Tại Trung Quốc, các cuộc thi hoa hậu được tổ chức không chỉ với mục đích tôn vinh cái đẹp, mà còn là bàn đạp giúp nhiều nhan sắc dễ dàng dấn thân vào thị trường giải trí.
Thành công của nhiều thế hệ Hoa hậu Hong Kong, Hoa hậu châu Á ATV hay Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc từng một thời khiến vương miện bị "đẩy giá", trở thành niềm mơ ước của những cô gái trẻ.
Đinh Minh Tâm bị truyền thông và công chúng thờ ơ. |
Thế nhưng, đó là câu chuyện của thập kỷ trước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các cuộc thi sắc đẹp đều bị khán giả Trung Quốc coi nhẹ và cũng chẳng còn là đích nhắm phải có được bằng mọi giá của các người đẹp.
Đinh Minh Tâm là bóng hồng cho thấy sự lạnh nhạt của dư luận đối với danh xưng hoa hậu, đồng thời cũng là hình ảnh phản chiếu sự xuống cấp về chất lượng của một cuộc thi nhan sắc quy mô quốc gia.
Sân chơi từng tạo ra thế hệ những ngôi sao có sức ảnh hưởng trong showbiz giờ được ví như "chợ trời", theo Sina.
Tân Hoa hậu Trái Đất bị xem nhẹ
"0" là con số phản ánh vị trí của Đinh Minh Tâm tại showbiz Trung Quốc. Cô là đại diện danh giá của đất nước tỷ dân chinh chiến ở cuộc thi Hoa hậu Trái Đất - đấu trường nhan sắc duy nhất trong năm 2020.
Thế nhưng, trên chính quê hương của mình, Đinh Minh Tâm không được truyền thông lẫn công chúng ngó ngàng. Trong thời gian nàng hậu tham gia thi tài, không một bài báo nào về cô xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Cái tên Đinh Minh Tâm không được chú ý sau ngày đăng quang. |
Ngay cả tra trang tra cứu dữ liệu lớn nhất - Baidu và mạng xã hội Weibo cũng không có bất kỳ thông tin cá nhân nào của người đẹp. Đinh Minh Tâm vô danh tại Trung Quốc.
Theo trang thông tin của Hoa hậu Trái Đất, cô 25 tuổi, cao 1,75 cm và đăng quang Hoa hậu Trái Đất Trung Quốc vào tháng 9/2019.
Tuy nhiên, theo Sohu, cuộc thi Đinh Minh Tâm lên ngôi chỉ có cái mác mang tầm quốc gia, còn thực chất có quy mô tổ chức "ao làng" và sặc mùi thương mại.
Các thí sinh tham gia vòng loại của cuộc thi bằng cách quay những đoạn video giới thiệu bản thân, khoe hình thể và tài năng rồi đăng lên nền tảng trực tuyến Kuaishou - đơn vị tổ chức chính. Thông qua tổng bình chọn trực tuyến hàng ngày từ người dùng, sẽ chọn ra 6 thí sinh có thành tích cao nhất vào chung kết.
Trong đêm chung kết, 6 người đẹp sẽ lần lượt phô diễn hình thể, khả năng catwalk và bản lĩnh sân khấu qua 3 phần thi trình diễn trang phục thể thao, áo tắm và trang phục dạ hội.
Đáng chú ý, ban tổ chức Hoa hậu Trái Đất Trung Quốc đã bỏ phần thi ứng xử, thay bằng màn tiếp thị sản phẩm mới của nhãn hàng với lý do tăng trải nghiệm thực tế nhằm thể nghiệm khả năng ứng biến, giao tiếp của thí sinh. Cuối cùng, nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm người mẫu xe hơi, Đinh Minh Tâm đăng quang hoa hậu.
Do cuộc thi đặt tính thương mại lên đầu, chấp nhận bỏ qua khâu quan trọng nhất trong việc lựa chọn hoa hậu là đánh giá tài năng lẫn nhân phẩm, bên cạnh yếu tố nhan sắc, đã khiến người đẹp họ Đinh bị xem nhẹ.
Biến tướng vì bị thương mại hóa
Theo Sina, nguyên nhân chủ yếu khiến các đấu trường nhan sắc tại Trung Quốc ngày càng lao dốc về chất lượng, bắt nguồn từ việc danh xưng hoa hậu giảm sức hút với công chúng.
Những năm qua, Hoa hậu Thế giới Trung Quốc, Hoa hậu Hoàn vũ Trung Quốc, Hoa hậu châu Á ATV và ngay cả cuộc thi nhan sắc có lịch sử lâu đời và từng sản sinh nhiều người đẹp trong showbiz Hoa ngữ là Hoa hậu Hong Kong, đều có lượt người theo dõi giảm, thí sinh đăng ký dự thi ngày càng kém chất lượng.
