Ngày 22/3, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav tuyên bố công ty này đã ký hợp đồng để xuất xưởng những chiếc Bphone B60 phiên bản đặc biệt sang thị trường châu Âu.
Theo chia sẻ của ông Quảng, mẫu Bphone này được chuyển đổi thành phiên bản có tính bảo mật cao mang tên Bphone B60x, phục vụ cho đối tượng đặc biệt. Bkav không bán đại trà và cũng không nói rõ số lượng xuất xưởng, danh tính bên đặt mua.
Được công bố từ tháng 5/2020, 2 mẫu Bphone B40 và B60 lại không được bán tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cùng với chia sẻ này, CEO Bkav cũng cho biết Bphone B40 và B60 sẽ không bán tại Việt Nam do cập nhật chứng chỉ Google Play Protect đã chậm, không còn phù hợp. Như vậy, sau gần một năm ra mắt, 2 mẫu smartphone đã không bán tại thị trường trong nước mà trở thành sản phẩm xuất khẩu.
Những nỗ lực đưa smartphone Việt Nam ra nước ngoài
Các mẫu Bphone không phải những thiết bị thông minh đầu tiên mang thương hiệu trong nước hoặc sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài.
Vào cuối năm 2020, VinSmart cho biết đang sản xuất smartphone để xuất khẩu sang Mỹ cho nhà mạng AT&T. Ba mẫu smartphone do VinSmart sản xuất, bán dưới thương hiệu AT&T đã được bán tại các cửa hàng của công ty này và đối tác.
Theo dữ liệu trên trang web Ủy ban Viễn thông Mỹ (FCC), một số mẫu smartphone khác do VinSmart sản xuất cũng đã được đăng ký để bán tại quốc gia này.
VinSmart sản xuất smartphone mang thương hiệu đối tác để bán tại Mỹ. Ảnh: TA. |
Trước đó, vào tháng 5/2019 VinSmart cũng cho biết các mẫu Joy1, Joy1+, Active1 và Active1+ được bán tại Tây Ban Nha thông qua hệ thống của nhà bán lẻ MediaMarkt.
Tháng 5/2018, thương hiệu Mobiistar cũng tuyên bố sẽ bán smartphone tại Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm, đối tác sản xuất của Mobiistar tại Ấn Độ đã phá sản, dẫn tới liên doanh MBS India phải đóng cửa, rút khỏi thị trường vào tháng 6/2019.
Chỉ trong vòng 3 năm, đã có 3 thương hiệu smartphone Việt Nam tìm cách đưa sản phẩm ra nước ngoài. Phương thức hợp tác và cách phát triển sản phẩm rất đa dạng. Với Mobiistar, CEO của công ty này là ông Ngô Nguyên Kha từng cho biết họ chỉ cung cấp thương hiệu và nguồn kiến thức, còn đối tác chịu trách nhiệm sản xuất.
Trong một bài chia sẻ, ông Kha cho biết những vấn đề của đối tác tại Trung Quốc và Hong Kong khiến công ty này buộc phải phá sản. Mobiistar đã không thể tìm được nhà đầu tư tiếp quản hoạt động của MBS India, khiến thương hiệu này không duy trì được.
VinGroup sau khi bán smartphone dưới thương hiệu của mình thì tính đến chuyện tận dụng lợi thế về sản xuất để làm sản phẩm cho một thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, Bkav bán Bphone qua các thị trường đã có sẵn sự hiện diện, và tận dụng các thế mạnh về bảo mật để bán sản phẩm đặc thù.
Vì sao các thương hiệu phải ra nước ngoài?
Tuy vị thế của các thương hiệu smartphone nói trên tại thị trường trong nước là khác nhau, điểm chung của việc bán sản phẩm tại nước ngoài là tìm kiếm những cơ hội mới.
Mobiistar từng có lúc vào nhóm top 5 thương hiệu điện thoại tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước làn sóng đổ bộ từ hàng loạt hãng smartphone nước ngoài, trong đó có nhiều hãng Trung Quốc cạnh tranh bằng mức giá, Mobiistar ngày càng đuối trên sân nhà.
Mobiistar từng tuyên bố bán smartphone tại Ấn Độ để tạo bước đệm trở về Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không thành hiện thực. Ảnh: XT. |
Khi tuyên bố tiến vào thị trường Ấn Độ, ông Kha cho biết Ấn Độ là bàn đạp, thị trường nuôi sống những dự định của Mobiistar tại Việt Nam. Thị trường Ấn Độ có quy mô lớn sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng, tăng doanh số của công ty, và khi ổn định thì Mobiistar có điều kiện để phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau một năm kế hoạch này đã đổ bể.
Tầm ảnh hưởng của Bphone đối với thị trường là thấp hơn. Bkav thường không công bố doanh thu của Bphone, nhưng mẫu điện thoại này chưa bao giờ lọt vào top 10 các thương hiệu bán chạy, theo thống kê của các hãng nghiên cứu thị trường. Bù lại, thương hiệu này vẫn có những điểm nhấn về mặt công nghệ như khả năng bảo mật, chống trộm.
Chia sẻ với Zing, đại diện của Bkav cho rằng việc xuất khẩu những mẫu smartphone với độ bảo mật cao sẽ giúp công ty này tận dụng thế mạnh lớn nhất của mình. Việc tập trung vào thiết kế và bảo mật cũng giúp dòng máy B60x phù hợp với đối tượng người dùng đặc thù.
Khác với 2 cái tên nói trên, Vsmart là thương hiệu smartphone có chỗ đứng vững chắc. Vào cuối năm 2020, đại diện VinSmart cho biết thương hiệu này đứng thứ ba ở thị trường trong nước, với thị phần 11%.
Tuy bước tới thị trường Mỹ với tư cách nhà sản xuất thiết bị cho AT&T, đại diện VinSmart không giấu kế hoạch sẽ mang smartphone thương hiệu Vsmart bán tại nước này trong tương lai.
Vào tháng 10/2020, khi chia sẻ về kế hoạch mở rộng ra thị trường Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinSmart khi đó cho rằng việc kết hợp với đối tác để sản xuất điện thoại giúp VinSmart hiểu rõ thị trường và nhu cầu của người dùng Mỹ hơn.
Việc sản xuất điện thoại cho đối tác được cho là bước đầu trong hành trình tìm đến thị trường Mỹ của VinSmart. |
“Các phân khúc điện thoại đều có chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Tất nhiên chúng tôi sẽ phải cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, chất lượng thương hiệu sau bán hàng, dần dần xây dựng thương hiệu công nghệ Việt Nam trên thị trường Mỹ”, bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc khối Điện thoại của VinSmart giải thích trong dịp tiếp phóng viên công nghệ vào tháng 12/2020.
Đánh giá về quyết định hợp tác với AT&T của VinSmart, bà Carolina Milanesi, trưởng nhóm phân tích của Creative Strategies cho rằng đây là bước đi hợp lý nếu công ty này muốn tiếp cận thị trường Mỹ.
“Việc hợp tác với nhà mạng cũng có lợi, bởi thị trường Mỹ đã đóng cửa với Huawei và Xiaomi, khiến nhà mạng không có nhiều lựa chọn ngoài các mẫu máy của Apple và Samsung. Thị trường Mỹ khó khăn bởi nhà mạng đòi hỏi rất nhiều, và việc cấp phép cũng rất khắt khe”, bà Milanesi giải thích.