Nội dung trên vừa được Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) thống nhất dựa trên đề xuất trước đó của Công ty TNHH Môi trường đô thị URENCO.
Theo đó, mưa lớn kéo dài từ ngày 28/10 đến 1/11 với lượng 168 mm khiến các hồ chứa tại bãi rác Nam Sơn không còn chỗ chứa nước, dẫn đến phát sinh sự cố.
Theo đại diện URENCO, đơn vị ghi nhận hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu nước rác ra mặt đường thuộc nội khu xử lý do rác đã nổi lên bằng mặt bờ bao ở hồ sinh học. Hồ 1.1 và 1.2 có tình trạng thẩm thấu nước rác qua thân đê và nước rỉ rác tại ô 6.1 và 6.2. Việc này gây nguy cơ lớn về sạt trượt bờ bao.
Bãi rác Nam Sơn tạm ngừng tiếp nhận rác từ 2/11 để khắc phục sự cố ở hồ chứa rác. Ảnh: Việt Linh. |
Trước tình trạng trên, đơn vị kỹ thuật của URENCO nhận định nếu tiếp tục tiếp nhận rác vào các ô chôn lấp có thể xảy ra sự cố nguy hiểm bờ bao các hồ chứa nước rác, rò rỉ, tràn nước ra môi trường.
Đơn vị sau đó đề xuất và đã được Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thống nhất việc tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác để đảm bảo an toàn cho bãi rác Nam Sơn, phòng ngừa sự cố.
Trong thời gian bãi Nam Sơn tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố, đơn vị chức năng đã xây dựng kế hoạch phân luồng rác của 17 quận, huyện của Hà Nội về Nhà máy Thiên ý (nằm trong khu bãi rác Nam Sơn).
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận hơn 4.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày từ nhiều quận, huyện của Hà Nội để xử lý theo hình thức chôn lấp. Ngoài ra, thành phố còn có bãi rác Xuân Sơn xử lý hơn 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Dù vậy, các ô chôn lấp rác của cả hai bãi trên đang quá tải. Trong tháng 10, bãi rác Xuân Sơn cũng phải ngừng tiếp nhận rác để khắc phục sự cố và hiện đã hoạt động trở lại.
Bãi rác Nam Sơn còn được biết đến với tên gọi Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Rác thải từ nội thành Hà Nội hầu hết đều được chuyển về đây để xử lý.
Sau nhiều năm, bãi rác ngày càng phình to, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần khu vực. Người dân nhiều lần chặn xe rác, yêu cầu chính quyền giải quyết sớm nhưng những khúc mắc trong phương án đền bù, di dời và việc chi trả chậm trễ khiến sự việc kéo dài qua nhiều năm.