Cuộc thi Hoa hậu Trái Đất Trung Quốc được tổ chức sơ sài. |
Khó khăn là thế song số lượng các cuộc thi hoa hậu tại Trung Quốc không hề cho thấy sự giảm sút. Theo Tân Hoa Xã, rất khó có thể thống kê đầy đủ số lượng cuộc thi được tổ chức hàng năm.
Những cuộc thi hoa hậu với tên gọi mang tầm quốc gia, châu lục, quốc tế, hoặc toàn cầu, thậm chí cấp tỉnh mọc lên "như nấm sau mưa". Ngay đến cả người trong giới cũng thấy loạn vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp.
Số lượng nhiều, nhưng quy mô và chất lượng của đa số cuộc thi chỉ ở tầm ao làng, bị bủa vây bởi những tai tiếng, bát nháo ở khâu tổ chức và mập mờ trong quy chế.
Theo Sina, đại đa số đấu trường nhan sắc ngày nay đều phải đi kèm với thương mại. Đặc biệt là Trung Quốc Đại lục - nơi các cuộc thi nhan sắc rất khó kêu gọi vốn đầu tư, ngay cả đài truyền hình cũng chẳng mặn mà với việc phát sóng.
Kinh phí hạn hẹp khiến ban tổ chức phải sử dụng nguồn tiền từ nhiều đơn vị, ngược lại họ cũng buộc lòng đáp ứng những đòi hỏi từ phía đối tác. Điều này đã dẫn tới nhiều biến tướng xấu khiến hình ảnh bị hoen ố, giá trị của vương miện bị xuống giá trầm trọng.
Theo Sohu, nếu như Hoa hậu Hong Kong có nguồn lực mạnh là TVB hậu thuẫn, thì phần lớn các cuộc thi sắc đẹp tại Trung Quốc Đại lục không có lợi thế này.
Muốn tổ chức họ phải lòng vòng xin vốn ở rất nhiều nơi, nhưng chủ yếu chỉ nhận được tài trợ từ những công ty quy mô nhỏ. Đa phần các thương hiệu lớn chẳng ai muốn đặt logo của mình vào danh hiệu hão huyền để làm giảm giá trị.
Vì vậy, để không làm phật ý đơn vị tài trợ, không ít cuộc thi sẵn sàng tạo chiêu trò lố lăng để gây chú ý nhằm giúp nhà đầu tư phổ quát thương hiệu.
Năm 2017, khán giả từng không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến 39 thí sinh Hoa hậu Trung Quốc mặc bikini sải bước tại trung tâm mua sắm Kowloon, Hong Kong. Một năm sau, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế Trung Quốc bị dư luận tẩy chay dữ dội khi để dàn người đẹp diễu hành trên phố trong trang phục áo tắm.
Diễn bikini phô bày thân thể nơi công cộng là hình ảnh quen thuộc tại các cuộc thi hoa hậu ở Trung Quốc. |
Không những vậy, phong cách tổ chức "đánh nhanh, rút gọn" cũng khiến khán giả ngán ngẩm vì sân khấu ọp ẹp, backdrop bị nhàu nát, chất lượng thí sinh ngày càng tụt dốc không phanh khiến cuộc thi bị ví như hội chợ, ao làng.
Trong khi đó, ở thời kỳ vàng son, cuộc thi được tổ chức thường niên luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “sắc đẹp và trí tuệ”. Các ứng cử viên không chỉ được đánh giá về nhan sắc nổi bật mà còn có nền tảng tri thức cao, tài năng vượt trội, có kinh nghiệm ứng biến với nhiều tình huống thực tiễn.
Nhờ vậy, cuộc thi hoa hậu mang tính đại chúng, được dư luận quan tâm nhiều hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của truyền thông. Theo QQ, thập niên 1980-1990, vào đêm chung kết Hoa hậu Hong Kong, đường phố xứ Hương Cảng vắng lặng như tờ vì người dân bận ngồi trước tivi đón chờ kết quả. Họ thậm chí còn đổ ra đường ăn mừng khi thí sinh mình yêu thích đăng quang.
Danh xưng hoa hậu hết được "chuộng"
Chuyên gia truyền thông, giáo sư khoa Báo chí Đại học Phúc Đán - Trương Chí An cho biết thị trường giải trí dịch chuyển theo hướng thần tượng hóa đã tác động không nhỏ đến sự lựa chọn của những cô gái trẻ.
Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, các cuộc thi hoa hậu ngày càng thiếu uy tín, nền tảng giá trị truyền thống đi xuống và không còn được truyền thông lẫn khán giả chú ý. Điều này khiến các cô gái có chút tài sắc không còn mặn mà với chiếc quyền trượng và vương miện lấp lánh. "Hoa hậu ngày nay vừa đăng quang đã hết thời", Trương Chí An chỉ ra thực trạng.
Chính vì vậy, phần lớn các cô gái trẻ đều lựa chọn đầu quân vào công ty giải trí để có chỗ dựa hoặc tham gia cuộc thi, chương trình tìm kiếm tài năng vì dễ có cơ hội đổi đời nếu may mắn gặp thời.
Vương miện hoa hậu không còn được các cô gái trẻ coi trọng. |
Đây là nguyên nhân khiến những cô gái xinh đẹp, tài năng không còn mặn mà với cuộc thi hoa hậu. Khán giả vì thế cũng giảm dần sự chú ý khi người chiến thắng ở vị trí cao nhất không đủ tạo ấn tượng mạnh. Bằng chứng là nhan sắc ngày càng xuống dốc của dàn thí sinh Hoa hậu Hong Kong luôn là chủ đề được mang ra bàn tán trong hơn một thập kỷ qua.
Theo Trương Chí An, khi bước chân ra từ các đấu trường nhan sắc, người đăng quang phải tuân thủ nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt. Họ tựa như những bông hoa đẹp chỉ để ngắm qua các sự kiện, "giữ kẽ" trong cuộc sống lẫn công việc để bảo toàn hình ảnh đẹp với công chúng. Việc này gây cản trở rất lớn đến sự nghiệp tương lai của họ tại giới giải trí khi mỗi năm showbiz Hoa ngữ đón chào hàng trăm nhân tố mới.
Hoa hậu Thế giới 2019 - Lý Bội San có nhiệm kỳ tẻ nhạt và không gây được bất kỳ tiếng vang nào tại thị trường giải trí Hoa ngữ hậu đăng quang. Mỹ nữ Bắc Kinh chỉ quanh quẩn với các hoạt động nhỏ lẻ được ban tổ chức sắp xếp, không được bất kỳ thương hiệu nào mời tham dự sự kiện, chụp ảnh hay đóng quảng cáo.
Trong khi đó, theo Ifeng, việc gia nhập một công ty giải trí giúp các cô gái được đào tạo toàn diện, dễ tiếp cận với công chúng hơn khi có thế lực đứng sau bợ đỡ.
Ngược lại, nếu xuất thân từ một cuộc thi hoa hậu, họ gần như sẽ phải "tự thân vận động" sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Hoa hậu Vương Hiểu Tình hay Lôi Trang Nhi đều bỏ ra nước ngoài sinh sống vì không tìm kiếm được cơ hội mới.
"Chuyện một cô gái bỗng đổi đời sau một đêm nhờ vương miện hoa hậu chỉ còn trong quá khứ. Những nhân tố có thực lực ngày nay sẽ tìm một hướng đi khác, không bao giờ thi nhan sắc", Tân Hoa Xã chỉ ra.
Nhạt nhòa trên trường quốc tế
Bên cạnh đó, vấn đề phân biệt đối xử giới nhiều lần bị lên án, nhưng vẫn không có sự biến chuyển khiến khán giả có cái nhìn tiêu cực về các cuộc thi sắc đẹp. "Hoa hậu như sao hạng B, hạng C chỉ thấy xuất hiện trong những cuộc vui cùng các anh lớn. Thế còn gọi là đại diện nhan sắc quốc gia ư?", một khán giả bình luận trên Toutiao.
Chưa kể, trên đấu trường quốc tế, Trung Quốc hơn một thập kỷ qua gần như không tạo được dấu ấn nào về mặt thành tích tại các cuộc thi nhan sắc thuộc hệ thống Grand Slam: Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Earth, Miss Grand International và Miss Supranational.
Trương Tử Lâm là niềm tự hào của Trung Quốc. |
Sau Trương Tử Lâm giành chiến thắng ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc năm 2007 hay La Tử Lâm đoạt ngôi vị Á hậu 4 Miss Universe 2011, các người đẹp chinh chiến trong 10 năm đổ lại đây đều bị chê nhạt nhòa, thậm chí còn bị xếp vào nhóm những thí sinh kém sắc nhất cuộc thi.
Vị thế của Trung Quốc theo đó không được cải thiện nhiều trên hệ thống Grand Slam. Năm 2019, đất nước tỷ dân đứng ngoài top 25 “cường quốc sắc đẹp”, dựa vào số điểm có được ở sáu cuộc thi lớn.
Với những lý do trên, danh hiệu hoa hậu không còn được khán giả quan tâm. Người đẹp đăng quang chỉ được xếp vào nhóm sao hạng B, hạng C và phải chật vật đi lên trong showbiz.