Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà báo nước ngoài kể chuyện tác nghiệp tại giàn khoan

"Nếu đúng ở tọa độ như vậy, có giàn khoan, có tàu Trung Quốc, thì những hình ảnh của Việt Nam đã đưa ra hôm họp báo là đúng sự thật".

Nhân ngày Báo chí Việt Nam, phóng viên có cuộc trò chuyện với ông Trần Huy Công, đại diện hãng sản xuất truyền hình Nhật Bản NDN tại Việt Nam về chuyến đi Hoàng Sa cuối tháng 5, về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Hãng NDN đã có mặt ở Việt Nam 50 năm nay. Tại sao NDN phải chờ tới đợt thứ 2 dành cho các hãng báo chí nước ngoài mới được đi?

- Theo tôi hiểu là do tôi đăng ký muộn quá, lúc đợt 1 sắp đi tôi mới biết và đăng ký. Hơn nữa, danh sách duyệt để được đi không phải do Bộ Ngoại giao quyết định.

Đi đợt 2 cùng với NDN có 5 hãng nước ngoài khác, gồm CNN và Việt Weekly (Mỹ), Fuji TV, Yomiuri Shimbun, Ashahi Shimbun, và rất đông phóng viên trong nước.

Lần này có 4 hãng Nhật, hai truyền hình và hai báo viết, so với lần trước là hai truyền hình (Asahi TVNHK).

- Tâm trạng của anh khi biết mình được duyệt lên tàu ra Hoàng Sa?

- NDN đăng ký đầu tiên đăng ký cho cả tôi và phóng viên người Nhật Bản. Nhưng do chương trình đi được giữ kín, nên phóng viên người Nhật, người đã quay sự mở đầu của cuộc chiến Iraq cách đây 11 năm, chờ cả tuần ở Việt Nam không được và đã về nước thì ngay lúc đó là nhận được thông báo lên đường.

Tôi cũng khá lo, vì tôi cũng lớn tuổi và bị huyết áp cao, cộng với say sóng. Nhưng cuối cùng, tôi lại là người khỏe nhất đoàn phóng viên.

- Ở hiện trường, tất cả các phóng viên được bố trí trên một con tàu?

- Không. Lúc đầu thì tất cả trên một tàu, nhưng khi ra đến hiện trường, khu vực Hoàng Sa và gần nơi Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi - cả phóng viên quốc tế và trong nước - được phân ra trên 4 tàu. NDN cùng với Yomiuri ShimbunViệt Weekly được phân lên tàu 4032, một "trung phong cắm" trong hải đội thực thi pháp luật của Việt Nam vì thường vào sâu nhất so với giàn khoan Hải Dương 981.

Các phóng viên nước ngoài khác được phân lên tàu 8003, to hơn và đỡ sóng hơn, nhưng lại không được vào sâu so với giàn khoan. Lúc về khi trao đổi với các hãng khác thì họ nói có ít hình ảnh về tàu Trung Quốc hơn.

- Anh có lo lắng không khi NDN đi đợt 2, trong khi đó NHK và TV Asahi đã đi đợt 1 rồi. Nhỡ những hình ảnh cần thiết mà truyền hình Nhật Bản cần, họ đã quay được khá đủ rồi?

Đúng là chuyện đó lẽ ra đáng lo thật, nhưng tôi lại gặp may. Trước khi đi, Dương Đình Huy của TV Asahi có kể lại rằng anh không quay được cảnh tàu Trung Quốc va chạm với tàu mình, hoặc phun vòi rồng sang tàu mình.

Còn nữ phóng viên NHK của Nhật vừa về đất liền thì đưa lên ô tô chaỵ thẳng đến bệnh viện cấp cứu. Theo NDN ở Tokyo theo dõi, hình ảnh cô phóng viên quay trên boong tàu chỉ mười mấy giây về tàu Trung Quốc ở phía xa xa, chủ yếu là họ dùng hình ảnh do phía Việt Nam cung cấp trong cuộc họp báo ở Hà Nội hồi đầu tháng 5.

Cho nên NDN đi đợt này cả hệ thống truyền hình của Nhật đón chờ hình ảnh do tôi gửi về. Đó là một áp lực rất lớn.

Tàu Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam.

Tàu Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam.

