Khi Brazil phải đối mặt với làn sóng tin giả sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, Tòa án Tối cao Brazil đưa ra quyết định hiếm có tiền lệ: Trao quyền lực lớn cho một thẩm phán để người này có thể yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung đe dọa tới nền dân chủ của Brazil.
Kể từ đó, ông Alexandre de Moraes - vị thẩm phán được lựa chọn - đã phát động một chiến dịch “làm sạch” Internet, buộc các nền tảng gỡ bỏ hàng nghìn bài đăng. Đôi khi thời hạn được ông Moraes đặt ra chỉ là vài tiếng đồng hồ, theo New York Times.
Đây được coi là một trong những động thái toàn diện nhất và hiệu quả nhất nhằm chống lại thông tin sai lệch trên Internet. Nỗ lực của ông Moraes đã góp phần chặn đứng âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử của phe cực hữu.
Tới hôm 30/8, ông Moraes đưa ra quyết định chưa có tiền lệ: Chặn mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) ở quy mô toàn Brazil do tỷ phú Elon Musk, ông chủ của X, từ chối yêu cầu gỡ bỏ một số tài khoản mà tòa án Brazil đã đưa ra, Ông Musk thậm chí đóng cửa văn phòng của X tại Brazil.
Ông Moraes cũng tuyên bố bất cứ ai cố gắng truy cập “lậu” mạng xã hội X có thể bị phạt lên tới gần 9.000 USD/ngày - cao hơn thu nhập trung bình năm của người Brazil.
Quyết định này đã khiến nhiều người vốn ủng hộ ông quay sang tỏ ý lo ngại thử nghiệm đã đi quá xa.
“Tôi vốn là người rất đứng phía về ông ấy”, ông David Nemer, giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), nói với New York Times. “Tuy nhiên khi đọc được quyết định về X, chúng tôi cảm tưởng như: ‘Điều gì vậy? Thế này là quá đáng’”.
Bài học cho thế giới
Tình cảnh của Brazil hiện nay cho thấy thế khó mà nhiều quốc gia phải đối mặt trong chính sách đối với các nền tảng mạng xã hội: Hoặc hạn chế quá mạnh tay và bị dư luận phản ứng, hoặc không làm gì và để thông tin xấu độc lan truyền do các công ty đa quốc gia thường không chia sẻ mối quan tâm các chính phủ.
Trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ để các công ty công nghệ tự kiểm duyệt và giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington thay đổi cách tiếp cận từ đầu năm nay khi ban hành luật dọa cấm TikTok nếu nền tảng này không được bán cho chủ sở hữu khác.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2022 thông qua đạo luật yêu cầu các công ty công nghệ tuân thủ các quy định cụ thể về bài đăng. Nước Pháp mới đây cũng đưa ra cáo buộc đối với nhà sáng lập Telegram Pavel Durov vì không ngăn chặn các hoạt động xấu, độc trên nên tảng này. Dù vậy, ít có chính phủ phương Tây nào áp đặt các biện pháp cứng rắn như Brazil.
Giáo sư Carlos Affonso Souza, chuyên gia luật Internet, gọi đây là "quyết định pháp lý mạnh mẽ nhất trong lịch sử 30 năm luật Internet của Brazil". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Brazil cần có hành động sau khi Elon Musk liên tục công khai coi thường lệnh của tòa án.
“Các công ty không có quyền đánh giá liệu một quyết định của tòa án có thích đáng hay không”, ông Souza nói. “Công ty đó phải khiếu nại trong một vụ kiện chứ không được phép không tuân thủ”.
Ông Fábio de Sá e Silva, giáo sư Brazil học tại Đại học Oklahoma (Mỹ) cho rằng quyết định của Brazil là đòn đánh mạnh vào các công ty công nghệ xuyên quốc gia - vốn đôi khi đặt mình lên trên pháp luật các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo.
