Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Anh hồ hởi với Trung Quốc?

30 tỷ bảng là tổng giá trị các hợp đồng Anh ký với Trung Quốc dịp Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Anh. Những dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào Anh báo hiệu thời kỳ mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Hoàng thân Philip trong buổi duyệt đội danh dự. Ảnh: Time
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Hoàng thân Philip trong buổi duyệt đội danh dự. Ảnh: Time

Tính long trọng và sự rầm rộ trong chuyến thăm Vương quốc Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thoạt tiên do gói tiền “cứng” rất lớn mà các tập đoàn kinh tế Anh đang cần. Khi nước Anh không còn vốn liếng tiền bạc để tạo ra việc làm cũng như sản phẩm thiết yếu cho chính mình, khi các nước khác cùng vai vế cũng không còn khả năng đó, họ đành phải nhận đồng vốn của Trung Quốc để trang trải dự án nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point.

Dự án thoạt đầu của người Pháp trị giá 18 tỷ bảng Anh này sẽ cung cấp 7% sản lượng điện của nước Anh. Người Trung Quốc sẽ mua lại 1/3 số cổ phần ở Hinkley Point. Ngoài ra, họ còn được mua đến 2/3 số cổ phần ở nhà máy  điện hạt nhân khác ở Bradwell.  Chưa hết, trong thời buổi khó khăn này mà Rolls-Royce ký được hợp đồng bán và bảo trì động cơ máy bay phản lực cho người Trung Quốc lên đến 1,4 tỷ bảng Anh, thì chẳng khác gì “trúng số” và BP cũng thế…

Tại sao nước Anh cùng các nước tư bản khác nay lại đang vất vả thiếu vốn, thậm chí nợ nần như thế? Tại sao Trung Quốc lại dư giả đến thế? Chẳng qua, các nước kia đã đi qua hết con đường phát triển gọi là của các xã hội công nghiệp . Tác phẩm 18 bài học về các xã hội công nghiệp của Raymond Aron (xuất bản năm 1962) từng là sách giáo khoa ở trường Đại học. Thậm chí, đã bước sang xã hội hậu công nghiệp - điển hình là tác phẩm “3 bài học về xã hội hậu công nghiệp” của Daniel Cohen (xuất bản năm 2006).

Trong khi đó, Trung Quốc, ít nhất cũng vẫn chưa hoàn tất quá trình công nghiệp hóa ở phần phía Tây của nước này. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Trung Quốc năm 2013 là 0,719, mới chỉ ở hạng 91/187 nước và lãnh thổ, chưa đạt ngưỡng phát triển con người cao vốn ở mức 0,735 (nguồn: Human Development Report 2014- Explanatory note on the 2014 Human Development Report composite indices: China). Để tiện hình dung: Anh đứng thứ 14 với chỉ số HDI là 0.892, ngay sau đó là Hong Kong hạng 15, chỉ số HDI 0.890. Khoảng cách phát triển con người giữa lục địa và Hong Kong thỉnh thoảng được thể hiện bởi những “lục đục” giữa người dân đặc khu hành chính Hong Kong với người lục địa qua du lịch bị chê là… kém phát triển.

Dẫu sao, “kinh tế quyết định tất cả”, khi các xã hội công nghiệp đã đi hết vòng phát triển, nay có “về hưu” tọa hưởng thành quả, thì những nền kinh tế mới nổi, lại có quy mô lớn hơn người, như Trung Quốc, có bóp còi qua mặt cũng là điều tất yếu. Tân đế chế đang thế chỗ cựu đế chế vốn từng chiếm đến 33,7 triệu km2 tương đương một phần tư diện tích đất trên toàn cầu vào năm 1922, với 458 triệu người tương đương một phần năm dân số thế giới lúc đó, mà trong thực tế đã cáo chung khi phải từ bỏ các thuộc địa của mình là Hong Kong năm 1997.

Còn về mặt quân sự, đế chế Anh đó cũng đã lịm đi sau khi Malaysia (và Singapore) thất thủ vào tháng 1-2/1942. Đúng là Quy luật thăng trầm! 

Cầu cạnh Trung Quốc, Anh đối mặt với nhiều nguy cơ

Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo việc Anh “vuốt ve” Trung Quốc có thể dẫn tới nhiều nguy cơ và ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Mỹ.

Danh Đức

Bạn có thể quan tâm