Mùa bóng 2020 vừa kết thúc được hơn chục ngày nhưng thị trường chuyển nhượng trước thềm V.League 2021 đã ghi nhận bầu không khí cực kỳ sôi động từ nhiều CLB khác nhau.
Hai ứng viên cho ngôi vô địch mùa sau là CLB Hà Nội và TP.HCM đã gần chốt xong nhân sự, đội Viettel đã sẵn sàng cho một hợp đồng “bom tấn” còn CLB Sài Gòn đang gây ồn ào theo cách riêng của họ.
Hợp đồng lớn nhất mùa chuyển nhượng cho tới lúc này là Geovane Magno gia nhập CLB Hà Nội. Ảnh: CLB Hà Nội. |
10 ngày đầu nhộn nhịp
CLB Hà Nội có lẽ là đội bóng nhanh chân nhất trên thị trường chuyển nhượng. Sau khi để mất ngôi vô địch vào tay đối thủ Viettel, cựu vương V.League ngay lập tức nói lời tạm biệt công thần Pape Omar và tiền đạo Papa Ibou Kebe. Họ nhiều khả năng giữ lại Rimario Gordon, Moses Oloya và mới cho nổ “bom tấn” mang tên Geovane Magno, một trong những ngoại binh hay nhất giải đấu mùa trước.
Đội chủ sân Hàng Đẫy cũng gia hạn hợp đồng thành công với Lê Tấn Tài, Nguyễn Văn Công, đàm phán với Đỗ Duy Mạnh, Trần Văn Kiên, Bùi Tấn Trường. Đó là chưa kể một số cầu thủ trẻ khác sẽ được gọi về sau khi hết hạn hợp đồng cho mượn.
CLB Hà Nội hiện chỉ còn thiếu một ngoại binh châu Á chất lượng cho đấu trường AFC Cup 2021. Chỉ sau 10 ngày, họ đã gần hoàn thiện bộ khung của mùa giải mới.
Thất bại tại V.League 2020 dường như là động lực cho các CLB mạnh. CLB TP.HCM nhiều khả năng sẽ giữ lại Jose Guillermo Ortiz, Ariel Rodriguez cùng trung vệ Pape Diakite. Họ chỉ cần thêm một cầu thủ châu Á thay cho Seo Yong-Duk là hoàn thiện lực lượng ngoại binh.
Nhóm nội binh của CLB này cũng được bổ sung Hồ Tuấn Tài, Lê Sỹ Minh, Phạm Văn Cường. Họ cũng mới gia hạn với Ngô Hoàng Thịnh. Nếu giữ được Nguyễn Công Phượng, CLB TP.HCM vẫn sẽ rất mạnh ở mùa 2021.
Đội đương kim vô địch Viettel không gặp khó khăn trong việc giữ chân nhóm nội binh. Nhưng họ gặp vấn đề thực sự với ba cầu thủ người Brazil, gồm chân sút chủ lực Bruno Catanhede. Dù vậy, đội đương kim vô địch đã sẵn sàng cho phương án xấu nhất. Họ đã tiến rất gần tới Pedro Paulo, người mới xác nhận chia tay CLB Sài Gòn sau mùa 2020.
Ở nhóm phía sau, nhiều CLB cũng ổn định rất nhanh lực lượng ngoại binh. Đà Nẵng thể hiện tham vọng trở lại bằng 4 hợp đồng chất lượng cùng Rafaelson Bezerra Fernandes, Hedipo Conceicao, Nguyễn Huy Hùng và Vũ Ngọc Thịnh.
Trước khi chia tay CLB Thanh Hóa, bầu Đệ vẫn kịp tri ân CLB bằng hợp đồng với Ze Paulo, Chevaughn Walsh, giữ chân Lê Phạm Thành Long, kéo Lê Quốc Phương, Doãn Ngọc Tân về. CLB Hải Phòng cũng có 3 ngoại binh khá tốt là Diego Silva, thủ quân Joseph Mpande và Jeremie Lynch...
Khó có “bom tấn” tới từ nước ngoài trong phần còn lại của thị trường chuyển nhượng trước mùa 2021. Ảnh: Minh Chiến. |
Hai xu hướng của thị trường chuyển nhượng
Hai xu hướng nổi bật được thể hiện qua 10 ngày đầu tiên của thị trường chuyển nhượng.
Thứ nhất, các đội bóng tăng cường nhân sự rất vội vã. Nhiều CLB lớn đã gần hoàn tất khâu chuẩn bị con người, những đội xếp sau cũng muốn có được bổ sung sớm nhất.
Sự vội vã của các CLB là cần thiết bởi khoảng thời gian giữa V.League 2021 và 2020 chỉ là 2 tháng. Đó là quỹ thời gian rất ngắn vì thông thường, các đội bóng phải tập trung 1,5 tới 2 tháng trước giải đấu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các CLB gần như không được nghỉ ngơi. Đội á quân CLB Hà Nội đá trận cuối hôm 8/11 và hội quân lại ngày 24/11.
Quỹ thời gian ngắn ấy khiến các đội không dám mạo hiểm. Thay vì thử việc hàng loạt ngoại binh như truyền thống, họ đã tìm tới những cái tên cũ, quen thuộc thị trường Việt Nam, không cần thử việc lại quá nhiều.
Cũng bởi Covid-19, xu hướng thứ hai của mùa chuyển nhượng là việc trao đổi chéo cầu thủ giữa các CLB. Đại dịch khiến các đội bóng Việt Nam và nguồn cầu thủ quốc tế gặp nhiều khó khăn trong việc “gặp gỡ” nhau. Các đội V.League buộc phải hài lòng với nguồn ngoại binh hiện có. Thay vì mua người mới, họ chủ yếu trao đổi những con người cũ, tìm kiếm ngoại binh phù hợp với mình.
CLB Hà Nội lấy người từ đội Sài Gòn, đội Đà Nẵng chiêu mộ “Tây” của Nam Định, Bình Dương. Đỗ Merlo chuyển từ Nam Định tới Sài Gòn trong khi hai ngoại binh của Thanh Hóa tới từ HAGL và Quảng Nam...
Trong tình hình này, V.League sẽ khó chứng kiến những “bom tấn” từ nước ngoài như trường hợp CLB TP.HCM mua hai tuyển thủ Costa Rica ở mùa trước.
Trong điều kiện thời gian gấp gáp, nguồn cung hạn chế, hai xu hướng chuyển nhượng này sẽ là chủ đạo trước thềm V.League 2021. Thị trường chuyển nhượng thời gian tới sẽ còn nhiều hấp dẫn vì một số đội bóng lớn như CLB Viettel, Sài Gòn, Quảng Ninh gần như chưa mua sắm. Một số nội binh, tuyển thủ như Duy Mạnh, Văn Kiên, Công Phượng, Tấn Trường cũng chưa xác định được tương lai.