Chiều 16/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, có buổi đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề “Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước”.
Tại đây, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ trong và ngoài nước về những mong mỏi được khởi nghiệp sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của Tổ quốc. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng giải đáp những trăn trở khi một bộ phận sinh viên Việt Nam ở nước ngoài bối rối trước lựa chọn sự nghiệp.
Ở đâu cũng có thể cống hiến cho Tổ quốc
Gửi câu hỏi đến chương trình, bạn Trần Thiện Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, chia sẻ nhiều du học sinh ở nước ngoài mong muốn trở về nước lập nghiệp nhưng băn khoăn về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ. Quang mong Bí thư thứ nhất cho biết những giải pháp hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc, giải tỏa những lo lắng của các du học sinh.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao đổi, giải đáp những câu hỏi từ các bạn trẻ trong và ngoài nước. Ảnh: Doanthanhnien.vn. |
Đồng cảm với những trăn trở của học sinh Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần. Dẫn lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi trả lời các bạn sinh viên cách đây hơn 10 năm, ông Tuấn cho rằng dù du học sinh có về hay không, ở lại nước ngoài hay làm việc trong nước đều có thể đóng góp sức mình cho Tổ quốc.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh với bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, ranh giới giữa các quốc gia không còn quá rõ ràng, đó là yếu tố thuận lợi cho các bạn trẻ có thể đóng góp cho đất nước dù ở quốc gia khác. "Nhưng cần phải nói nếu các bạn về nước sẽ đóng góp được trực tiếp hơn, nhiều hơn và cụ thể hơn", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nói.
Về môi trường làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng có rất đông thanh niên ở các quốc gia, cả các nước rất phát triển đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội, việc làm. Trong đó có những nhà khởi nghiệp tài năng, nhà khoa học đến làm việc cho những tập đoàn lớn tại Việt Nam.
"Viettel, VNPT, Tập đoàn Dầu khí quốc gia hay những ngân hàng thương mại lớn ở nước ta đều có lãnh đạo, quản lý, chuyên gia là người nước ngoài, các tập đoàn tư nhân thì rất nhiều... Như vậy cũng không nên quá băn khoăn về môi trường và chính sách đãi ngộ ở trong nước", ông Tuấn phân tích.
Cho rằng những bối rối, lo lắng về hướng lựa chọn của các du học sinh là dễ hiểu nhưng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng mong muốn các bạn trẻ phải có vai trò khai phá, tiên phong, thay đổi những thứ còn chưa tốt ở môi trường trong nước. "Nếu ai cũng mong chờ thay đổi rồi mới về cống hiến, sẽ không ai mang trọng trách nặng nề đó để khai phá, cống hiến", ông Tuấn nói.
Có vốn nhưng các bạn trẻ chưa biết cách vay
Bạn Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam, mong Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết những giải pháp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn, trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đây là mối quan tâm chung không chỉ của các bạn trẻ mà của cả cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Ông cho biết trong đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp 2017-2022 có đề cập đến giải pháp về nguồn vốn, kiến thức kỹ năng và tư vấn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn mong muốn cộng đồng khởi nghiệp có nhiều diễn đàn trao đổi thông tin để các bạn trẻ học tập, trau dồi kinh nghiệm. Ảnh: Doanthanhnien.vn. |
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nêu nhiều nguồn vốn để các bạn trẻ có thể tận dụng.
Thứ nhất là vốn thông qua tín dụng chính sách. Nguồn vốn này chỉ phù hợp với các bạn thanh niên nông thôn vì vay vốn tối đa 1 tỷ đồng không cần thế chấp. Thứ hai là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư trên thị trường khởi nghiệp. Thứ ba là vốn từ các ngân hàng thương mại, cho vay qua các chương trình ưu đãi. Và thứ tư là từ UBND các địa phương.
Đánh giá về các nguồn vốn này, ông Tuấn cho rằng đây là cơ hội rất lớn để các bạn trẻ có thể tận dụng để khởi nghiệp. Song, một phần về cơ chế, chính sách, cũng như một vài hạn chế khác nên việc tiếp cận còn khó khăn.
"Ngoài quy trình, thủ tục, các điều kiện đảm bảo để vay còn nhiều yêu cầu khác. Bên cạnh đó, chính các bạn thanh niên còn đang thiếu khả năng viết đề án, xây dựng đề án và thuyết phục ngân hàng để có thể vay được vốn", ông Tuấn nói.
Về trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp, Đoàn cũng đã có nhiều cuộc trao đổi, có nhiều chương trình cung cấp tri thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc tự trau dồi, chia sẻ kỹ năng giữa các thanh niên khởi nghiệp với nhau mới thực sự mang lại nhiều lợi ích.
"Có người thành đạt, có người chưa, có người thất bại nhưng chính những câu chuyện của anh chị đi trước sẽ là bài học, là nguồn cảm hứng cho thanh niên khởi nghiệp hiện nay", ông Tuấn nói và cho biết Đoàn sẽ khắc phục những khó khăn tồn đọng và cố gắng cho ra đời Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp Trung ương. Đây sẽ là cơ chế hỗ trợ và kết nối cộng đồng thanh niên khởi nghiệp tiếp cận với vốn.
Ông cũng mong muốn các địa phương tổ chức nhiều các hội nghị, buổi giao lưu, trao đổi kiến thức của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn mong muốn khởi nghiệp, để tạo diễn đàn thúc đẩy các nhà doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam.
Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cảm ơn thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đã quan tâm, đặt câu hỏi đến cuộc đối thoại. Ông cho biết Đoàn sẽ tổng hợp, tiếp thu các câu hỏi, ý kiến, hiến kế của các bạn để cụ thể hóa trong chương trình công tác của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong thời gian tới.