Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng?

Cho rằng các doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều khó khăn nếu phải tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7, các hiệp hội kiến nghị lùi thời gian đến 1/1/2023.

Các hiệp hội trên gồm: Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Dệt may, Doanh nghiệp điện tử, Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Các đơn vị cho biết trong hai năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt khiến doanh nghiệp khó khăn và kiệt quệ. Đồng thời, tình trạng lao động là F0 vẫn diễn ra, kéo theo tình trạng hậu Covid gây ảnh hưởng đến năng suất. Doanh nghiệp vẫn đang gồng mình đối phó.

“Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người lao động, Nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát”, văn bản các hiệp hội gửi Thủ tướng nêu.

Theo đó, các hiệp hội cho rằng nếu Chính phủ quyết định tăng lương từ ngày 1/7, doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến gần, tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng được xây dựng từ cuối năm trước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã tăng lương cho người lao động vào đầu năm 2021 và 2022. Hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán.

tang luong toi thieu vung anh 1

Người lao động đang chờ thời điểm được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về hệ lụy, các hiệp hội cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng vào tháng 7 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có thể phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không bảo đảm, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nguy cơ cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không lo nổi chi phí nhân công. Việc này dẫn đến khả năng hàng chục nghìn lao động không có việc làm.

Từ những nội dung trên, 8 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, cân nhắc giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng ngày 1/1/2023. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Trước đó, tại phiên họp thứ hai diễn ra sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét. Đây là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết đơn vị đã đưa ra thương lượng và đặt kỳ vọng lương tối thiểu vùng tăng ở mức 7-8% từ ngày 1/7.

Theo ông Hiểu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khiến các doanh nghiệp không có sự điều chỉnh tiền lương cho người lao động.

"Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn”, ông Hiểu nói và cho rằng hình ảnh người lao động xếp hàng dài chờ rút BHXH một lần những ngày qua là điều rất đáng phải suy nghĩ.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, mức tăng 6% chưa cao nhưng đáp ứng được mong muốn của người lao động và cả người sử dụng lao động.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% từ ngày 1/7.

Làm việc ngày giỗ Tổ và dịp 30/4 hưởng lương thế nào?

Nếu làm việc vào ngày lễ, người lao động được hưởng số tiền lương gấp 4 lần so với ngày thường. Trong tháng 4, người dân trải qua hai kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm