Để được xem video “Trang Nemo bóc phốt nhân viên ăn chặn 300 triệu để đi nâng ngực, mở shop riêng”, người dùng YouTube trước tiên phải xem đoạn quảng cáo game online dài 2 phút hoặc quảng cáo kẹo dài 6 giây, cả 2 đều đến từ các thương hiệu lớn. Cũng có nghĩa là video triệu view này đang được YouTube cho bật kiếm tiền, và vẫn đem lại lợi nhuận cho người đăng.
Hơn nữa, quảng cáo trên nội dung bẩn không phải lúc nào cũng ngẫu nhiên. Chặn trước video “Sửa đổi đầu óc của bạn, động lực từ Andrew Tate” là quảng cáo của một trường đại học đến từ nước ngoài, cho thấy rất có thể nhà quảng cáo đang nhắm đến những người xem quan tâm đến chủ đề cải thiện bản thân hoặc học tập. Một cách trùng hợp, Tate cũng là “hiệu trưởng” của “Đại học Hustlers”, nhưng cũng là kẻ bị cáo buộc buôn người và lạm dụng phụ nữ.
Nhiều nội dung từ Andrew Tate, được mệnh danh là "kẻ nguy hiểm nhất TikTok" vì tư tưởng nam tính độc hại, vẫn đang lan truyền và kiếm tiền quảng cáo từ mạng xã hội. Ảnh: Twimg. |
“Tôi không hiểu tại sao những nội dung bẩn, độc hại như vậy vẫn được phép bật kiếm tiền và treo quảng cáo”, Mỹ Linh (27 tuổi, Hà Nội), chủ kênh đánh giá ẩm thực Nofoodphobia chia sẻ với Zing.
Không khó để quảng cáo sạch, nhưng phải đánh đổi
Khi quảng cáo trên môi trường mạng, có các chỉ số và công cụ để doanh nghiệp và nhà quảng cáo đo lường được mức độ an toàn thương hiệu, tránh tình trạng thương hiệu bị gắn với các nội dung bạo lực, tình dục.
“Tuy nhiên muốn đảm bảo như vậy nhãn hàng phải trả thêm chi phí, và các nhãn hàng chỉ tập trung tạo ra đơn hàng, tương tác hoặc lượt tải app thường không coi trọng yếu tố này”, anh Anh Đức (TP.HCM), người từng làm trưởng bộ phận tiếp thị của một doanh nghiệp và hiện làm việc tại một đại lý quảng cáo, nói với Zing.
Nhà quảng cáo có lựa chọn hạn chế các vị trí hiển thị trước khi chạy quảng cáo, nhưng có những đánh đổi nhất định về lượt tiếp cận. Ảnh: Adobe Stock. |
Chuyên gia cho biết trước khi bắt đầu chạy quảng cáo, nhãn hàng và đơn vị phụ trách sẽ thống nhất với nhau đâu là các nội dung bẩn, độc hại cần tránh treo quảng cáo. Tùy vào công nghệ của từng bên, có thể dùng từ khóa hoặc nhận dạng hình ảnh để loại trừ các vị trí quảng cáo không an toàn.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể yêu cầu cấm quảng cáo xuất hiện trên nội dung có từ khóa “bóc phốt”, cấm xuất hiện trên một số tài khoản, kênh nhất định, cấm xuất hiện trên các video có hình ảnh khoe da thịt, khiêu dâm.
Vì vậy, khi quảng cáo bị gắn lên các nội dung bẩn, có thể có 2 nguyên nhân, anh Anh Đức cho biết. Thứ nhất là thương hiệu và nhà quảng cáo đã không lường trước được hết các nội dung bẩn có thể gặp phải, trong trường hợp này, vị trí quảng cáo đó sẽ bị ngừng và đưa vào danh sách đen ngay lập tức. Thứ hai là doanh nghiệp không muốn chặn để tránh làm giảm số lượng vị trí quảng cáo, dẫn đến giảm độ tiếp cận đến người xem hay độ phủ.
