Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường ngân sách Nhà nước và đầu tư công. Cuối buổi sáng, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến đầu tư công thuộc lĩnh vực mà mình quản lý.
Ông Thể dành nhiều thời gian để báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai 2 dự án trọng điểm quốc gia là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Ông cho biết 2 dự án này Quốc hội đã đồng ý giao vốn, nhưng vẫn chưa giải ngân được là có lý do.
2020-2021 mới thi công cao tốc Bắc - Nam phía đông
Về cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia mà Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan xem như nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, ông lưu ý Bộ GTVT vừa phải đảm bảo tiến độ, nhưng cũng phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Ngọc Duy. |
“Trong 3 năm vừa qua, Bộ GTVT đã tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong các kết luận có yêu cầu Bộ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nên chúng tôi thực hiện đúng pháp luật, không sai sót, đúng trình tự thủ tục. Vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhưng cũng đúng trình tự thủ tục”, ông chia sẻ.
Nói về tiến độ, ông Thể cho biết sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 22/11/2017, phải một tháng sau, Chính phủ mới chính thức giao cho các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ GTVT.
Sau đó Bộ GTVT tiến hành đấu thầu chọn tư vấn lập dự án mất khoảng 2 tháng. Sau khi chọn được tư vấn lập 11 dự án thành phần, các tư vấn này sẽ phải tiến hành nhiều công việc, trong đó có khảo sát, đánh giá tác động môi trường, thống nhất khung đền bù giữa các tỉnh mà dự án đi qua. Khung chính sách đền bù cũng phải được Chính phủ thông qua.
“Chúng tôi cũng phải thống nhất các địa phương quy mô, hướng tuyến dự án đi qua, hầm chui, vị trí cầu… mất rất nhiều thời gian”, ông nói.
Đến hiện tại, Bộ GTVT đã phê duyệt 5/11 dự án thành phần; 5 dự án khác đang trình Chính phủ và dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 11 tới. Đến lúc đó, 10/11 dự án thành phần được phê duyệt.
Còn 1 dự án bị chậm là cầu Mỹ Thuận 2. Bộ trưởng Thể đánh giá đây là một cầu lớn nên phải đấu thầu rất lâu. Bộ phấn đấu trong năm 2018 cả 11 dự án sẽ được phê duyệt để tiến hành làm các thủ tục tiếp theo.
“Theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, sau khi phê duyệt dự án, Bộ GTVT sẽ đấu thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán. Sau đó chúng tôi phê duyệt hồ sơ thiết kế và lập dự toán rồi mới đấu thầu thi công. Theo kế hoạch tháng 9/2019, Bộ mới hoàn thành phê duyệt thiết kế thi công và dự toán và cho thi công vào năm 2020-2021”, ông nói.
5 nhà thầu đang lập dự án sân bay Long Thành
Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Thể cho biết Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2017, sau đó Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT cùng thực hiện. UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT thực hiện đấu thầu quốc tế, lập dự án khả thi.
Hiện, 25/25 thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến và hồ sơ đang trình Chính phủ. Dự kiến đầu tháng 11 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án. Sau đó Đồng Nai mới căn cứ vào đó kiểm đếm, sử dụng tiền để giải phóng mặt bằng.
Số vốn ngân sách dành cho 2 dự án trọng điểm là cao tốc Bắc - Nam phía đông và Sân bay Long Thành là khoảng 78.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Về công việc của Bộ GTVT, ông Thể cho biết từ tháng 1 đến tháng 6, Bộ đã đấu thầu quốc tế lập dự án tổng thể giai đoạn 1. Trong tháng 6 mới ký hợp đồng chính thức lập dự án. Liên danh gồm 5 nhà thầu (3 nhà thầu Nhật Bản và 2 nhà thầu Việt Nam) đang thực hiện khẩn trương công lập dự án.
Dự kiến công tác này hoàn thành vào 7/2019. Trước đó vào tháng 3/2019, việc đánh giá tác động môi trường được hoàn thành và có báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2019.
Có tiền vẫn chưa sử dụng được
Nói về tiến độ của cả 2 dự án trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Nói chung giai đoạn này, chúng tôi tập trung công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, do đó tiền được bố trí nhưng chưa sử dụng được”.
Về tiến độ giải ngân, ông Thể cho biết tháng 11, khi Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai mới sử dụng được 23.000 tỷ đồng.
Về số tiền 55.000 tỷ làm đường cao tốc, ông Thể thông tin tháng 1/2019, Bộ GTVT sẽ bàn giao mặt bằng cho các địa phương, sau đó các địa phương mới chọn từng đoạn đơn giản nhất để lập trước dự án. Nếu được phê duyệt, khi đó hơn 14.000 tỷ cho giải phóng mặt bằng mới được chi trả.
Còn hơn 27.000 tỷ đồng Nhà nước đầu tư làm 654 km đường cao tốc thì dự kiến đầu tư vào 9/2019. Khi đó, Bộ dự kiến đấu thầu chọn nhà thầu trong nước hoặc quốc tế và số tiền 27.000 tỷ mới giải ngân được.
Theo nghị quyết của Quốc hội, số tiền dành cho báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 22.938 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha, trong đó: diện tích đất của dự án sân bay Long Thành là 5.000 ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 282,35 ha, diện tích đất phân khu 3 của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.
Về dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông (dài hơn 650 km), Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư cho giai đoạn một gần 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.
Như vậy, với 2 dự án nêu trên, theo nghị quyết của Quốc hội, trước mắt Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 78.000 tỷ đồng.