“Thế giới đang nhìn vào Brazil và thấy rằng họ cần phải làm gì đó để phản kháng”, ông de Sá e Silva nói. “Một số quốc gia khác có thể được cổ vũ làm điều tương tự”.
Cân bằng khó khăn
Dường như bản thân Thẩm phán Moraes cũng tin rằng ông đôi lúc hành động quá mạnh mẽ. Hôm 30/8 vừa qua, ông yêu cầu Apple và Google ngăn người dùng tải các ứng dụng VPN về máy. Dù vậy, ông đã phải rút lại yêu cầu chỉ sau ba giờ đồng hồ do vấp phải phản đối dữ dội.
Tuy nhiên, ông Moraes vẫn giữ nguyên đe dọa đưa ra hình phạt với những người cố sử dụng X thông qua VPN. Quyết định này bị coi là “không được bất cứ điều khoản nào cho phép rõ ràng”, theo ông Thiago Amparo, luật sư nổi tiếng Brazil từng ủng hộ ông Moraes.
Lãnh đạo Hiệp hội Luật sư Brazil hôm 30/8 tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Tối cao nước này xem xét lại quy định xử phạt kể trên.
Sự ủng hộ dành cho ông Moraes tại Brazil dần sụt giảm trong bối cảnh ký ức về cuộc bầu cử năm 2022 ngày càng trôi xa. Khi đó, ông Moraes đã ra lệnh xóa một số bài đăng của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro - người tỏ ý nghi ngờ hệ thống bầu cử của Brazil sau khi thất bại - và chặn hàng chục tài khoản bày tỏ cảm thông với cuộc bạo loạn của phe cực hữu hậu bầu cử.
Sau đó, kể cả khi không khí chính trị tại Brazil đã bớt nóng, ông Moraes tiếp tục yêu cầu các mạng xã hội xóa các tài khoản. New York Times nhận định các yêu cầu thiếu giải thích cụ thể các tài khoản đó đã vi phạm luật pháp thế nào.
Về phần mình, ông Moraes vẫn coi các nguy cơ với nền dân chủ Brazil là nguyên nhân thúc đẩy bản thân hành động. Trong phán quyết hôm 30/8 vừa qua, ông gọi việc Elon Musk từ chối tuân thủ yêu cầu chăn tài khoản trên X “thể hiện nguy cơ rất nghiêm trọng với các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10 tới".
Theo ông Nemer, ông Moraes đã tạo ra những ngoại lệ tồn tại vĩnh viễn, điều sẽ đem lại tác động xấu tới nền dân chủ Brazil.
Trong khi đó, bà Mariana Valente, Giám đốc viện nghiên cứu InternetLab (Brazil), cho rằng Tòa án Tối cao Brazil cần ra phán quyết về quyết định cấm mạng xã hội X mà ông Moraes đã đưa ra trước đó. “Đây là điều cần thiết để đem lại tính chính danh cho quyết định mạnh mẽ như vậy”, bà nói.
“Hành động của ông Moraes có được tính chính danh từ nhu cầu bảo vệ Hiến pháp”, bà Valente nói. “Nhưng rõ ràng có quan ngại rằng (các hành động này) sẽ vẫn tiếp tục”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Cựu sếp công ty điều hành sân bay vụ Jeju Air chết bất thường
Ông Son Chang Wan đang tại nhiệm khi quá trình cải tạo Sân bay quốc tế Muan bắt đầu năm 2020. Tháng trước, máy bay Jeju Air đâm vào rào chắn bê tông tại đó, khiến 179 người thiệt mạng.
YouTuber giàu nhất thế giới liên kết với doanh nhân công nghệ Jesse Tinsley để đấu thầu khi Tổng thống Trump nói rằng ông sẵn sàng để Elon Musk hay Larry Ellison mua lại TikTok.
Bước ngoặt ở quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2024 lần đầu tiên quay đầu tăng sau 9 năm suy giảm liên tiếp, nhờ sự phục hồi của các cặp đôi kết hôn vốn bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.