Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm của ông Tập. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, từ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến London, được các nhà lãnh đạo và thành viên Hoàng gia Anh tiếp đón long trọng, Mỹ và giới chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự dè chừng đối với những nỗ lực tăng cường quan hệ của Anh với Trung Quốc.
Hồi tháng 3, chính phủ Mỹ chỉ trích Anh "cầu cạnh" Trung Quốc khi nước này trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập để đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Khi đó chính quyền của Thủ tướng Anh David Cameron không hề thông báo trước quyết định này cho đồng minh Mỹ. "Đó là điều khiến chúng tôi bực tức. Anh không chỉ làm khó Mỹ mà làm khó toàn bộ khối G7", báo Financial Times dẫn lời một cựu quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.
"Trung Quốc không ban ơn"
Quan hệ Anh - Trung thay đổi chóng mặt kể từ năm 2012, khi Thủ tướng Anh David Cameron tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh cáo buộc là cầm đầu phong trào ly khai ở Tây Tạng. Bắc Kinh "cấm cửa" các quan chức London suốt hơn một năm.
"Người Trung Quốc tỏ ra rắn mặt với người Anh. Và chính phủ Anh tư duy lại mối quan hệ với Trung Quốc và quyết định rằng họ phải nỗ lực hết sức để bắn tín hiệu là muốn quan hệ tốt với Trung Quốc", một quan chức Mỹ cho biết.
Tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đến Trung Quốc và mô tả: "Nước Anh là đối tác tốt nhất của Trung Quốc tại phương Tây" và kêu gọi xây dựng "thời kỳ vàng son" trong quan hệ Anh - Trung. Tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Andrew Small thuộc Quỹ Marshall Đức ở Washington (Mỹ) chỉ trích Anh quá hừng hào thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc mà quên đi mọi vấn đề khác.
Những nỗ lực của Anh đã đem lại hiệu quả. Khi ông Tập đến London, doanh nghiệp hai nước đã ký các thỏa thuận trị giá 40 tỷ bảng Anh, tương đương 54,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ đầu tư lớn vào dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset thuộc tây nam nước Anh.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo Anh sẽ phải đối mặt với không ít nguy cơ khi "mặn mà" với Trung Quốc và các lợi ích kinh tế London hưởng từ mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ không thể bù đắp.
"Trung Quốc làm gì cũng tính đến lợi ích của nước này. Họ không ban ơn cho ai vì cư xử đẹp đâu", Time dẫn lời chuyên gia Volker Stanzel, cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc.
Chuyên gia Chris Johnson, cựu chuyên viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết nguy cơ đầu tiên Anh phải đối mặt là việc các công ty Trung Quốc dần dần xâm nhập vào các ngành quan trọng của Anh. Ông Johnson cho rằng với Anh, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật "chiếm nông thôn trước, đánh thành phố sau".
Năm nay, hãng công nghệ Huawei được bật đèn xanh đầu tư vào Anh sau khi một ủy ban chính phủ Anh kết luận hãng này không phải là nguy cơ an ninh. Ở Mỹ tình thế của Huawei hoàn toàn trái ngược khi bị chính quyền Washington nghi ngờ tiếp tay cho Bắc Kinh. Nhân chuyến thăm của ông Tập đến London, Trung Quốc và Anh công bố các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư vào dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C.
Đánh mất vị thế cường quốc
Chủ tịch Trung Quốc trong cuộc họp với các thành viên nội các Anh. Ảnh: Getty |
Nhà phân tích Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ mới cảnh báo Anh cần cẩn trọng và phải đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và tài chính.
"Có thể thấy người Trung Quốc đang dần dần tiến vào chính điện an ninh quốc gia Anh thông qua các hợp đồng đầu tư. Mỹ đang rất lo ngại", chuyên gia Cronin nhấn mạnh.
Một thành viên Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ lo ngại do cầu cạnh Trung Quốc thái quá, Anh sẽ đánh mất tiếng nói cần thiết của một cường quốc để phản đối Bắc Kinh khi nước này không tuân thủ các quy định và thông lệ quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông hay tấn công mạng.
Giáo sư Aaron Friedberg thuộc ĐH Princeton (Mỹ) cũng cho rằng chiến thuật "ngoại giao ngọt ngào" của Anh sẽ khiến nước này đánh mất vị thế trước Trung Quốc.
"Tôi không nghĩ Trung Quốc tôn trọng cách ứng xử này của Anh" - ông Friedberg nói. Nguy cơ rõ rệt nhất là Anh làm suy yếu sức mạnh đàm phán của cả phương Tây với Trung Quốc.
"Khi Trung Quốc hành xử tiêu cực trong nhiều lĩnh vực như tấn công mạng, kiểm soát Internet, Biển Đông… phương Tây sẽ ít có cơ hội thuyết phục họ thay đổi chính sách nếu Anh cứ tiếp tục theo đuôi họ. Về lâu dài, đây là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế", ông Friedberg nhấn mạnh.
BBC dẫn lời ông James McGregor, chủ tịch nhóm tư vấn APCO Worldwide, còn nặng lời hơn: "Nếu bạn hành xử như một con cún ngoan ngoãn thì người ta sẽ nghĩ rằng họ có thể trị được bạn. Trung Quốc không tôn trọng những kẻ quỵ lụy đâu. Anh sẽ phải hối tiếc".
Hiện tại, Trung Quốc đang tăng cường chiến dịch chiếm đoạt Biển Đông khi ồ ạt xây các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Mới đây quân đội Mỹ cho biết sẽ tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo này để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Anh sẽ buộc phải lựa chọn ủng hộ bên nào, đồng minh thân cận Mỹ hay đối tác thương mại Trung Quốc.
Ông Tập cảnh báo Anh
Trong lễ tiếp đón trọng thể tại điện Buckingham, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Anh tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ông Tập nói với Thủ tướng Anh David Cameron và các thành viên Hoàng gia Anh rằng: "Người Trung Quốc có câu 'Cơ hội chỉ có thể đến một lần trước khi vuột đi mất', người Anh cũng có câu 'Người thông thái biến cơ hội thành tài sản'". Báo Anh Daily Mail mô tả đây là lời cảnh báo ngạo nghễ của ông Tập đối với chính phủ Anh rằng London chỉ có một cơ hội hợp tác với Bắc Kinh.