn phần nào thiếu sót của lứa hậu bối.
Trong nhóm cầu thủ CLB Hà Nội, Tấn Trường không phải người được kỳ vọng nhất, nhưng thi đấu ổn định nhất. Không tính cựu thủ môn Đồng Tháp, những cái tên còn lại được chia thành 3 nhóm: đá chính (Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải), dự bị (Nguyễn Thành Chung, Phạm Đức Huy) và không ra sân (Trần Đình Trọng, Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh). Nhóm hai và ba không có cơ hội thể hiện, còn với nhóm một không còn chơi tốt như ở giai đoạn đầu.
Quang Hải lạc lõng trong trận thua 2-3 của Việt Nam trước UAE. Tiền vệ sinh năm 1997 không tạo được dấu ấn khi đối thủ đá rát, áp sát nhanh. Ảnh: Y Kiện. |
Quang Hải thi đấu ấn tượng ở trận gặp Indonesia trong vai trò tiền vệ trung tâm. Ngôi sao sinh năm 1997 sút xa ghi bàn đẹp mắt, di chuyển thông minh để khai mở khoảng trống. Nhưng, đội hình non nớt của Indonesia không phải thuốc thử đủ mạnh. Ở trận gặp UAE - đội bóng ở trình độ chơi bóng cao hơn và chủ động tấn công áp đặt, Quang Hải và các tiền vệ Việt Nam gặp bài toán khó.
Theo BLV Ngô Quang Tùng, thế trận rối loạn và mất cân đối ở cuộc so tài với UAE đến từ việc tuyến tiền vệ không kiểm soát được nhịp điệu chơi bóng, thiếu bình tĩnh, tỉnh táo và xử lý nóng vội. Quang Hải, trong thế trận bị chia cắt với đồng đội và gặp đối thủ bản lĩnh hơn, không thể gồng gánh tuyến tiền vệ.
Bên cạnh Quang Hải, Duy Mạnh và Văn Hậu cũng có những trận đấu không như ý. 3 trận cuối vòng loại, tuyển Việt Nam thủng lưới nhiều gấp 4 lần và chỉ 1 lần giữ sạch lưới (so với 4 trận vòng loại năm 2019). Sợi dây liên kết ở hàng phòng ngự lỏng lẻo đi nhiều sau gần 2 năm không thi đấu cùng nhau. Trước đối thủ ở mức độ càng khó, sai lầm cũng lộ ra ở tần suất càng nhiều.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam vẫn giành vé đi tiếp khi nhóm cầu thủ Hà Nội không đạt phong độ tốt, còn nhóm HAGL đã thế vai ấn tượng. Ở trận đá chính duy nhất, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy và Lương Xuân Trường tỏa sáng khi in dấu giày trong 4 bàn thắng vào lưới Indonesia. Văn Thanh, Hồng Duy tiến bộ thần tốc dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisuk khi leo biên và phối hợp nhóm ấn tượng ở bên cánh, trong khi Xuân Trường chỉ cần một hiệp đấu để có 2 đường kiến tạo cho đồng đội lập công.
Ở trận gặp Malaysia, Nguyễn Văn Toàn đem về quả phạt đền quý như vàng cho tuyển Việt Nam với pha bứt tốc và ngã xuống tinh quái. Đến trận gặp UAE, Trần Minh Vương khẳng định giá trị với 1 bàn thắng, 1 kiến tạo, dù anh không có cơ hội ra sân ở 2 trận trước đó. Sự chuyển đổi, thay thế hài hòa vai trò của các cá nhân giúp tuyển Việt Nam từng bước vượt khó. Chiến công ấy càng khẳng định: đội bóng của HLV Park Hang-seo không phụ thuộc vào một, hay một nhóm cầu thủ nào.
Văn Hậu, Duy Mạnh đã đánh mất sự chắc chắn. Trong nhóm cầu thủ Hà Nội thường xuyên đá chính, chỉ Tấn Trường là cái tên đạt yêu cầu. Ảnh: Y Kiện. |
Vấn đề phong độ
Những trận đấu chưa tốt của nhóm cầu thủ Hà Nội không đến từ vấn đề trình độ, mà là phong độ. Đây vẫn là những cái tên có đẳng cấp rất cao, được HLV Park Hang-seo sàng lọc, chọn lựa qua rất nhiều thử nghiệm, nhưng biến động trong 2 năm qua khiến nhiều cầu thủ không còn ở trạng thái tốt nhất.
Phong độ trồi sụt của CLB Hà Nội ở V.League là một phần nguyên nhân. Đội bóng thủ đô không còn duy trì thế thống trị, vấp phải sự cạnh tranh lớn và mới chia tay HLV Chu Đình Nghiêm. Duy Mạnh, Quang Hải đang phải học cách thích nghi với hệ thống 5-4-1 lạ lẫm dưới quyền tân HLV Park Choong-kyun. Rời khỏi vùng an toàn với lối đá được “đo ni đóng giày” 3 năm qua không phải thử thách dễ vượt.
Ngoài ra, chấn thương cũng cản bước các cầu thủ Hà Nội. Trần Đình Trọng dính chấn thương nặng hồi tháng 6/2019, phải lên bàn mổ 2 lần trong 3 năm. Đến tháng 9/2019, Văn Hậu sang SC Heerenveen, chỉ được thi đấu 4 phút trong 9 tháng. Trở về CLB Hà Nội, Văn Hậu dính 2 chấn thương và chỉ chơi thêm 2 trận ở nửa cuối năm 2020. Trước khi ra sân ở vòng loại World Cup, anh phải điều trị và tập không bóng trong nửa năm.
Trong khi đó, Duy Mạnh đứt dây chằng ở trận Siêu cúp Quốc gia tháng 2/2020, phải dưỡng thương 12 tháng. Giữa năm 2020, Quang Hải vừa chấn thương, vừa gặp vấn đề bên ngoài sân cỏ.
Chấn thương dài hạn, liên quan đến vùng nhạy cảm như khớp gối, dây chằng đẩy dàn sao Hà Nội vào thế phải leo trở lại đỉnh cao từ con số 0. Mật độ thi đấu gấp gáp và sức cạnh tranh lớn ở V.League (thi đấu 5 ngày/trận) khiến cầu thủ không có quãng nghỉ cần thiết để phục hồi.
Năm 2019, HLV Chu Đình Nghiêm sẵn sàng cất Quang Hải ở ngoài khi học trò có biểu hiện “chán bóng đá” và mệt mỏi sau quãng thời gian cày ải liên tục. Nhưng thời điểm này, CLB Hà Nội không còn ở thế độc tôn và có lực lượng dày để HLV thoải mái xoay sở. Điều đó dẫn đến Duy Mạnh, Văn Hậu phải chạy đua với thời gian để trở lại.
Tấn Trường, Minh Vương tỏa sáng khi tuyển Việt Nam phải bất đắc dĩ thay đổi, cho thấy HLV Park Hang-seo vẫn chưa tận dụng tối đa tiềm năng của các cầu thủ. Ảnh: Y Kiện. |
HLV Park Hang-seo vẫn tin dùng Văn Hậu dù anh nghỉ thi đấu 7 tháng trước đó, sử dụng Duy Mạnh như miếng ghép bất biến ở hàng thủ bất chấp cả năm 2020 ngồi ngoài. Niềm tin của HLV người Hàn Quốc dựa vào khả năng thẩm thấu chiến thuật. Cùng ông gắn bó 3 năm và thi đấu nhiều giải lớn, các cầu thủ hiểu nhau, và hiểu HLV Park muốn gì. Do đặc thù huấn luyện ngắn ngày và thi đấu dồn dập của ĐTQG, các HLV thường ưu tiên những cầu thủ cũ, bởi không có thời gian đủ nhiều để truyền tải triết lý, chờ đợi người mới lĩnh hội.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc luôn có hai mặt. Cầu thủ không phải máy móc để lúc nào cũng vận hành chuẩn xác. Khi ấy, HLV cần có phương án dự phòng.
Màn tỏa sáng của Trần Minh Vương từ ghế dự bị nhắc cho HLV Park rằng ông từng thành công với những quyết định thay đổi nhân sự. Nếu Văn Thanh không chấn thương, chưa chắc Trọng Hoàng có cơ hội. Văn Lâm không có mặt, Tấn Trường lên tiếng kịp thời. Hay ở giải U23 châu Á 2018, Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức thay nhau tỏa sáng, dù không phải phương án 1 của thầy Park.
HLV 64 tuổi có lẽ thay đổi và mở rộng quỹ chọn lựa. Chỉ tin tưởng một bộ khung mà bỏ quên những cái tên không ngừng vươn lên, đấy sẽ là sự lãng phí lớn với tiềm năng của bóng đá Việt Nam.