Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 5.000 tấn nylon 'nằm ì' trong dự án khu đô thị ở TP Hải Dương?

Việc dừng hoạt động tái chế và ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tập kết 5.000 tấn nylon trong khuôn viên khu đô thị ở TP Hải Dương.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương mới đây đã chủ trì buổi làm việc với nội dung giải quyết tình trạng tập kết nylon phế thải ở Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương).

Buổi làm việc này có sự tham dự của các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính cùng UBND TP Hải Dương, UBND phường Hải Tân, Công ty Cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương và Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương (Công ty Huy Hoàng).

Căn cứ buổi làm việc, khảo sát thực tế và hồ sơ, tài liệu liên quan, Sở TN&MT đã báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Nguyên nhân

Theo báo cáo của Sở TN&MT, việc xử lý rác thải tại bãi rác Soi Nam (phần đất quy hoạch làm khu đô thị) là một hạng mục trong Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers).

Còn Công ty Huy Hoàng là đơn vị được chủ đầu tư lựa chọn làm nhà thầu thực hiện hạng mục này.

vi sao tap ket nylon trong khu do thi ecorivers anh 1

Hàng nghìn tấn nylon chất cao như núi nhân tạo ở cạnh khu đô thị sang trọng bậc nhất TP Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Dương.

Khối lượng ước tính ban đầu cho thấy lượng rác cần xử lý tại bãi rác Soi Nam là gần 300.000 tấn và việc xử lý được thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 6/2018 đến 6/2021).

Năm 2019, Sở Xây dựng thăm dò, xác định khối lượng rác thực tế phải xử lý lên đến hơn 500.000 tấn. Đến nay, việc xử lý khối lượng rác đó cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trong khu vực dự án còn khoảng 5.000 tấn nylon đã qua giặt, rửa, đóng kiện.

Vẫn theo Sở TN&MT, tháng 7/2019, Công ty Huy Hoàng lắp đặt thêm máy sàng và dây chuyền tạo hạt nhựa để tái chế nylon nhằm chủ động trong xử lý, đảm bảo tiến độ đầu tư. Sáu tháng sau, khi khu đô thị có dân cư sinh sống, công ty này phải dừng hoạt động tái chế.

“Việc dừng hoạt động tái chế và ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tập kết nylon sau khi giặt, rửa tại khu vực dự án”, Sở TN&MT nêu.

vi sao tap ket nylon trong khu do thi ecorivers anh 2

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc dừng hoạt động tái chế nylon do có dân cư khu đô thị đến sinh sống dẫn đến tình trạng rác bị tập kết. Ảnh: Nguyễn Dương.

Theo văn bản đề xuất của Công ty Huy Hoàng và báo cáo của Sở TN&MT, doanh nghiệp này muốn thuê lại 10.000 m2 đất trong khu quy hoạch xử lý chất thải tại xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà) hoặc bãi rác Đồng Vọng (TP Chí Linh) để di chuyển 5.000 tấn nylon đến tập kết và chờ phương án xử lý.

Doanh nghiệp đồng thời đề xuất phương án thứ 3 là cho phép thuê đất trong các khu công nghiệp của tỉnh để xây dựng nhà máy sản xuất tái chế hạt nhựa. Các phương án đang được ngành chức năng thảo luận, xem xét.

Cũng trong văn bản báo cáo với UBND tỉnh, Sở TN&MT cho rằng chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết trong việc xử lý lượng rác thải đã chôn lấp tại bãi rác Soi Nam. "Tập kết nylon sau giặt, rửa tại khu vực dự án là không đúng với phương án xử lý đã cam kết vì cần đem đi tái chế", Sở TN&MT nêu.

Từ đó, Sở giao Thanh tra tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, xử lý vi phạm nếu có.

Sở TN&MT Hải Dương cũng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu phía chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với Công ty Huy Hoàng khẩn trương lựa chọn giải pháp, vận chuyển toàn bộ số kiện nylon đến nơi xử lý. Thời gian hoàn thành chậm nhất là ngày 15/5.

Phủ bạt, chờ tỉnh xem xét phương án xử lý rác

Trao đổi với Zing sáng 16/3, ông Phùng Văn Huy, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương, thừa nhận đơn vị gặp những khó khăn như Sở TN&MT đã chỉ ra trong báo cáo dẫn đến việc phải tập kết 5.000 tấn nylon trong khu vực dự án.

Cùng với đó, ông Huy cho hay vì số lượng rác hiện hữu trên bãi tăng gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu và số lượng nylon cũng tăng gấp đôi nên ảnh hưởng đến tiến độ.

vi sao tap ket nylon trong khu do thi ecorivers anh 3

Công ty Huy Hoàng tiến hành dùng bạt che chắn hàng nghìn tấn nylon. Ảnh: H.D.

Về việc Sở TN&MT cho rằng doanh nghiệp không thực hiện đúng tiến độ xử lý rác thải như cam kết, Phó giám đốc Công ty Huy Hoàng phản bác nội dung báo cáo này.

"Khối lượng thực tế của rác thải tăng gần gấp đôi, lên hơn 500.000 tấn đã được tỉnh xác nhận, thì phải gia hạn thời gian cho doanh nghiệp. Trong khi chưa gia hạn, doanh nghiệp đã nỗ lực xử lý xong. Còn việc tồn đọng lượng nylon thì đó là sau quá trình xử lý và đây là nguyên liệu tái chế", ông Huy lý giải.

Thừa nhận việc tập kết 5.000 tấn nylon trong khu vực dự án gây mất mỹ quan đô thị, ông Huy cho hay doanh nghiệp đang triển khai che chắn.

Vị Phó giám đốc cũng cho rằng tỉnh Hải Dương khuyến khích tái chế nylon nhưng không có nhà máy trong đô thị nên chưa xử lý được. "Vì thế, doanh nghiệp đã đề xuất địa điểm. Vấn đề này đang được tỉnh xem xét", ông Phùng Văn Huy nói.

Theo ghi nhận, từ năm 2019, rác thải được tập kết với khối lượng lớn ở cạnh bờ đê và trong khuôn viên Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương. Khu vực này trước đây là bãi chôn rác thải sinh hoạt của thành phố. Khi khu đô thị sinh thái được triển khai, theo quy hoạch, có phần đất của bãi rác Soi Nam.

Sau khi được giao đất, nhà đầu tư cam kết đào lên để thu lại chất thải rắn, khó phân hủy để xử lý. Đến nay, hơn 500.000 tấn rác cơ bản xử lý xong, còn 5.000 tấn nylon vẫn còn tập kết ở khu vực này. Những kiện nylon này đã được sơ chế, hiện không gây mùi hôi.

vi sao tap ket nylon trong khu do thi ecorivers anh 4

Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (chấm đỏ), nơi có núi rác thải. Ảnh: Google Maps.

Núi rác thải nghìn tấn nằm cạnh khu đô thị ven sông ở TP Hải Dương

Núi rác thải hàng nghìn tấn nằm cạnh khu đô thị sinh thái của TP Hải Dương từ cuối năm 2019. Đến nay, lượng rác thải chưa được xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc.

Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm