Trước hôm 12/5, Triều Tiên từng là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới khẳng định không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, rất ít chuyên gia y tế tin rằng Triều Tiên đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 nhờ các biện pháp phong tỏa biên giới nghiêm ngặt.
Vì vậy, khi Bình Nhưỡng chính thức xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào hôm 12/5, câu hỏi được đặt ra nhiều hơn là “tại sao lại là thời điểm này?”.
Vào ngày 12/5, Triều Tiên ghi nhận hai ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron. Ảnh: AFP. |
Những hoài nghi
Mới vài tuần trước, Triều Tiên vẫn khẳng định virus chưa xâm nhập đất nước, dù nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tuyên bố này.
Ngay từ khi đại dịch bùng phát, bất chấp những tác động về kinh tế, Bình Nhưỡng đã nhanh chóng phong tỏa biên giới và cấm các vận động viên tham dự hai kỳ Thế vận hội.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố các biện pháp kiểm soát Covid-19 của nước này là bằng chứng về “tính ưu việt của quốc gia”, và gọi đây là một “thành công chói sáng”.
Dù vậy, trên thực tế, một số chuyên gia suy đoán rằng virus đã xâm nhập vào Triều Tiên từ lâu, bất chấp biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết ngay từ tháng 7/2020, virus gần như chắc chắn đã xuất hiện ở Triều Tiên. Cả Trung Quốc và Nga đều đã báo cáo các đợt bùng phát gần biên giới của những nước này với Triều Tiên.
Giờ đây, sau khi 520 triệu ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên thế giới, Triều Tiên đã chính thức công bố trường hợp nhiễm đầu tiên và Turkmenistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới chưa ghi nhận (hoặc chưa có số liệu) về bất cứ ca mắc nào.
Một chương trình truyền hình ở Seoul chiếu cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đeo khẩu trang hôm 12/5, sau khi Triều Tiên xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AFP. |
Theo Bloomberg, một số nhà quan sát nhận định Triều Tiên có khả năng tiết lộ về đợt bùng phát mới vì “nó đã quá nghiêm trọng để che giấu”, và điều quan trọng hơn là chính phủ cần tỏ ra phản ứng nhanh chóng ngay bây giờ.
Có nhiều lý do để lo lắng rằng Triều Tiên sẽ phải hứng chịu tác động nặng nề từ đợt bùng phát này. Bình Nhưỡng cho đến nay đã từ chối tất cả vaccine được viện trợ từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém có thể khiến 26 triệu người dân nước này rơi vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương dù nhiễm các chủng nhẹ.
Công bố ca mắc để chống dịch hiệu quả hơn
Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 13/5 cho biết đợt bùng phát Covid-19 ở nước này đã khiến 6 người chết và 187.800 người phải cách ly. Ngoài ra, hơn 350.000 người đã được điều trị khi cơn sốt không rõ nguồn gốc lan rộng trên toàn quốc kể từ cuối tháng 4, trong đó 162.200 người đã hồi phục.
Ankit Panda, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định quyết định công bố số ca nhiễm chỉ ra rằng “mọi thứ nghiêm trọng đến mức không thể tiếp tục ra những tuyên bố không có Covid-19 (Zero Covid-19) nữa”.
Một đợt bùng phát lan rộng ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi có khoảng 3,2 triệu người sinh sống, sẽ tác động trực tiếp đến giới tinh hoa Triều Tiên.
NK News dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 12/5, lệnh phong tỏa ở thành phố trong tuần này đã dẫn đến tình trạng hoảng loạn mua hàng tích trữ ở các cửa hàng và những hàng dài phương tiện giao thông công cộng trên đường phố.
“Giới chức Triều Tiên có thể cảm thấy rằng việc thừa nhận đợt bùng phát một cách kịp thời - và cho công chúng thấy chính phủ đang phản ứng nhanh chóng - là cần thiết để kiểm soát tình hình; đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của người dân trong các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh", Rachel Minyoung Lee, chuyên gia tại Trung tâm Stimson, Mỹ, đánh giá.
Nhân viên đứng ngoài kiểm tra nhiệt độ ở Đại học Y khoa Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia tin rằng có nhiều kẽ hở cho virus xâm nhập vào Bình Nhưỡng. Trong khi phần lớn sân bay đã đóng cửa trong thời gian đại dịch xảy ra, Triều Tiên đã mở lại tuyến đường sắt nối với Trung Quốc vào tháng 1 và các thương nhân "chợ đen" thường xuyên qua lại biên giới.
Không chỉ vậy, một cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy lưu thông hàng hải tại cảng quốc tế Nampho, Triều Tiên và hoạt động buôn bán bất hợp pháp, vi phạm lệnh trừng phạt đã diễn ra trên các vùng biển khơi.
"Virus có thể xâm nhập vào Triều Tiên qua đường sắt, đường thủy và hoạt động buôn lậu”, ông Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, cho biết.
Để kiểm soát đợt bùng phát lần này, Go Myong Hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan dự đoán: “Triều Tiên có thể sẽ làm điều tương tự Trung Quốc với các biện pháp chống dịch mạnh hơn, giãn cách xã hội cứng rắn hơn, và phong tỏa chặt chẽ hơn”.
Ngược lại, nhà phân tích Cheong Seong Chang tại Viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể sẽ không ép buộc người dân phải ở nhà. Thay vào đó, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế đi lại và cung ứng giữa các khu vực để làm chậm sự lây lan của virus.
Trong giai đoạn dịch trước đó, chính phủ Triều Tiên đã cố gắng cho người dân thấy rằng họ rất coi trọng sức khỏe cộng đồng. Vào tháng 7/2020, Triều Tiên đã phong tỏa thành phố biên giới Kaesong sau khi một người bỏ trốn sang Hàn Quốc từ năm 2017 quay lại và có triệu chứng nhiễm virus corona.
Các nhà chức trách đã điều tra đơn vị quân đội chịu trách nhiệm tuần tra và cam kết “một hình phạt nghiêm khắc".