Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 16/11 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin quay đầu giảm mạnh xuống ngưỡng 60.000 USD/đồng. Tính đến 15h, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch ở mức 60.875 USD/đồng, giảm 7,15% so với một ngày trước đó.
Đà giảm khiến giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền bị thu hẹp còn 1.149 tỷ USD. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập cách đây 6 ngày, Bitcoin đã giảm giá 11,47%.
Ngoài Bitcoin, các loại tiền mã hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa lao dốc tới 65% so với một ngày trước đó.
Giá Bitcoin bất ngờ lao dốc mạnh hôm 16/11. Từ ngưỡng cao trong vòng 24 giờ 66.281 USD/đồng, đồng tiền sụt giá xuống hơn 60.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Sức ép từ phía Trung Quốc
Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - cũng chứng kiến mức giảm 7,68% sau một ngày xuống còn 4.310 USD/đồng. So với mức đỉnh 4.859 USD/đồng thiết lập hôm 10/11, giá Ether đã lao dốc 11,62%.
Nguyên nhân đằng sau biến động giá của Bitcoin vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nói với Zing, các chuyên gia nhận định đà giảm có thể đến từ sức ép từ phía Trung Quốc và áp lực chốt lời vào những tuần cuối năm.
Hôm 16/11, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) - cơ quan lập kế hoạch của đất nước - cho biết sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ hoạt động khai thác tiền mã hóa tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Các bình luận tiêu cực liên quan đến tiền mã hóa từ phía Bắc Kinh thường dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường, ngay cả khi những bình luận đó không còn quá mới
Nhà phân tích Arjun Kharpal của CNBC
"Các bình luận tiêu cực liên quan đến tiền mã hóa từ phía Bắc Kinh thường dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường, ngay cả khi những bình luận đó không còn quá mới", nhà phân tích Arjun Kharpal của CNBC bình luận.
Hồi đầu năm, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác Bitcoin, khiến các thợ đào phải chuyển sang những nơi khác. Bắc Kinh lo ngại rằng hoạt động khai thác sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng.
"Hoạt động khai thác tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải carbon", bà Meng Wei - người phát ngôn của NDRC - lập luận.
“Việc kiểm soát các hoạt động khai thác tiền mã hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc tối ưu hóa cấu trúc công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và cắt giảm phát thải, từ đó đạt được mục tiêu phát thải và trung hòa carbon”, bà nói thêm.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, tức giảm sự gia tăng ròng khí thải nhà kính vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh hoặc khi vận hành những sản phẩm dịch vụ.
Áp lực chốt lời
Chỉ một ngày trước khi rơi xuống ngưỡng 60.000 USD/đồng, giá Bitcoin đã trở lại mốc 66.000 USD/đồng.
"Giá Bitcoin được hỗ trợ sau đợt nâng cấp quan trọng vào cuối tuần. Tuy nhiên, Bitcoin chủ yếu vẫn là 'kho lưu trữ giá trị' hưởng lợi từ áp lực lạm phát", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda bình luận.
Nhưng ở chiều ngược lại, trả lời Zing, ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - nhận định không phải lúc nào Bitcoin cũng hoạt động như một "hàng rào" chống lại rủi ro lạm phát.
Nhiều nhà đầu tư coi Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số". Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải giữ giá trị trong một thời gian rất dài, chẳng hạn như hơn một thế kỷ. Theo một số nhà phê bình, Bitcoin chưa có lịch sử đủ lâu để làm điều đó.
Giá Bitcoin biến động dữ dội kể từ khi ra đời. Nhưng lý do hầu như không liên quan đến lạm phát. "Giá không chỉ lên xuống bởi quy luật cung tiền, mà còn bị ảnh hưởng từ yếu tố đầu cơ. Đó là nguyên nhân thị trường Bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán", giáo sư tài chính Cam Harvey tại Đại học Duke bình luận.
Giá Bitcoin biến động thất thường sau khi lập kỷ lục gần 69.000 USD/đồng. So với mức đỉnh, Bitcoin đã giảm giá 11,47%. Ảnh: CoinMarketCap. |
Thậm chí, có thể hình dung ra viễn cảnh lạm phát có tác động đến Bitcoin ngược với suy đoán của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu lạm phát gây ra suy thoái, các nhà đầu tư có thể tránh xa những tài sản rủi ro như tiền mã hóa.
Nói với Zing, ông Moya tại hãng tư vấn Oanda cũng cảnh báo về biến động giá của Bitcoin trong những tuần cuối năm.
"Giá Bitcoin đã tăng hơn 110% trong năm nay. Còn Ether tăng giá 480%. Một số quỹ đầu tư và quản lý tài sản sẽ tìm cách chốt lời trước khi kết thúc năm", ông Moya giải thích.
"Động thái chốt lời của các nhà đầu tư có thể khiến Bitcoin và Ether mất một số mốc giá quan trọng, kích hoạt đà giảm khoảng 5-10% trước khi bật tăng trở lại", vị chuyên gia dự báo.
Theo ông, triển vọng của Bitcoin và Ether trong dài hạn vẫn rất lạc quan. "Tuy nhiên, đến cuối năm, sự biến động vẫn tăng cao", ông Moya nói thêm.