- Và anh đã vượt qua áp lực đó?

- Sau thời gian ở trên tàu, khi trở về, tôi vội vàng biên tập được 11 file, mỗi file 5 phút. Các đài lao đến mua hình ảnh, gồm có NHK, Asahi TV, Tokyo TV, TBS, hay NTV.

Ông Tổng Giám  đốc NDN Misao Ishigaki đã rất sung sướng gọi cho tôi, nói rằng: "Năm nay, anh đã làm được một việc rất quan trọng, và từ nay đến hết năm có thể nghỉ đi chơi luôn được".

- Vậy anh quay những nội dung gì trên tàu 4032?

- Thời gian ở trên tàu 4032 là từ ngày 27/5 đến ngày 31/5. Tôi quay hai nội dung chính: Thứ nhất là tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chấp pháp, và các tàu của Trung Quốc ra ngăn cản; thứ hai là cảnh sinh hoạt của cán bộ và chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu.

Đơn vị chấp pháp của Việt Nam gồm có tàu 4032 thuộc lực lượng cảnh sát biển và 3 tàu kiểm ngư. Còn phái Trung Quốc thường có ít nhất là 8 tàu, cứ trung bình một tàu Việt Nam thì có 3-4 tàu Trung Quốc bao vây.

- Phía Trung Quốc có biết là có phóng viên quốc tế trên tàu Việt Nam không?

- Khi tàu Việt Nam tiến gần vào giàn khoan, và tàu Trung Quốc ra cản trở, anh em phóng viên lao ra quay phim thì phía Trung Quốc biết và cư xử rất thủ đoạn.

Chẳng hạn, có một lần khi các tàu Trung Quốc bao vây các tàu kiểm ngư Việt Nam, một tàu kiểm ngư bị chết máy không chạy được. Trung Quốc cho một tàu chèn, che lấp chiếc tàu bị chết máy đối với những máy quay trên tàu CSB4032 của chúng tôi.

Thế rồi một tàu Trung Quốc khác phun vòi rồng sang tàu Việt Nam, và nếu ai không theo dõi từ đầu đến cuối sẽ nghĩ rằng tàu Trung Quốc phun vòi rồng sang tàu Trung Quốc, như để rửa tàu. Nhưng chúng tôi có hình ảnh đầy đủ từ đầu nên khán giả Nhật sẽ biết rất rõ là tàu Trung Quốc phun vòi rồng sang tàu Việt Nam.

Hay cảnh quay tàu Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam. Bên Trung Quốc chia tàu ra, tàu mạn trái, tàu mạn phải, tàu ở đuôi, và tàu ở đằng mũi, bao vây lấy tàu Việt Nam.

Hoặc Trung Quốc cho tàu tăng tốc, chạy cắt ngang mũi tàu Việt Nam, để tàu Việt Nam va chạm tàu Trung Quốc và họ ghi lại hình ảnh tố cáo Việt Nam.

- Tàu 4032 của các anh tiến đến gần giàn khoan nhất là bao nhiêu hải lý?

- Tàu 4032 ngày nào cũng tiến gần giàn khoan, hễ gặp tàu Trung Quốc cản trở lại tìm cách chạy ra ngoài. 3 ngày đầu lần vào sâu nhất là 6,5 hải lý, còn thường là 8 hải lý.

- Với những hình ảnh quay tàu Trung Quốc một lần phun vòi rồng, và một lần tìm cách tìm cách "bẫy" cho tàu Việt Nam va đập vào tàu Trung Quốc, anh có thấy là đủ để cho khán giả Nhật biết về cách ứng xử của phía Trung Quốc?

- Tôi nghĩ việc Việt Nam cho phép phóng viên quốc tế ra thực địa là rất đúng đắn. Điều quan trọng nhất ra hiện trường không phải là quay cảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng, hay đâm va vào tàu chấp pháp của Việt Nam, bởi khi biết có phóng viên quốc tế trên tàu, Trung Quốc sẽ tìm cách tránh không hành động như vậy.

Ông Trần Huy Công tác nghiệp tại hiện trường.

Ông Trần Huy Công tác nghiệp tại hiện trường.

Chúng tôi ra hiện trường là để xác nhận thông tin về những hình ảnh mà Việt Nam đưa ra trong buổi họp báo ngày 7/5 về việc Trung Quốc đã hung hăng, phun vòi rồng, hay đâm va ở khu vực tọa độ như vậy, quanh khu vực giàn khoan. Nếu đúng ở tọa độ như vậy có giàn khoan, có tàu Trung Quốc, thì những hình ảnh của Việt Nam đã đưa ra hôm họp báo là đúng sự thật.

Hay về thái độ hung hăng của Trung Quốc, chúng tôi quay được hình ảnh họ đuổi tàu Việt Nam, chạy cắt ngang mũi, hoặc hình ảnh những ụ súng trên tàu Trung Quốc được tháo lớp vải bọc, hoặc hình ảnh lính Trung Quốc ôm sẵn vòi rồng, mặc dù chưa phun.

- Thế còn cảnh sinh hoạt của chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu có những hình ảnh nào anh thấy nhớ nhất?

- 4 ngày các anh em cảnh sát biển mới được tắm một lần vì thiếu nước ngọt. Bữa ăn thì thường thiếu rau xanh, trong chậu canh "toàn quốc" chỉ lơ thơ ít cọng rau.

Vui nhất là đến khoảng 9-10 giờ đêm, anh em lại soi đèn câu mực, nấu mì tôm bồi dưỡng, lấy sức ngày hôm sau ra đối đầu với Trung Quốc trong câu chuyện chủ quyền.

Hay tôi quay những cảnh anh em vừa ăn vừa lấy chân kẹp lấy chậu thức ăn, vì sóng xô mạnh không kẹp lại thì đổ hết.

Sinh hoạt của cảnh sát biển, tôi thấy nổi bật lên cảnh cô đơn sông nước, và thiếu thốn cả về vật chất và lẫn tinh thần. Tôi quay được cảnh có một người lính đang ngồi đọc tờ báo Tuổi Trẻ cũ ở mạn tàu. Mặt mũi thẫn thờ trước biển mênh mông, còn bầu trời toàn mầu tím. Tôi quay xong thì phỏng vấn mấy câu, biết anh lính 26 tuổi, quê Nam Định, 8 tháng nay chưa được về nhà, và cũng không biết bao giờ được về.

Đặc biệt, trong chuyến tôi đi, có một lễ kết nạp Đảng trên tàu. Đầu tiên họ không cho phóng viên quốc tế quay, mà chỉ cho báo chí trong nước như VTC, hay Quân đội Nhân dân thôi. Tôi mới nói với hải đội trưởng, cùng đi trên tàu 4032, rằng người nào không cho phóng viên quốc tế đưa tin là người đó không biết gì về công tác thông tin đối ngoại.

Thế là ông ấy phải báo cáo về đất liền, và sáng hôm sau họ cho phép chúng tôi quay. Nhưng cũng vì vậy nên thay vì làm buổi sáng, họ dời sang buổi chiều, và dành trọn buổi sáng để tập dượt.

- Xin hỏi anh câu cuối cùng. Sau chuyến đi vừa rồi, NDN đã cho anh nghỉ ngơi đến cuối năm như lời ông Tổng Giám đốc nói?

- Đâu có. Từ hôm 15.5 tôi lại tiếp tục vào Lý Sơn 10 ngày để làm tiếp bộ phim tài liệu "Hoàng Sa là của Việt Nam", khai thác hết những câu chuyện lịch sử về Hoàng Sa từ trước đến nay như đội Hoàng Sa, sắc phong vua Nguyễn, hay mộ gió...

- Có đơn đặt hàng nào cụ thể nào không?

Không. Chỉ đơn giản là chưa có hãng nước ngoài nào làm thì chúng tôi làm thôi.

Cũng như cách đây đúng 50 năm, NDN là hãng sản xuất truyền hình phương Tây đầu tiên đặt văn phòng tại Hà Nội để chuẩn bị cho tường thuật chống trả của miền Bắc chống lại cuộc không kích kéo dài 8 năm của Mỹ.

- Xin cám ơn anh.

 

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/181706/nha-bao-nuoc-ngoai-ke-chuyen-tac-nghiep-tai-gian-khoan.html

Theo Huỳnh Phan/Tuần Việt Nam

Bạn có thể quan tâm