“Một lỗ hổng đã xảy ra trong phòng tuyến ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp của chúng ta, vốn đã đứng vững trong 2 năm 3 tháng kể từ tháng 2/2020”, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên nhận định, theo KCNA.
KCNA còn cho biết một số người ở thủ đô Bình Nhưỡng đã mắc dòng phụ BA.2 của chủng Omicron nhưng không nói chi tiết số ca hoặc nguồn lây bệnh. Mẫu bệnh phẩm được thu thập từ ngày 8/5.
“Bộ Chính trị nhận thấy cần thiết chuyển từ hệ thống phòng tránh dịch bệnh quốc gia sang hệ thống phòng tránh dịch bệnh khẩn cấp tối đa để ứng phó tình hình hiện tại”, cơ quan này đánh giá.
Một cửa tiệm đang được phun chất khử trùng tại Bình Nhưỡng vào cuối năm 2021. Ảnh: AP. |
Tình thế khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng đi kèm các biện pháp gì?
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì cuộc họp của đảng Lao động cầm quyền để bàn cách ứng phó trước đợt bùng dịch, theo KCNA.
Tại đây, ông Kim kêu gọi siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới và phong tỏa, đồng thời dặn người dân “chặn đứng đường lây lan của con virus độc hại bằng cách phong tỏa triệt để địa phương của mình ở mọi thành phố và quận huyện khắp cả nước”.
Mọi hoạt động kinh doanh và sản xuất sẽ được tổ chức sao cho mỗi đơn vị lao động được “tách biệt” để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Kho thiết bị y tế dự phòng cũng sẽ được huy động, theo KCNA.
Mục đích của những biện pháp này là để kiềm chế và kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và nhanh chóng loại bỏ tận gốc virus, KCNA dẫn lời ông Kim.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh ngành y tế và cơ quan phòng chống dịch cần rà soát mọi người dân, có biện pháp chủ động chữa trị, tích cực khử trùng mọi khu vực từ nơi làm việc tới nơi sống.
Nhưng đồng thời, ông Kim Jong Un cũng lưu ý nhà chức trách cần giảm sự bất tiện mà người dân phải đối mặt trong “tình thế phong tỏa chặt chẽ” tới mức tối thiểu.
Trước đó, NK News - website chuyên đưa tin về Triều Tiên có trụ sở tại Hàn Quốc - đưa tin Bình Nhưỡng đã phong tỏa được 2 ngày.
“Nhiều nguồn tin cũng nghe thấy thông tin người dân đổ xô mua hàng do không chắc chắn khi nào phong tỏa kết thúc”, NK News dẫn nguồn tin ở Bình Nhưỡng.
Virus vào Triều Tiên qua đường nào?
Triều Tiên nằm giáp các nước đã hoặc đang chiến đấu chống lại các đợt bùng phát Omicron nghiêm trọng như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Lee Sang Keun, Giám đốc chương trình nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia có liên kết với cơ quan tình báo Hàn Quốc, nhận định có một số con đường virus có thể xâm nhập vào Triều Tiên.
Một con đường là thông qua tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa Triều Tiên - Trung Quốc nhưng con đường gần đây đã được đóng lại sau khi Trung Quốc phong tỏa thành phố biên giới Đan Đông.
“Ngoài ra còn tuyến đường cảng biển Nampo. Bên cạnh đó thì việc buôn lậu vẫn không bị kiểm soát 100%”, ông Lee nói với Bloomberg, bổ sung rằng dọc biên giới cũng có một số con sông đủ nông để người dân có thể đi bộ qua.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Triều Tiên ra sao?
Theo AFP, giới chuyên gia tin rằng Triều Tiên chưa tiêm chủng cho phần lớn 25 triệu dân vì quốc gia này từng từ chối đề nghị viện trợ vaccine từ COVAX, Trung Quốc và Nga. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia duy nhất chưa tiêm chủng.
Bình Nhưỡng nhiều lần từ chối các lô vaccine viện trợ từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Vì việc này, COVAX hồi tháng 2 đã cắt giảm số lượng vaccine dành cho Triều Tiên, từ 8,11 triệu liều trong năm 2021 xuống còn 1,54 triệu.
Tháng 8/2020, Triều Tiên nói đang xúc tiến quá trình phát triển vaccine chống virus nCoV nhưng từ đó tới nay rất ít khi nhắc đến vaccine.
Tác động đợt dịch sẽ như thế nào?
Theo Bloomberg, đợt dịch ở Triều Tiên có thể sẽ giúp trả lời câu hỏi còn đang được tranh luận về mức độ nghiêm trọng của chủng Omicron lây lan nhanh.
Biện pháp phong tỏa nhiều khả năng cũng sẽ khiến tình hình kinh tế của Triều Tiên thêm khó khăn. Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của nước này, đặc biệt là việc đóng biên giới với Trung Quốc, đã có tác động tới thương mại song phương.
Tháng 7/2020, Triều Tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 nhập cảnh đầu tiên sau khi một công dân từng đến Hàn Quốc năm 2017 vượt biên trái phép trở về nước.
Khi đó, ông Kim lập tức phong tỏa thành phố Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc.
Triều Tiên luôn xây dựng hình ảnh chiến đấu thành công với Covid-19. Trong cuộc diễu binh quân sự gần đây, hàng chục nghìn người tham gia đều không đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, hôm 12/5, KCNA cho biết “sự sơ suất, lơ là, vô trách nhiệm và thiếu năng lực” của ngành chống Covid-19 trong nước đã gây ra đợt bùng dịch.