Nội tung từ Andrew Tate vẫn kiếm được tiền từ quảng cáo YouTube. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Nguyên nhân lớn nhất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận quảng cáo trên nội dung độc hại là vì rẻ, trong khi đem lại chỉ số đẹp về lượt tiếp cận, CTR, thời gian xem. Một số không nhỏ khách hàng chỉ quan tâm đến những điều này, không lo ngại về an toàn hay hình ảnh thương hiệu”, anh Nguyễn Tính (Hà Nội), giám đốc một đại lý quảng cáo, cho biết.
Lỗi tại ai khi nội dung bẩn dễ kiếm tiền
Blogger Nofoodphobia cho biết nội dung bẩn thường đến từ những nhà sản xuất “chuyên nghiệp”, biết cách né tránh các bộ lọc, quét tự động từ nền tảng, bởi vì các nội dung bạo lực, xúc phạm đều bị coi là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và sẽ bị “ăn gậy” hoặc tắt kiếm tiền kênh nếu bị phát hiện.
Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok đặt ra những quy định tương tự nhau, bao gồm cấm các hành vi quấy rối, bắt nạt, bạo lực, cấm hình ảnh khỏa thân, nội dung tình dục. Dù vậy, trên thực tế không phải lúc nào các nội dung này cũng bị chặn, xóa hoặc tắt kiếm tiền. Không khó để tìm thấy các kênh, tài khoản sở hữu các video hàng triệu view vẫn đang kiếm tiền từ quảng cáo, cho dù nội dung lấy từ những nhân vật đối mặt với án tù vì các hành vi phạm pháp.
Vụ việc TikToker Nờ Ô Nô là một trong những trường hợp nội dung bẩn lọt lưới kiểm duyệt của nền tảng, cho đến khi dư luận bức xúc. Ảnh: TikTok. |
“Các nền tảng mạng xã hội bán quảng cáo đều phải giữ chân người dùng bằng nội dung, và họ sẽ làm mọi cách để tăng lưu lượng, tăng thời gian ở lại trang. Thậm chí với một số nền tảng, hệ thống kiểm duyệt cũng ‘mắt nhắm mắt mở’ để nội dung xấu lộng hành”, anh Võ Quốc Hưng, CGO của Tonkin Media, chia sẻ với Zing.
Chuyên gia cho biết thêm, từ phía doanh nghiệp, cũng không ít các công ty sẵn sàng chạy quảng cáo bất chấp vì áp lực lượt tiếp cận, đơn hàng. “Nhóm này thường có các sàn thương mại điện tử, các bên cung cấp dịch vụ, sản phẩm không hợp pháp như cá độ, cờ bạc, thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm nhạy cảm như thuốc sinh lý, đồ chơi người lớn”, anh Quốc Hưng cho biết.
Ngoài ra cũng có trường hợp nhãn hàng không cố ý, nhưng không quản lý tốt đối tác, dẫn đến việc đại lý quảng cáo bất chấp trên các nội dung bẩn để đạt KPI về lượt hiển thị, tương tác.
“Nhiều nhà sáng tạo nội dung kỳ vọng các nền tảng có cơ chế chặn, lọc nội dung độc hại hiệu quả hơn để đảm bảo an toàn cho người dùng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đồng thời việc cho phép kiếm tiền trên nội dung bẩn cũng tạo ra cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sáng tạo nội dung làm việc nghiêm túc”, blogger Nofoodphobia cho biết.
Nhiều lần cơ quan quản lý của Việt Nam “chỉ tên” các nền tảng vẫn cho phép kiếm tiền từ nội dung bẩn, dù vậy đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn. “YouTube, Facebook, TikTok vẫn rất dễ dãi trong việc cho nội dung cấm, phản cảm, vi phạm pháp luật kiếm tiền qua quảng cáo”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết tại cuộc họp về hoạt động của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam vào cuối năm ngoái.
“Để thông tin độc hại lan truyền được trên không gian mạng là ở những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Thậm chí có những thuật toán khiến cho dạng thông tin này lan truyền nhanh hơn, vì được nhiều người tương tác hơn”.
Về phía các doanh nghiệp mua quảng cáo, cơ quan chức năng khuyến nghị tham khảo “danh sách đen” của Bộ TT&TT để tránh tiếp tay, tài trợ cho các trang, kênh, tài khoản phát tán nội dung bẩn.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.