Đầu tháng 5 này, Triều Tiên vẫn khẳng định virus chưa xâm nhập đất nước, dù nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tuyên bố này. Triều Tiên là một trong những nước đã nhanh chóng phong tỏa biên giới khi dịch lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc, và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt biên giới quốc gia được duy trì trong suốt hơn 2 năm qua, chỉ nới lỏng với Trung Quốc vào đầu năm nay.
Đến hôm nay (12/5), Bình Nhưỡng cuối cùng đã báo cáo ca nhiễm đầu tiên, và tuyên bố “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng cấp quốc gia”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố đất nước sẽ thực thi cơ chế kiểm soát cách ly “khẩn cấp tối đa” để kiềm chế virus, với mục đích “loại bỏ tận gốc trong thời gian ngắn nhất”.
Kết quả hiện nay của Triều Tiên không nằm ngoài dự đoán của rất nhiều chuyên gia khi đánh giá về cách chống dịch khắt khe của Bình Nhưỡng trong hơn 2 năm qua. Cùng với nền kinh tế tổn thương nghiêm trọng vì đóng cửa biên giới, và với việc không nhận viện trợ vaccine, nước này đang đứng trước những hiểm họa khó có thể giải quyết trong “thời gian ngắn nhất” như lời tuyên bố của ông Kim.
Trong một bài báo xuất bản ngày 5/5 trên Financial Times, Eric Feigl-Ding, một nhà dịch tễ học tại Viện Hệ thống Phức hợp New England, cảnh báo: “Triều Tiên có thể gặp may mắn trong vài tháng nữa nhưng vận may của họ cuối cùng sẽ cạn kiệt”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của về phản ứng trước đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở nước này, ngày 12/5. Ảnh: KCNA. |
Cách tiếp cận không bền vững
Trước ngày hôm nay, trong suốt hơn 2 năm kể từ khi virus lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, bất chấp các làn sóng dịch bệnh lớn tàn phá hàng loạt quốc gia, Triều Tiên chưa từng báo cáo bất kỳ ca nhiễm nào.
Có rất nhiều ngờ vực xung quanh tuyên bố của nước này, nhưng các chuyên gia lập luận rằng dù rất khó có khả năng đất nước không bị virus tấn công, họ cũng không có bằng chứng cho thấy bất kỳ đợt bùng phát quy mô lớn nào.
Tuy không xác nhận bất kỳ trường hợp Covid-19 nào trong nước, Binh Nhưỡng vẫn xem việc chống virus là vấn đề "sống còn của quốc gia".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã phản ứng dứt khoát trước sự xuất hiện của virus corona, phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga, thắt chặt các hạn chế đối với việc di chuyển trong nước và trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài.
Nước này cũng đã hạn chế nghiêm ngặt giao thông và thương mại xuyên biên giới, cấm khách du lịch, và thậm chí được cho là đã ra lệnh cho quân đội bắn ngay bất kỳ kẻ xâm phạm nào.
Thông tin từ bên trong Triều Tiên rất khan hiếm, nhưng dường như không có dấu hiệu cho thấy người dân bị bắt buộc ở trong nhà.
Xịt khử trùng tại sân bay Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 1/2/2020. Ảnh: AP. |
Kể từ đó, quốc gia này chỉ cho phép vận chuyển rất hạn chế hàng hóa từ Trung Quốc. Các chuyến hàng đều phải đi qua trung tâm khử trùng được xây dựng đặc biệt.
Không có chương trình tiêm chủng Covid-19 nào ở Triều Tiên. Ông Kim cũng từ chối nhận vaccine của Nga và Trung Quốc được cung cấp thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới.
Kee Park, một giảng viên tại Trường Y Harvard từng làm việc tại Triều Tiên, nói rằng việc Triều Tiên từ chối vaccine dường như không phản ánh sự thù địch đối với việc tiêm chủng mà là sự hoài nghi của họ về hiệu quả và độ an toàn của vaccine.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 10 cho biết Triều Tiên đã bắt đầu nhận các lô hàng vật tư y tế được vận chuyển bằng đường biển từ Trung Quốc qua cảng Nampo của nước này.
Cho đến nay, nước này vẫn luôn cảnh giác cao độ với dịch bệnh.
Người dân Triều Tiên ngay cả trước thông báo về đợt bùng phát đầu tiên này đều đã được cảnh báo “không được phép có một vết nứt hay sai sót nhỏ nào khi tiến hành kiểm dịch khẩn cấp”.
“Hãy cảnh giác và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch”, một bài báo hồi đầu tháng 5 trên tờ báo nhà nước Rodong Sinmun viết, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và thông gió cho các khu vực trong nhà.
“Ngay cả sai lầm nhỏ nhất cũng có thể giáng một đòn chí mạng vào các cơ sở kiểm dịch của đất nước. Kiểm dịch khẩn cấp hiện là ưu tiên hàng đầu ở nước ta”, bài báo nhấn mạnh.
Các biện pháp của ông Kim đã làm gia tăng tác động từ những lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên nhằm đáp trả việc thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân bất hợp pháp vào năm 2017, cũng như ảnh hưởng của một loạt các trận hạn hán và lũ lụt.
Triều Tiên đã thừa nhận sự tồn tại của “khủng hoảng lương thực”.
Ông Park hồi đầu tháng 5 nói rằng đất nước này đã chứng minh thành công trong việc ngăn chặn virus trong suốt hơn 2 năm, nhưng cách tiếp cận của họ cuối cùng sẽ không bền vững.
Nhân viên y tế khử trùng một khu mua sắm ở Bình Nhưỡng, ngày 20/12/2020. Ảnh: AP. |
“Chiến trường Covid-19 cuối cùng”?
"Triều Tiên có thể trở thành chiến trường cuối cùng của hành tinh trong cuộc chiến chống lại Covid-19”, nhà phân tích Lim Soo Ho tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Seoul, cảnh báo hồi tháng 1 khi nhận xét về cách chống dịch của Triều Tiên, theo AP.
“Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới không có kế hoạch thực sự”, vị chuyên gia nói thêm, đề cập đến việc đây là đất nước cuối cùng trên thế giới không có chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên một số nhà phân tích cũng cho rằng Triều Tiên gần như không có lựa chọn khác ngoài việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bất chấp những rủi ro.
Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư lịch sử tại Đại học Kookmin ở Seoul, nói rằng cách tiếp cận của nước này đối với đại dịch phần nào phản ánh sự đánh giá hợp lý về hạn chế trong hệ thống y tế của chính họ.
“Họ đóng cửa hoàn toàn biên giới có thể vì cho rằng nếu bùng phát dịch bệnh thì nhiều người sẽ chết, hệ thống y tế của họ không thể đối phó được”, ông nói.
Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng dường như biết rằng một đợt bùng phát Covid-19 lớn sẽ rất tàn khốc do hệ thống chăm sóc sức khỏe Triều Tiên chưa đủ nguồn lực, và thậm chí có thể gây ra bất ổn xã hội khi kết hợp với tình trạng thiếu lương thực của nước này, các chuyên gia nhận định.
Đo nhiệt độ cho học sinh trước trường Trung học Bình Nhưỡng Số 1, ngày 22/6/2021. Ảnh: AFP. |
Việc từ chối vaccine cũng đang tạo ra thế khó cho nước này.
“Có thể cần gần 100 triệu liều vaccine để tiêm chủng đầy đủ cho dân số hơn 25 triệu người của Triều Tiên, và đất nước sẽ không bao giờ đạt được điều gì gần như vậy”, ông Lim nhận định.
Một số người cho rằng Triều Tiên không phải không muốn có vaccine, mà họ muốn có các loại vaccine được cho là an toàn và hiệu quả hơn như của Pfizer hay Moderna.
Trước khi đại dịch xảy ra, từ 95% đến 97% trong số 25 triệu người Triều Tiên đã được chủng ngừa thường xuyên để chống lại các loại bệnh, bao gồm sởi và bại liệt, ông Park cho biết.
Triều Tiên có tiềm năng phát triển vaccine của riêng mình, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc thử nghiệm chúng trên cộng đồng không có Covid-19, ông nói thêm.
Các quan chức tình báo Hàn Quốc từng cáo buộc tin tặc Triều Tiên cố gắng đánh cắp thông tin về vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 từ các công ty như Pfizer, Johnson & Johnson và Novavax.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết ngay cả khi Triều Tiên có được hàng chục triệu liều vaccine mRNA bằng cách nào đó, họ có lẽ không có cơ sở hạ tầng “dây chuyền lạnh” để lưu trữ và phân phối chúng khắp đất nước.