Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 17/11, giá Bitcoin có thời điểm rơi xuống mức 58.755 USD/đồng. Tính đến 16h30, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới phục hồi nhẹ lên 59.600 USD/đồng, tuy chưa thể lấy lại mốc 60.000 USD/đồng.
Giá Bitcoin giảm mạnh từ mức cao trong vòng 24 giờ qua - 66.000 USD/đồng. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã sụt giá 13,39%.
Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền bị thu hẹp còn hơn 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm 2,45% so với một ngày trước đó xuống 2.490 tỷ USD.
Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã lao dốc gần 12%. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin sụt giá 13,39%. Ảnh: CoinMarketCap. |
Nguy cơ giảm mạnh hơn nữa
Ngoài Bitcoin, nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất cũng chìm trong sắc đỏ. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - chứng kiến mức giảm 2,74% sau một ngày xuống còn 4.149 USD/đồng. So với mức đỉnh 4.859 USD/đồng thiết lập hôm 10/11, giá Ether đã lao dốc 14,61%.
"Giá Bitcoin đã rơi xuống dưới ngưỡng quan trọng 60.000 USD/đồng. Chỉ một vài tuần trước, đồng tiền phục hồi mạnh mẽ từ mốc này", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
"Việc rơi xuống dưới ngưỡng 60.000 USD/đồng có thể khiến Bitcoin bị tụt giá sâu hơn nữa. Sự chú ý sẽ trở lại mốc 50.000 USD/đồng", vị chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng biến động giá của Bitcoin rất khó đoán.
"Giá Bitcoin giảm mạnh vì mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Cùng với đó là rủi ro đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải sớm nâng lãi suất", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc mới tuyên bố sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ hoạt động khai thác tiền mã hóa tại đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters. |
Hôm 16/11, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) - cơ quan lập kế hoạch của đất nước - cho biết sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ hoạt động khai thác tiền mã hóa tại đất nước 1,4 tỷ dân.
"Các bình luận tiêu cực liên quan đến tiền mã hóa từ phía Bắc Kinh thường dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường, ngay cả khi những bình luận đó không còn quá mới", nhà phân tích Arjun Kharpal của CNBC bình luận.
Hồi đầu năm, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác Bitcoin, khiến các thợ đào phải chuyển sang những nơi khác. Bắc Kinh lo ngại rằng hoạt động khai thác sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng.
"Hoạt động khai thác tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải carbon", bà Meng Wei - người phát ngôn của NDRC - lập luận.
"Chờ đợi và quan sát"
“Việc kiểm soát các hoạt động khai thác tiền mã hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc tối ưu hóa cấu trúc công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và cắt giảm phát thải, từ đó đạt được mục tiêu phát thải và trung hòa carbon”, bà nói thêm.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, tức giảm sự gia tăng ròng khí thải nhà kính vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh hoặc khi vận hành những sản phẩm dịch vụ.
Ngoài ra, theo ông Moya tại Oanda, trong những tuần cuối năm, giá Bitcoin cũng có thể bị đè nặng bởi áp lực chốt lời từ phía các nhà đầu tư tổ chức.
Dù sụt giảm mạnh trong ngày qua, Bitcoin vẫn tăng hơn 103% trong năm nay. Còn Ether tăng giá 460% tính từ mức hồi đầu năm.
Bitcoin có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư như một "hàng rào" chống lại rủi ro lạm phát. Nhưng nếu áp lực giá buộc FED phải sớm tăng lãi suất, điều đó sẽ giáng đòn mạnh lên tiền mã hóa
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda
"Cho đến tháng 1/2022, cuộc tranh luận về lạm phát và nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ không có câu trả lời rõ ràng. Do đó, biến động giá có thể rất mạnh trong phần còn lại của năm", ông Moya cảnh báo.
Theo vị chuyên gia, ngay cả khi một ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) dựa trên Bitcoin khác vừa ra đời, điều đó vẫn không đủ để thu hút các nhà đầu tư mới.
"Giá Bitcoin điều chỉnh khi các nhà đầu tư chuyển sang trạng thái 'chờ đợi và quan sát'. Bitcoin có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư như một 'hàng rào' chống lại rủi ro lạm phát. Nhưng nếu áp lực giá buộc FED phải sớm tăng lãi suất, điều đó sẽ giáng đòn mạnh lên tiền mã hóa", ông Moya cảnh báo.
Theo ông, Bitcoin và Ether có thể là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất trong năm nay. Nhưng vị chuyên gia cũng không loại trừ khả năng giá tiền mã hóa giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại về các động thái mới của FED.
"Triển vọng dài hạn của Bitcoin vẫn rất tốt. Nhưng về ngắn hạn, tương lai của tiền mã hóa còn khá bấp bênh", ông Moya cảnh báo.