Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) hôm 13/5 cho biết Covid-19 đã lây lan khắp nước này với "tốc độ bùng nổ" kể từ cuối tháng trước, khiến 6 người chết và 187.800 người phải cách ly.
Trước một dấu hiệu thể hiện sự cấp bách, nhà lãnh đạo Kim Jong Un lần đầu đeo khẩu trang xuất hiện trên truyền hình trong một cuộc họp của đảng Lao động, New York Times đưa tin.
"Với chúng ta, điều nguy hiểm hơn virus là sự sợ hãi phi khoa học, thiếu lòng tin và ý chí", KCNA dẫn lời ông Kim nói trong cuộc họp.
Trước đó, vào ngày 12/5, Triều Tiên lần đầu thông báo hai ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron. Ngay sau đó, nước này đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên sau 2 năm.
Theo các chuyên gia, biến thể phụ BA.2 dù không nghiêm trọng như các chủng virus trước đó, song lại có tốc độ lây lan nhanh và khả năng chống lại các kháng thể. Trong khi đó, Triều Tiên đã không tiếp nhận các liều vaccine do quốc tế đề nghị hỗ trợ trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Biến thể "tàng hình"
Ngày 22/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố biến thể phụ Omicron BA.2 đã trở thành chủng trội của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học đã xác định BA.2 có rất nhiều đột biến. Biến chủng được mệnh danh là "Omicron tàng hình" bởi nó thiếu một đặc điểm di truyền của chủng Omicron gốc - điều giúp các nhà khoa học phân biệt được Omicron với Delta thông qua xét nghiệm PCR. Do đó, BA.2 chỉ có thể bị phát hiện bằng giải trình tự gene, điều mà không phải nước nào cũng đủ năng lực thực hiện.
Biến thể phụ BA.1 có hơn 30 đột biến ở protein gai giúp virus tấn công vào tế bào. BA.2 dù có nhiều đột biến giống BA.1, biến thể "tàng hình" xuất hiện thêm 8 đột biến độc nhất, và thiếu 13 đột biến so với BA.1. Các đột biến protein gai là điều giới y tế và khoa học quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và chống lại kháng thể của virus.
Ông Kim Jong Un đeo khẩu trang trước khi bắt đầu cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên ngày 12/5. Ảnh: Independent. |
Nguy cơ lây nhiễm
BA.2 có nhiều điểm tương đồng về di truyền với BA.1, nhưng dễ lây lan hơn BA.1 từ 30-50%, theo Scientific American.
Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế tại Nhà Trắng, biến thể phụ có BA.2 khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 50-60%, nhưng không gây bệnh nặng hơn.
Các chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ thành tâm điểm của các biến chủng mới do khả năng miễn dịch thấp của người dân với virus.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm tăng sau khi nước này tổ chức các sự kiện lớn hồi tháng 4, bao gồm kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên - nơi những người tham dự không đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại Đại học Massachusetts (Mỹ), nói dù BA.2 có thể không có tác động nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng cần phải ngăn chặn đà lây lan của nó.
"Càng có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, càng làm tăng nguy cơ virus có các đặc tính mới và tạo ra biến thể mới", ông Luban giải thích.
Kee Park, chuyên gia y tế tại Trường Y Harvard, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Triều Tiên bằng việc cung cấp vaccine mRNA và các phương pháp điều trị.
“Họ sẽ cần phải xem xét lại biện pháp bổ sung để bảo vệ người dân, bao gồm chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Mọi người đều quan tâm đến việc giúp Triều Tiên ứng phó với đại dịch. Không ai muốn một biến chủng khác”, ông Park nói.
Những tuần gần đây, Triều Tiên liên tục cảnh báo tăng cường biện pháp phòng ngừa, sau những đợt bùng dịch ở nhiều nơi tại Trung Quốc giáp với biên giới Triều Tiên. Truyền thông Triều Tiên kêu gọi người dân "tăng cường công tác chống dịch để chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp kéo dài".
Thiếu hụt vaccine
Thách thức với Triều Tiên hiện nay là nước này đã từ chối tiếp nhận vaccine của quốc tế trong 2 năm đại dịch bùng phát, biến Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia duy nhất chưa triển khai tiêm vaccine, theo Washington Post.
Năm 2021, Triều Tiên đã từ chối nhận 3 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc và 2 triệu liều AstraZeneca. Nước này cũng từ chối nhận vaccine thông qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX Facility.
Tháng 4/2021, COVAX xác nhận dừng phân bổ vaccine ngừa Covid-19 cho Triều Tiên, nhưng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu Bình Nhưỡng quyết định triển khai tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 như một phần của chương trình quốc gia ứng phó với đại dịch.
Triều Tiên nhiều lần từ chối các lô vaccine do quốc tế cung cấp. Ảnh: AFP. |
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các quan chức Bình Nhưỡng quan tâm đến các loại vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna.
Hồi tháng 4, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ tuyên bố các loại vaccine Covid-19 hiện nay không thực sự hiệu quả trong việc chống lại dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Dù vậy, việc tiêm liều tăng cường có thể làm tăng khả năng bảo vệ, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, theo Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA).
Boram Jang, nhà nghiên cứu về Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, kêu gọi Bình Nhưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế để lập kế hoạch đảm bảo vaccine cho người dân.
"Ngoài ra, các biện pháp khẩn cấp như phong tỏa cần phải được điều chỉnh hợp lý và tương xứng. Chúng không nên được lạm dụng", bà Boram Jang nói.