"Bắc Giang là tỉnh mà dịch xảy ra nặng nề nhất, có số ca nhiễm lớn nhất từ trước đến nay nhưng chính quyền đã lựa chọn không phong tỏa toàn tỉnh, chỉ cô lập những điểm có dịch, còn lại mọi hoạt động kinh tế vẫn diễn ra", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ với Zing.
Theo ông, nhờ thực hiện phương án chống dịch như vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản ở địa phương được giải quyết có hiệu quả.
"Đây là bước đầu của phương thức chấp nhận sống chung với dịch để đảm bảo các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường - một xu thế tất yếu mà Việt Nam cần tính tới", ông Cường phân tích.
Linh hoạt vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Trái ngược với câu chuyện "vừa chống dịch, vừa sản xuất" ở Bắc Giang, đại biểu Cường cũng nêu thực tế có những tỉnh mới chỉ phát hiện vài ca nhiễm hoặc thấy địa phương khác xuất hiện dịch đã vội thắt chặt mọi hoạt động.
Vì vậy, dù Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng địa phương trong áp dụng biện pháp chống dịch, ông Cường cho rằng vẫn cần thống nhất về phương thức hành động trên toàn quốc. Điều này là rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng mỗi tỉnh tự đặt ra quy định riêng của mình, vượt ra khỏi các biện pháp phòng, chống dịch thực sự cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hoàn cảnh hiện nay đặt rõ yêu cầu thay đổi phương thức hành động để thực hiện mục tiêu kép. Năm 2020, chúng ta ở trạng thái phòng là chính, cứ có dấu hiệu của dịch sẽ truy vết, khoanh vùng, cách ly, thậm chí là phong tỏa diện rộng, dừng tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nghĩa là ta tìm mọi cách không để dịch xâm nhập vào cộng đồng.
"Nhưng đến năm 2021, vấn đề đã khác”, ông Cường nêu đánh giá và dẫn câu chuyện hôm 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ vào TP.HCM và một số tỉnh lân cận để đôn đốc, chỉ đạo công tác chống dịch. Tại đây, khi chỉ đạo về việc thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng giải pháp để kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế.
“Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo ông Cường, thay vì tìm mọi cách tránh dịch, chúng ta phải đối diện với nó một cách linh hoạt, phù hợp. Bởi thực tế dù có khoanh vùng, be bờ, ngăn rất kỹ, dịch vẫn xuất hiện ở đâu đó.
Nhìn ra thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nhiều nước đã thành công khi chuyển từ phòng ngự sang tấn công dịch nhờ công cụ vaccine. Họ đã chấp nhận có dịch để dần mở cửa nền kinh tế.
"Thế giới đã chứng minh sự thành công trong chống dịch khi có vaccine, như Mỹ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 nhưng lại là nơi mở cửa sớm nhất nhờ vaccine”, ông Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của “chìa khóa” thoát khỏi đại dịch.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương và Thủ tướng đã giao các cơ quan khẩn trương chuẩn bị kế hoạch thí điểm hộ chiếu vaccine ở một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, đại biểu Cường cho rằng cần truy vết cương quyết, cách ly đúng đối tượng, có thể cho cách ly tại nhà và chỉ phong tỏa diện hẹp ở khu vực có yếu tố dịch.
"Trừ những địa bàn có dịch, những nơi khác, hoạt động kinh tế phải diễn ra bình thường", ông Cường nói.
Theo ông, thí điểm cách ly F1 tại nhà là một giải pháp mới thường xuyên được nhắc trong các cuộc họp của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế gần đây. Nhà chức trách và các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch phức tạp, khu cách ly tập trung đông, nguy cơ lây nhiễm chéo cao thì đây là giải pháp cần đưa vào thực tế. Song, việc giám sát phải hết sức chặt chẽ, nếu không sẽ có “tác dụng ngược”, khiến dịch dễ lây lan ra cộng đồng...
Diệt tận gốc hay tìm giải pháp sống chung với dịch?
Bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) nhận định với loại virus lây qua không khí hay đường hô hấp, việc mỗi ngày xuất hiện nhiều ca nhiễm là bình thường. Trước kia, số ca nhiễm ít phần vì ít xét nghiệm, còn hiện nay, do xét nghiệm nhiều nên số ca nhiễm được phát hiện nhiều hơn.
Quan điểm này cũng được PGS.TS. Trần Đắc Phu đề cập trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28/6. Theo ông Phu, một số địa phương trên đang xuất hiện ca bệnh rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, nhưng có nơi bùng lên, nơi không, cho thấy quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện nghiêm 5K.
Trong truy vết, các tỉnh, thành phố cần phát hiện sớm ca chỉ điểm có dấu hiệu sốt, ho, khó thở. Việc xét nghiệm tầm soát cần tập trung vào những khu vực trọng tâm, trọng điểm không thực hiện lan tràn.
Theo các chuyên gia, chúng ta không thể mãi chạy theo dịch như giai đoạn ban đầu vì làm như vậy cả tinh thần người dân và sức chống chọi của nền kinh tế đều không thể chịu được. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bà Phong Lan cho rằng đã đến lúc phải xác định không thể triệt tiêu được dịch mà phải “sống chung với lũ”. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp như vaccine, bà Lan nhấn mạnh người dân cần cảnh giác, đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên, tránh tụ tập và tập trung các sự kiện đông người vì nếu có lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.
5K + vaccine + công nghệ cũng là thông điệp chống dịch thường xuyên được nhắc đến trong tất cả cuộc họp về nội dung này. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là giải pháp hữu hiệu nhất và luôn đúng trong mọi bối cảnh.
Nhắc đến thực tế của nhiều nước dù đã tiêm vaccine cho số lượng lớn người dân vẫn không thể triệt tiêu được dịch bệnh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng khi đạt đến “ngưỡng”, phải nới lỏng giãn cách để người dân sinh hoạt, làm việc, sản xuất và kinh doanh. Nếu không xác định và hành động theo hướng “sống chung với dịch”, nền kinh tế sẽ kiệt quệ do liên tục đóng cửa.
“Với việc thực hiện mục tiêu kép, Việt Nam đang đi đúng hướng với các phương án khoa học, hợp lý, không thể làm khác được”, ông Thân đánh giá.
Với mục tiêu phát triển kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng các chỉ tiêu kinh tế năm nay không nên chốt cứng mà phải linh hoạt, có các kịch bản khác nhau. Bởi, nếu cố gò ép để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng thì sẽ hỏng việc khác, ví dụ gây bất ổn trong an sinh xã hội.
Người dân nơi thí điểm hộ chiếu vaccine phải tiên phong tiêm chủng
Đồng tình đề xuất thí điểm “hộ chiếu vaccine”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng thế giới đã sử dụng phương pháp này như một công cụ để mở cửa nền kinh tế thì chúng ta cũng cần chấp nhận nó như một điều bình thường.
Song, để thực hiện hiệu quả thì không chỉ khách du lịch mà chính người dân trong nước cũng cần phải được tiêm vaccine.
“Vì vậy, trong giai đoạn thử nghiệm chỉ nên thực hiện ở những khu vực có thể kiểm soát để nếu có dịch cũng không lây lan diện rộng. Hơn nữa, những người dân ở nơi thí điểm phải là người tiên phong tiêm vaccine để thực sự tạo ra được miễn dịch cộng đồng”, ông Cường góp ý và một lần nữa nhấn mạnh việc tiến tới “chung sống bình thường với đại dịch là điều tất yếu”.
Bình luận