Tại hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sáng 1/11, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban QLATTP), đã thống kê nhiều thành tích sau 3 năm hoạt động và đề xuất được nâng cấp lên thành sở.
Nhiều ý kiến của các lãnh đạo TP cùng sở ban ngành đều tán đồng đề xuất này và yêu cầu Sở Nội vụ sớm thực hiện hồ sơ xin chuyển đổi để đề xuất lên Chính phủ.
Muốn Ban ATTP sớm thành sở
Theo bà Lan, dù Ban được giao nhiệm vụ của cơ quan tương đương cấp sở nhưng luật hiện hành không quy định cơ chế hoạt động cụ thể cho thanh tra cấp ban. Do đó, Ban không thể hoạt động theo mô hình của thanh tra sở mà chỉ có thể duy trì hình thức thanh tra chuyên ngành như cấp chi cục.
Thiếu biên chế, nhân lực, khó khăn trong tuyển dụng là những bất lợi được chỉ ra. Đặc biệt, bà Lan nhấn mạnh khó khăn trong chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý hình sự.
“Vi phạm an toàn thực phẩm khác gì đầu độc con người. Nhưng các chế tài hiện tại chưa đủ tính răn đe và rất ít trường hợp bị xử lý hình sự dù Điều 314 Bộ luật Hình sự đã quy định”, bà Lan thông tin.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ủng hộ kiến nghị nâng cấp Ban QLATTP lên thành Sở An toàn thực phẩm. Ảnh: Quang Huy. |
Ủng hộ đề xuất của ban, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ với những khó khăn trong 3 năm hoạt động. Ông Phong đề nghị Sở Nội vụ sớm hoàn thiện quy trình xin chuyển đổi ban thành sở đề trình UBND TP cùng Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/12/2019, ngày hết hạn thí điểm của Ban QLATTP. Theo đó, Sở ATTP TP sẽ chịu sự quản lý chuyên môn của 3 bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tán thành kiến nghị trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, mong muốn quy trình nâng cấp lên thành sở sớm hoàn thiện để ban không bị gián đoạn hoạt động.
Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, hơn 62% bị kiểm tra không đạt yêu cầu
Tại hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra vướng mắc trong quy định mới năm 2018 của Chính phủ (Nghị định 15/2018/NĐ-CP) cho phép các doanh nghiệp tự công bố sản phẩm với chủ trương giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm.
Sau khi Nghị định 15 được áp dụng, số hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp tăng từ xấp xỉ 17.600 lên hơn 56.000. Tuy nhiên, TP không thể hậu kiểm toàn bộ mà chỉ có thể kiểm tra 1.705 cơ sở, trong đó, số cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chiếm tới 62,5%.
Một cơ sở "hô biến" thịt heo nái thành thịt bò bị cơ quan chức năng phát hiện tại Bình Thuận. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo Ban ATTP nêu số liệu 9 tháng cuối năm 2017, TP không xảy ra vụ ngộ độc nào có quy mô trên 30 người. Năm 2018, TP xảy ra 3 vụ ngộ độc với 77 người mắc, không có trường hợp tử vong. Tính đến tháng 6/2019, toàn TP có 1 vụ ngộ độc với 24 người mắc và không có trường hợp tử vong.
Trong 2 năm (2017-6/2019), các đoàn thanh kiểm tra cả 3 cấp của TP đã thanh kiểm tra hơn 111.000 cơ sở, phát hiện vi phạm hơn 29.000 cơ sở (chiếm 26,2%), xử phạt hơn 9.000 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61,8 tỷ đồng (trung bình 6,77 triệu đồng/cơ sở).