Sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét. Đây là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.
Trước đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết đơn vị sẽ đưa ra thương lượng và đặt kỳ vọng lương tối thiểu vùng tăng ở mức 7-8% từ ngày 1/7.
Theo ông Hiểu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khiến các doanh nghiệp không có sự điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu gần nhất là 1/1/2020 với mức ở vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu đồng; vùng III 3,42 triệu đồng và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Ông Hiểu cho biết tổ chức công đoàn Việt Nam chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang gặp khó khăn.
“Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn”, ông Hiểu nói và cho rằng hình ảnh người lao động xếp hàng dài chờ rút BHXH một lần trong những ngày qua là điều rất đáng phải suy nghĩ.
Nói thêm về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết cả nước đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, trong khi người lao động vẫn đang rất khó khăn vì cả dịch bệnh và bão giá.
Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm này vừa để hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, vừa là động lực để tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh.
Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
3,4 triệu lao động trên cả nước sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
Với ngân sách dự kiến 6.600 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà có thể giúp 3,4 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà
Người lao động được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền thuê nhà hàng tháng nếu đáp ứng đủ điều kiện, hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Tăng thời gian làm thêm tối đa mỗi tháng từ 40 lên 60 giờ
Nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, giờ làm thêm có thể được nới lên mức trên 40 giờ, nhưng không quá 60 giờ mỗi tháng.