Khói từ đám cháy rừng ở Canada bao phủ bờ sông Đông, biến bầu trời thành màu cam. Ảnh: Reuters. |
“Mọi thứ đều màu cam. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy trước đây”, Kimberly Saltz, cư dân thành phố New York, nói với The Washington Post. Cô nói thêm rằng suy nghĩ đầu tiên khi nhìn ra ngoài cửa sổ là "trông giống như Hỏa tinh".
Các chuyên gia cho biết màu sắc bầu trời bắt nguồn từ loại và số lượng các hạt nhỏ trong không khí, cũng như các bước sóng ánh sáng mà các hạt này cản trở. Hiện tượng này, gọi là tán xạ Rayleigh, cũng là nguyên nhân tạo ra bầu trời màu cam, Peter Kalmus, nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, giải thích.
Vào một ngày bình thường, không khí ở New York không chứa dày đặc hạt vật chất, ánh sáng xanh có bước sóng ngắn hơn bị tán xạ nhiều hơn ánh sáng đỏ, làm cho bầu trời có màu xanh lam. Nhưng khi các hạt khói lan truyền trong không khí, chúng hấp thụ toàn bộ ánh sáng ở bước sóng ngắn như xanh lam và tím, chỉ tán xạ ánh sáng ở bước sóng dài như màu đỏ và cam, Kalmus giải thích.
“Cường độ tán xạ Rayleigh phụ thuộc vào bước sóng của ánh sáng, kích thước và mật độ của các hạt tán xạ", chuyên gia cho biết. Ánh sáng có bước sóng ngắn, như màu xanh lam, bị bụi làm suy giảm mạnh hơn ánh sáng có bước sóng dài, như ánh sáng đỏ.
Tượng Nữ thần Tự do bị khói mù bao phủ. Ảnh: Reuters. |
“Bất cứ khi nào có thêm các hạt từ bồ hóng núi lửa hoặc cháy rừng phát tán vào không khí, cách ánh sáng phản xạ sẽ bị thay đổi", Jennifer Marlon, nhà khí hậu học tại Trường Môi trường Yale, cho biết.
Các hạt đang phát tán ở New York lần này là phần còn lại của gỗ, lá và lá thông bị đốt cháy ở Canada. Marlon cho biết một số hạt có kích thước lớn, nhưng hầu hết là cực nhỏ và một số có thể hoàn toàn là hóa chất, lưu ý thêm rằng tất cả đều độc hại.
"Đám mây hạt" tạo ra bầu trời màu cam đang ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ, và chính quyền địa phương kêu gọi người dân tránh hoặc giảm thiểu thời gian ra ngoài. Một số người đã dùng hình ảnh màu cam để quay các cảnh "buổi sáng tận thế". Một số người khác chia sẻ trên mạng xã hội rằng bầu trời màu cam khiến họ lo sợ.
Các chuyên gia cho biết những người ở trong làn khói dày đặc có lẽ cảm thấy buồn hơn thông thường, do thiếu tiếp xúc với ánh nắng khiến cho cơ thể sản xuất nhiều melatonin hơn, giống như rối loạn cảm xúc vào mùa đông. Ngoài ra, những hình ảnh bầu trời màu cam xuất hiện liên tục trên mạng xã hội có thể gây ra trạng thái lo âu cho nhiều người.
“Hình ảnh bầu trời màu cam khiến biến đổi khí hậu và cháy rừng trong trường hợp này trở nên rất trực quan. Tất cả những điều này có thể mang đến cảm giác sợ hãi hoặc buồn bã", Sarah Lowe, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.