Triều Tiên là một trong hai quốc gia còn lại trên thế giới từ chối vaccine Covid-19 tính đến tháng 4, bất chấp đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và những nước khác.
Bình Nhưỡng từng từ chối gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Thay vào đó, chính quyền ông Kim Jong Un kiên quyết đóng cửa biên giới và duy trì các hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch theo cách riêng.
Sau 2 năm đóng cửa và không ghi nhận ca mắc nào, Bình Nhưỡng đã báo cáo trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 12/5. Tuy nhiên, các bản tin mới của truyền thông nước này cho thấy dịch đã bùng phát từ cuối tháng 4 với 350.000 người sốt không rõ nguyên nhân.
Chống dịch theo cách riêng
Gần 250.000 liều vaccine Novavax do COVAX phân bổ cho Triều Tiên đã bị hủy bỏ vào đầu năm nay, do thiếu phản hồi từ Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia cho rằng việc không hài lòng với số lượng và chủng loại vaccine được cung cấp đã khiến nước này từ chối các lô hàng.
Nhân viên phun khử trùng để phòng ngừa Covid-19 tại Cửa hàng Bách hóa Trẻ em Bình Nhưỡng, Triều Tiên, vào ngày 18/3. Ảnh: AP. |
Trước đó, vào tháng 7/2021, Viện Chiến lược an ninh quốc gia (INSS), trực thuộc Cơ quan gián điệp Hàn Quốc, cho biết COVAX có kế hoạch cung cấp gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Triều Tiên. Đợt đầu dự kiến vào cuối tháng 5, nhưng bị trì hoãn do các cuộc tham vấn kéo dài.
Các nhà chức trách Triều Tiên bày tỏ lo ngại về vaccine AstraZeneca, sau khi có báo cáo về các trường hợp đông máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở một số người được tiêm, Giám đốc nghiên cứu chiến lược về bán đảo Triều Tiên của INSS Lee Sang Keun cho biết.
Đến tháng 9/2021, Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối gần 3 triệu liều vaccine Sinovac từ Trung Quốc, nói rằng những liều vaccine này cần được chuyển đến các quốc gia khác có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Sau khi từ chối vaccine viện trợ từ bên ngoài, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh cho các quan chức thực hiện một chiến dịch phòng chống Covid-19 khắc nghiệt theo cách riêng.
Ông Kim yêu cầu các quan chức phải “ghi nhớ rằng thắt chặt biện pháp phòng dịch là nhiệm vụ tối quan trọng, không được nới lỏng dù chỉ một phút”, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên.
Trước đó, ông Kim cũng kêu gọi gia tăng các hạn chế chống dịch Covid-19 bao gồm đóng cửa biên giới quốc gia, bất chấp điều kiện kinh tế và lương thực ngày càng tồi tệ.
Hậu quả kinh tế
Trong hai năm qua, dù không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào, Triều Tiên đã phải gánh chịu nhiều hậu quả về kinh tế.
Quốc gia này vốn phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và hạn chế hoạt động thương mại. Do đó, các con đường thương mại không chính thức qua Trung Quốc được xem là một cách giảm thiểu tác động đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới đã cản trở hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh, làm giảm hoạt động kinh tế và đẩy Triều Tiên vào tình trạng thiếu lương thực.
Trước tình hình này, ông Tomas Ojea Quintana, đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng chiến lược cung cấp cho Triều Tiên ít nhất 60 triệu liều vaccine Covid-19 để ngăn chặn thảm họa nhân đạo.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của đảng Lao động cầm quyền để bàn cách ứng phó trước đợt bùng dịch. Ảnh: KCNA. |
Theo ông Quintana, vaccine có thể là cách thuyết phục quốc gia này nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
“Người dân Triều Tiên buộc phải tiêm phòng để chính phủ không còn lý do duy trì việc đóng cửa biên giới”, ông nói.
Tuy nhiên, sau nhiều lần Bình Nhưỡng từ chối tiếp nhận vaccine, các tổ chức quốc tế dường như đã không còn “mặn mà” với kế hoạch phân bổ cho nước này.
Liên minh Vaccine (GAVI), tổ chức cung cấp vaccine cho những người dễ bị tổn thương, cho biết họ đã không còn kế hoạch phân bổ cho Triều Tiên. Tuy nhiên, GAVI vẫn sẵn sàng cung cấp trở lại nếu quốc gia này thay đổi quyết định, bắt đầu một chương trình tiêm chủng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, theo Washington Post.
Vào đầu tháng 4, COVAX cũng quyết định giảm số liều vaccine phân bổ cho Triều Tiên xuống còn 1,54 triệu liều so với con số 8,11 triệu vào năm 2021, vì quốc gia này cho đến nay chưa thu xếp nhận bất kỳ lô vaccine nào từ chương trình này.