CNN dẫn lời các quan chức và cựu quan chức nói rằng chính quyền Mỹ tin rằng Triều Tiên chỉ nghĩ đến việc đối thoại chừng nào họ vượt qua mối đe dọa Covid-19. Vì vậy, các trợ giúp nhân đạo có thể sẽ thúc đẩy tiến trình này.
Tuy vậy, hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào. Các nguồn tin nói rằng Triều Tiên đã từ chối tham gia COVAX lẫn nhận hỗ trợ từ Hàn Quốc.
Hồi cuối tháng 4, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã phát biểu rằng Mỹ “sẵn sàng khám phá các phương án ngoại giao” một cách thực tế hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty. |
“Tôi mong rằng Triều Tiên sẽ tận dụng cơ hội này để thiết lập ngoại giao đồng thời cùng chúng tôi tìm cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu.
Vào ngày 28/4, ông đã bày tỏ mối quan ngại về các dự án hạt nhân của Triều Tiên và cho rằng đó là “mối nguy hại cực nghiêm trọng đối với an ninh nước Mỹ và thế giới”.
Theo Nikkei Asia, một số chuyên gia lại không mấy tin tưởng vào kế hoạch này. Họ cho rằng các biện pháp nhân đạo nhằm lôi kéo Triều Tiên vào bàn đàm phán khó có thể xảy ra khi hiện tại Triều Tiên chỉ chú trọng vào yêu cầu giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
“Phía Triều Tiên cũng không hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà Mỹ hỗ trợ và vẫn có khả năng Trung Quốc âm thầm cung cấp vaccine cho giới tinh hoa của Triều Tiên", Vipin Narang, giáo sư của MIT, nhận xét.
Theo CNN, vào giữa tháng 2 vừa qua, Mỹ cũng đã liên lạc với Triều Tiên nhằm thể hiện sự quan tâm về việc đàm phán giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có thông tin chứng tỏ hai nước có bất kỳ một cuộc đối thoại nào.