Đầu tháng 8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố dự thảo mới (trước đó đã chỉnh sửa nhiều lần) của nghị định mới thay thế nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Theo đó, dự thảo vẫn phân định rõ xe taxi và xe hợp đồng điện tử. Qua đó chỉ yêu cầu ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “xe phù hiệu”; phải niêm yết “xe hợp đồng” hoặc "xe hợp đồng điện tử "; niêm yết các thông tin trên xe theo quy định.
Trường hợp ôtô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết "xe hợp đồng điện tử". Trong khi đó, quy định gắn hộp đèn với chữ "taxi điện tử" tiếp tục được áp dụng đối với xe taxi đang sử dụng các ứng dụng đặt xe điện tử.
Cú đổi chiều quá nhanh
Tuy nhiên, gần đây nhất (giữa tháng 10), Bộ GTVT lại gửi tới Chính phủ dự thảo lần thứ 6, trong đó quy định coi xe hợp đồng điện tử giống như xe taxi. Nếu như lần công bố dự thảo hồi tháng 8, Bộ GTVT vấp phải sự phản ứng dữ dội của giới taxi thì lần tháng 10, bộ này lại bị các chuyên gia kinh tế phản bác vì “áp” điều kiện kinh doanh quá nặng nề với xe taxi công nghệ.
Còn nhiều ý kiến tranh cãi về khái niệm xe taxi điện tử như Grab. Ảnh: Châu Châu. |
Nguyên nhân của điều này là vào cuối tháng 8, sau khi nhận được dự thảo nghị định 86 mới của Bộ GTVT, thường trực Tổ công tác của Chính phủ đã có báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra hồ sơ về dự thảo nghị định thay thế nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Thường trực Tổ công tác cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định rõ có 5 loại hình vận tải hành khách bằng ôtô. Tuy nhiên, dự thảo nghị định chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về 5 loại hình trên, đặc biệt chưa định nghĩa đúng về taxi và xe hợp đồng điện tử.
Báo cáo cho rằng căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe taxi công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, do đó không thể gọi bằng cụm từ xe hợp đồng điện tử để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
“Thực tế cho thấy Grab, Uber đã thực hiện và tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải, sử dụng các loại xe dưới 9 chỗ ngồi, cách tính cước dựa vào km… thì phải xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải. Do đó phải tuân thủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô”, báo cáo nêu.
Cơ quan này cũng cho biết sự khác nhau hiện nay giữa Grab, Uber với taxi truyền thống là ứng dụng phần mềm thay thế phương pháp điều hành truyền thống, đổi mới công tác quản lý... nên giá cước rẻ hơn taxi truyền thống. Tuy nhiên, đây là hiệu quả kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, không phải vì như vậy mà gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” để không chịu sự quản lý như taxi.
Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng
Vì vậy, Tổ công tác kiến nghị Bộ Giao thông nghiên cứu, làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải bằng ứng dụng phần mềm như Grab, Uber.
Báo cáo của thường trực Tổ công tác cho biết hợp đồng điện tử chỉ là phương thức, cách thức giao kết hợp đồng, kết nối gọi taxi, không phải là loại hình vận tải (như tuyến cố định, taxi...). Do đó yêu cầu Bộ Giao thông cần có các quy định chặt chẽ để Uber, Grab chịu sự quản lý như taxi truyền thống. Đồng thời, không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” làm phát sinh thêm loại hình vận tải mới, không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT yêu cầu làm rõ thêm các khái niệm đối với từng loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô, đặc biệt là kinh doanh hành khách (có xe hợp đồng điện tử, taxi điện tử), đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ.