Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Sống mòn nơi tận cùng ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn

Khi lều bạt được dọn dẹp, người dân giải tán để các chuyến xe rác tiếp tục ra vào cổng bãi rác Nam Sơn sau 5 ngày phong tỏa. Ông Ngô Văn Quý ngao ngán nhìn những chuyến xe.

SỐNG MÒN NƠI TẬN CÙNG Ô NHIỄM CỦA BÃI RÁC NAM SƠN

Lều bạt được dọn dẹp, người dân giải tán để các chuyến xe rác tiếp tục ra vào cổng bãi rác Nam Sơn sau 5 ngày phong tỏa. Ông Ngô Văn Quý ngao ngán nhìn những chuyến xe hơn 10 tấn đưa rác qua con đường mấp mô ổ gà, để lại những vũng nước rác đen sì, nhớp nháp và hôi thối.

bai rac Nam Son o nhiem anh 1

Sống chung với hôi thối và ruồi bọ

Ông Quý là 1 trong 4.000 nhân khẩu đang sinh sống ở xã Hồng Kỳ, trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m từ bãi rác Nam Sơn. Từ cửa nhà đến chân núi rác chừng 100 m. Làm thế nào để sống chung với mùi hôi thối và ruồi bọ là câu hỏi mà suốt nhiều năm qua các hộ dân như ông phải tự tìm cách trả lời.

"Quần áo thường được phơi trong nhà, vì phơi ở ngoài nhiều ruồi đậu", ông Quý chia sẻ. Nhà ông cũng lắp toàn bộ cửa kính để ngăn ruồi muỗi và mùi hôi thối. Các lỗ thoáng cũng được bịt kín bằng giấy bìa. Ký ức về những trận "bão ruồi" vẫn khiến cả gia đình ám ảnh.

bai rac Nam Son o nhiem anh 2

Kế bên nhà ông Quý là gia đình anh Ngô Văn Huy. Anh Huy có cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1. Những đứa trẻ ở Hồng Kỳ đã biết đến mùi rác từ khi chào đời. Cái mùi thoang thoảng ngửi mãi thành quen, nhưng mỗi khi trời mưa rồi hửng nắng thì trở nên nồng nặc.

Khẩu trang đã trở thành vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Bất cứ khi nào mùi hôi thối xộc lên, cả nhà phải đeo khẩu trang mới chịu nổi.

bai rac Nam Son o nhiem anh 5

"Là cái thuyền thì cũng đẩy đi chỗ khác rồi, nhưng cái nhà không đẩy đi đâu được", ông Chu Văn Ngát nói.

Trưa tháng 7 nắng như đổ lửa, ông Ngát vẫn cặm cụi bên mảnh ruộng mà cỏ lúa mọc xen nhau. Ông bảo cả huyện Sóc Sơn đã thu hoạch vụ lúa chiêm xuân từ đầu tháng 6 mà đến giờ ruộng nhà ông vẫn chưa kết hạt. Ông ở ruộng để cắt cỏ mang về cho bò, không mảy may quan tâm đến những cây lúa còi cọc xô lệch vì vết chân súc vật.

bai rac Nam Son o nhiem anh 6

"Lúa coi như chết rồi, còn con bò phải cố nuôi, không dám cho ra nắng sợ nó chết", lão nông hơn 60 tuổi chia sẻ.

Nhà ông Ngát có 1 cái ao nước đỏ quạch, cá đã chết sạch vì nước ô nhiễm. Ruộng vườn cũng khô nứt nẻ dù ngay cạnh là bờ suối Lai Sơn. Con suối này cách đây vài năm được cán bộ môi trường huyện kết luận ô nhiễm đến mức không thể dùng để tưới tiêu được.

2.000 m2 đất thổ cư của gia đình được chia thành 4 phần cho vợ chồng ông và 3 người con đã tách hộ. Vài tháng trước, huyện đưa ra một quyết định khiến cả gia đình bức xúc: Mỗi hộ chỉ được bồi thường đất thổ cư với diện tích tối đa 400 m2. Diện tích đất sổ đỏ nhà ai vượt con số 400 m2 thì phần vượt thêm chỉ được hỗ trợ. Bức xúc lan rộng bởi rất nhiều hộ dân có đất thổ cư lên tới 1.000-2.000 m2, sổ đỏ đầy đủ.

Hơn 20 năm sống cạnh bãi rác, ăn ngủ sinh hoạt cùng bãi rác, giờ đây mũi của ông Ngát gần như không còn phân biệt được mùi thức ăn, đôi mắt đã hỏng mất một bên luôn đỏ quạch và cay xè mỗi khi bãi rác phun hóa chất khử mùi, diệt ruồi muỗi. "Đời mình gắn bó với bãi rác đã đủ khổ rồi, chỉ mong sớm được di dời sang chỗ ở mới sạch sẽ hơn để thế hệ các con các cháu được sinh sống yên ổn", ông Ngát ngậm ngùi.

Trong cuộc đối thoại với người dân, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã khẳng định quan điểm của thành phố là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích sẽ đúng như thế.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng cho rằng những hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 400 m2 là vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật. Để xảy ra việc này thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Suốt nhiều năm liền, nguyện vọng của người dân quanh bãi rác giống như quả bóng được đá qua đá lại giữa 2 cấp chính quyền huyện và thành phố. Mỗi lần dân phong tỏa bãi rác để đòi tăng mức chi trả, công văn hỏa tốc lại gửi về nườm nượp. TP cho rằng đã chỉ đạo xuống nhưng huyện làm chậm, huyện lại giải thích rằng muốn nâng giá bồi thường phải xin ý kiến TP. "Chúng tôi biết đi chặn xe là phải tội, công an họ cũng dọa bắt. Tôi bảo thà bắt chúng tôi đi đâu ra xa khỏi bãi rác này luôn đi cũng được, còn hơn cứ ở đây", bà Vũ Thị Tam, vợ ông Ngát tâm sự.

Mời phóng viên vào nhà, ông Đào Duy Canh, hàng xóm nhà ông Ngát, đưa ra một tập công văn hỏa tốc với đủ mốc thời gian. "Làm gì cũng phải có điểm dừng, chúng tôi thường chặn xe vài hôm đến khi có công văn chỉ đạo về là lại giải tán", ông tâm sự.

bai rac Nam Son o nhiem anh 11

Hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn có không ít những ngôi nhà vô chủ. Chủ nhân của chúng bắt buộc phải rời bỏ mảnh đất quê hương đã gắn bó suốt bao thế hệ, những cơ ngơi được xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt để tháo chạy đi tìm miền đất mới để bảo vệ cho sức khỏe của các thế hệ tương lai.

Người dân tiếp tục nuôi hy vọng sau mỗi lần dỡ lều bạt cho xe rác ra vào, để rồi lần chặn xe rác tiếp theo lại cho thấy hy vọng của họ đã chuyển thành thất vọng. Nhiều người nói vui rằng những công văn hứa hẹn từ trên gửi về chỉ có chức năng giải tán đám đông.

bai rac Nam Son o nhiem anh 14

Rác hết chỗ chôn

Từ trên cao nhìn xuống, bãi rác Nam Sơn như một dãy núi thu nhỏ với những gam màu đan xen. Màu đen và xanh của những ụ chôn lấp đã kịch trần cao độ 39 m, phải phủ kín bằng vải bạt. Màu trắng là của những khối rác mới được đưa đến, phải phủ vôi bột và hợp chất posi-shell để giảm mùi.

Cách xử lý rác thâm dụng diện tích này khiến bãi rác ngày càng phình rộng, sau hơn 10 năm đã tiến sát các khu dân cư. Đơn vị quản lý bãi rác đang vận hành những ô chôn lấp rác cuối cùng trước khi phải đóng bãi vào cuối năm 2020 vì không thể chứa được thêm.

bai rac Nam Son o nhiem anh 15
bai rac Nam Son o nhiem anh 16

Theo thống kê năm 2019, TP Hà Nội thải ra 6.500 tấn rác thải mỗi ngày. 90% số rác này được đưa về 2 bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây). Bãi rác Nam Sơn hiện tiếp nhận tối thiểu 4.500 tấn rác/ngày. Bãi rác Xuân Sơn chỉ tiếp nhận 1.400 tấn rác/ngày nhưng có những ngày phải đón đến 5.000 tấn rác do bãi rác Nam Sơn bị phong tỏa.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chôn lấp rác thải là một phương pháp xử lý đã lỗi thời, lạc hậu. Các quốc gia tiên tiến đã hạn chế và tiến tới dừng hẳn công nghệ xử lý này từ nhiều năm trước.

Ông Tùng cho rằng chừng nào Hà Nội còn chôn lấp rác thải theo cách này, những mâu thuẫn, xung đột với người dân xung quanh câu chuyện ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục diễn ra. Để chuyển đổi công nghệ chôn rác lạc hậu, TP Hà Nội đang xúc tiến các dự án điện rác như dự án Điện rác Sóc Sơn 4.000 tấn/ngày, dự án Điện rác Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngảy, dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày. Đến nay mới có dự án Điện rác Sóc Sơn nhìn thấy ngày về đích.

bai rac Nam Son o nhiem anh 22

Nhà máy điện rác và lời hứa hẹn không ô nhiễm

"Rác trong tương lai sẽ không còn chôn lấp, không còn mùi hôi, không còn ô nhiễm nước", ông Lý Á Quân, Giám đốc Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý, nói khi dẫn phóng viên tham quan công trường dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày.

bai rac Nam Son o nhiem anh 23

Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ với 3 tổ máy tuabin hơi nước. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính hoạt động của nhà máy và bán điện cho cơ quan điện lực quốc gia. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng.

Công trường dự án rộng hơn 17 ha, nằm giữa khuôn viên Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. 400 công nhân đang làm việc khẩn trương để kịp thời hạn vận hành vào cuối năm. Chủ đầu tư dự án cho biết công trình đáng lẽ phải vận hành vào tháng 10 nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiến độ bị lùi lại.

bai rac Nam Son o nhiem anh 24
bai rac Nam Son o nhiem anh 25

Dự án này gây choáng ngợp bởi công suất xử lý rác được chủ đầu tư khẳng định là 4.000 tấn/ngày. Lãnh đạo dự án giải thích đây là khối lượng rác khô đã qua phơi sấy tách nước. Như vậy nếu tính lượng rác ướt vận chuyển vào sẽ khoảng 5.000 tấn/ngày, bằng lượng rác mà bãi rác Nam Sơn đang tiếp nhận.

Theo dự báo, diện tích chôn lấp rác tại Nam Sơn sẽ hết vào cuối năm nay. TP Hà Nội đã ký hợp đồng bao tiêu xử lý rác với chủ đầu tư dự án nhà máy điện rác, đồng thời đôn đốc tiến độ dự án để kịp đưa quy trình đốt rác phát điện vào thay cho chôn lấp.

bai rac Nam Son o nhiem anh 26

Ông Lý Á Quân cho biết quá trình đốt rác sẽ sinh ra lượng điện 75 MW mỗi ngày. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán lượng điện này cho EVN để hòa vào lưới điện quốc gia.

Theo quy trình, rác từ thành phố vận chuyển về sẽ đổ vào 2 bể chứa rác và ủ từ 5 đến 7 ngày để tách hết nước rỉ rác. Hệ thống cẩu gắp sau đó sẽ đưa rác vào các lò đốt.

bai rac Nam Son o nhiem anh 31

Chủ đầu tư cho biết quá trình đốt rác sẽ sản sinh khoảng 20-24% khối lượng xỉ. Các kim loại trong tro xỉ sẽ được tách riêng để tái sử dụng, phần xỉ còn lại được tận dụng làm vật liệu xây dựng, lót đường. Đối với nước rỉ rác, chủ đầu tư khẳng định quy trình xử lý của nhà máy có thể khiến nước trong đến mức uống được.

Bên cạnh những nhà máy điện rác phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, TP Hà Nội vẫn đang xúc tiến những bãi chôn lấp rác ở nhiều huyện ngoại thành. Hầu hết dự án này đều chậm tiến độ, vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng vì mới nghe đến xây bãi rác thôi người dân địa phương đã lo lắng và kịch liệt phản đối.

Không ai muốn quê hương mình trở thành Nam Sơn thứ 2. Quá trình tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ đất đai ruộng vườn cho các dự án xử lý rác sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi công nghệ vẫn dừng lại ở chôn lấp hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm.

bai rac Nam Son o nhiem anh 34

Việt Linh - Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm