Ở nhiệm kỳ trước, một tweet của cựu Tổng thống có thể làm sụt giảm giá trị cổ phiếu và khiến công ty rơi vào tâm điểm của sự phản đối. Ảnh: Doug Mills/New York Times. |
Nhiều gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google và Amazon, đang có những động thái khác thường. Từng là những người thường xuyên đối đầu với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, các CEO giờ đây dường như lại tìm cách tiếp cận, giữ mối quan hệ hoặc ít nhất là tránh gây mâu thuẫn công khai với Trump khi kết quả bầu cử Mỹ năm 2024 đang đến gần.
Nếu đắc cử, Trump sẵn sàng “trừng phạt” phe đối địch
Theo nguồn tin CNN, Donald Trump tuyên bố rằng CEO Sundar Pichai của Google, Tim Cook của Apple, Mark Zuckerberg của Meta và thậm chí là Jeff Bezos của Amazon đã gọi điện khen ngợi ông.
Sundar Pichai đã tán thưởng lần ông Trump xuất hiện tại McDonald's, gọi đó là “một trong những sự kiện hoành tráng nhất mà chúng tôi từng thấy trên Google”.
Mark Zuckerberg đã gọi điện cho ông nhiều lần để "xin lỗi" và nói rằng "không đời nào" ông có thể bỏ phiếu cho một thành viên đảng Dân chủ sau khi một kẻ xả súng suýt cướp đi mạng sống của ông Trump ở Pennsylvania, trích lời cựu tổng thống kể lại.
Nếu đúng, đây sẽ là một bước xoay chuyển của các CEO Big Tech từng bị ông Trump cáo buộc “thao túng” phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2016, “gian lận” kết quả tìm kiếm chống lại ông và những người bảo thủ khác. Nói chung là “chống Trump”, The Verge nhận xét.
Tim Cook và Donald Trump tại Nhà Trắng năm 2017. Ảnh: Shawn Thew/EPA. |
Không chỉ Google và Facebook, Apple cũng bị lôi vào mối quan hệ căng thẳng này khi Trump tuyên bố ông đã nói chuyện với Tim Cook về các vấn đề pháp lý mà Apple đang phải đối mặt tại châu Âu. Trump cho rằng nếu ông thắng cử, các công ty công nghệ sẽ được "giải thoát", không phải chịu các án phạt nặng nề từ Liên minh châu Âu.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến các công ty công nghệ phải cân nhắc lại quan hệ với ông Trump chính là mối đe dọa từ dự án Project 2025. Được soạn thảo bởi các đồng minh của Trump, Project 2025 là một bản kế hoạch chi tiết nhằm thay đổi bộ máy chính phủ, bao gồm cả việc điều chỉnh cách quản lý ngành công nghệ để trừng phạt các đối thủ chính trị.
Một phần trong tài liệu này khuyến nghị áp dụng các quy định khắt khe hơn, tương tự những gì Liên minh châu Âu đã làm, nhằm mục đích kiểm soát các hoạt động của Big Tech. Trong đó, Heritage Foundation, một tổ chức cánh hữu, đã đề xuất một môi trường quản lý "ít thân thiện hơn" cho các công ty công nghệ.
Họ còn lên kế hoạch cho một “Dự án Manhattan mới” dành cho quốc phòng. Các công ty lớn, vốn có hợp đồng với chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng như Palantir - từng là startup công nghệ lớn thứ tư thế giới, giúp chính phủ Mỹ tìm ra trùm khùng bố Bin Laden - có thể được hưởng lợi từ kế hoạch này nếu Trump đắc cử.
CNN nhận định có nhiều người bắt đầu nhận ra rằng nếu Trump đắc cử lần nữa, họ không muốn trở thành mục tiêu của ông. Quả thật, Trump từng có một danh sách dài những “kẻ thù” và không ngần ngại công khai phê phán các doanh nghiệp nếu họ không đứng về phía ông.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để đe dọa và chỉ trích các công ty từ Amazon đến Google, làm giảm giá trị cổ phiếu của họ chỉ bằng một dòng tweet.
Các Big Tech sắp đón một chính quyền mới
Trong một cuộc phỏng vấn với Economic Club of Chicago, Trump cho biết mình “không phải là người yêu thích” Google và “họ đối xử tệ với ông”. Trước đó, cựu tổng thống còn tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, Google sẽ phải đối mặt với những cáo buộc pháp lý vì “chỉ hiển thị các câu chuyện xấu về tôi và các câu chuyện tốt về Kamala Harris”.
Tuy nhiên, quan điểm của Trump về Google đã thay đổi trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 10.
“Nếu bạn xem Google gần đây, tôi nghĩ bạn sẽ thấy họ ngày càng nghiêng về phía Trump hơn. Họ bắt đầu thích Trump, bởi vì họ bắt đầu hiểu điều đó”, cựu tổng thống nói với MC Hugh Hewitt.
Trong danh sách dài các tỷ phú ủng hộ Trump, Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, là một nhân vật nổi bật trong chiến dịch bầu cử Mỹ năm nay.
Không chỉ công khai ủng hộ Trump trên X, Musk còn xuất hiện tại nhiều sự kiện vận động tranh cử và đóng góp hàng trăm triệu USD cho chiến dịch tái cử của Trump. Vốn nổi tiếng với lập trường bảo vệ tự do ngôn luận, Musk khẳng định rằng ông tin Trump là lựa chọn tốt hơn cho nước Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump liên tục đẩy mạnh kiểm soát và giám sát các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh: Haiyun Jiang/New York Times |
Theo The Verge, Musk đã chi ít nhất 118 triệu USD vào một super PAC ủng hộ Trump. Động thái này có thể xuất phát từ mong muốn tránh bị hạn chế trong các dự án của SpaceX hoặc Tesla, nhất là khi cả hai công ty đều có hợp đồng với chính phủ.
Điều này giúp Musk trở thành một trong số ít các lãnh đạo công nghệ đứng về phía Trump rất rõ ràng. Đây là điều mà ngay cả các lãnh đạo giàu có như Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg cũng không dám thể hiện.
Dù vậy, đối với Bezos, nhà sáng lập Amazon và Washington Post, quan hệ với Trump vẫn rất phức tạp. Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Bezos thường xuyên phải đối mặt với các lời công kích từ Trump, đặc biệt là liên quan đến các bài báo của Washington Post mà ông cho rằng có xu hướng chống lại mình.
Theo CNN, Bezos đã quyết định yêu cầu Washington Post không công khai ủng hộ bất kỳ ứng viên nào trong cuộc bầu cử năm nay, nhằm tránh làm mất lòng một trong hai phe. Đây là lần đầu tiên từ những năm 1980, Washington Post không đưa ra sự ủng hộ công khai nào trong kỳ bầu cử Tổng thống. Điều này đã dẫn đến làn sóng phản đối từ phía độc giả và cả nhân viên.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.