Sử nhà Nguyễn được Quốc sử quán của triều đình ghi chép trong hai bộ sử chính thống là Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện. Bên cạnh đó, bộ Quốc sử di biên do Đình nguyên Phan Thúc Trực chép có giá trị đặc biệt được các nhà nghiên cứu đánh giá "không có quyển sách nào hơn được" đối với những người muốn nghiên cứu sử ký về triều Nguyễn.
Tranh vẽ Phan Thúc Trực. Ảnh: báo Nghệ An |
Vị quan mười lần thi đỗ Tú tài
Phan Thúc Trực (180-1852), còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, hiệu là Hành Quý, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, quê ở làng Vân Tụ, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Sách Đại Nam liệt truyện, chính biên viết về ông như sau: "Tổ bốn năm đời của Phan Thúc Trực đều đỗ Hương cống triều Lê. Cha là Vũ gặp lúc Lê Mạt, ẩn dật học tập. Đầu niên hiệu Gia Long, ông nhiều lần lên trường quây trướng dạy học, kinh sử thường ngày từng đọc thuộc lòng, người ta đều tôn là bậc học rộng. Thúc Trực ở nhà học cha, thông minh, xem rộng, nổi tiếng hay chữ. Hồi lâu đi thi Hương luôn bị quan trường đánh hỏng. Trực bèn lấy chân Tú tài sung cống sinh vào học Trường Quốc tử giám".
Phan Thúc Trực thi đậu Đầu xứ từ năm 16 tuổi, nhưng 10 khóa liên tiếp chỉ đỗ Tú tài, nên được Hội Văn của huyện Đông Thành tặng đôi câu đối:
“Nhất cử thành danh thiên hạ hữu/ Thập khoa liên trúng thế gian vô”.
Nghĩa là:
“Một lần thi đậu Cử nhân thiên hạ đã có người như vậy/ Mười khoa thi đều trúng thế gian chưa từng có ai”.
Dù vậy, do chưa đạt học vị Cử nhân nên mãi đến tuổi 40, ông vẫn chưa có cơ hội được dự kỳ thi Hội ở kinh đô. Thầy dạy của ông ở Diễn Châu đã phải than thở rằng: "Phan tử tài, cử nhân bất túc, Tiến sĩ hựu dư" (Tài năng như trò Phan, mặc dù không đỗ Cử nhân nhưng lại thừa sức đỗ Tiến sĩ).
Phải đến khi được tuyển vào học ở Quốc tử giám, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, đạt danh hiệu Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ đệ tam danh, là ngôi vị đứng đầu các kỳ thi Đình thời đó (tương đương Thám hoa thời trước), nên được gọi là Đình nguyên. Ông là người xứ Nghệ đầu tiên đỗ Đình nguyên dưới triều Nguyễn.
Ngày vinh quy bái tổ, vua ban cho tấm biển “Khôi đa sỹ” (Người đỗ đầu xuất sắc trên nhiều nho sĩ). Ban đầu, ông được bổ làm Hàn lâm viện Trước tác. Tự Đức năm đầu (1848) được vào Nội các, rồi thăng Tập hiền viện Thị độc sung Kinh diên khởi cư chú.
Ở gần vua, ông có nhiều cơ hội được vua sai làm thơ văn đối đáp, luôn được vua khen ngợi. Năm 1851, ông vâng chiếu đi Bắc kỳ tìm kiếm sách vở xưa còn lại. Năm sau xong việc ông về tới Thanh Hoá thì ốm chết, được truy thụ Thị giảng học sĩ.
Cũng theo chính sử triều Nguyễn, xưa ở quê Thúc Trực ở có dải sông Cẩm Giang, hàng năm nước lụt, làm cho nhiều đồng ruộng bị lầy đọng, cỏ rả, không cày cấy được. Phan Thúc Trực, sau khi đỗ về, giúp dân đào cừ, đắp đập. Từ đó chứa nước, tháo nước thuận tiện dân được nhờ. Sau khi ông mất, người trong ấp nhớ ơn, lập đền thờ…
Quốc sử di biên - bộ sử đáng giá về đầu triều Nguyễn của Phan Thúc Trực. |
Tác giả bộ sử đáng giá
Mất sớm khi mới 44 tuổi, nhưng Phan Thúc Trực vẫn để lại một số tác phẩm đáng giá như hai cuốn sử Quốc sử di biên và Trần Lê ngoại truyện, cùng các nghiên cứu về địa chí phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, các tập thơ văn...
Quốc sử di biên là bộ sách ghi chép các sự kiện xảy ra trong giai đoạn 1802-1847, trải qua ba đời vua đầu triều Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; đề cập đến nhiều phương diện như: chiếu dụ, pháp lệnh, ngoại giao, xã hội, tập tục, nhân vật...
Tên sách có chữ "di biên", tức là ghi chép những sự kiện lịch sử còn sót lại mà bộ sử triều đình vì nhiều lý do khác nhau chưa biên chép.
Nhiều vấn đề có trong Quốc sử di biên, mà Đại Nam thực lục không chép. Điển hình như Đại Nam thực lục chỉ chép về việc năm 1838, đời vua Minh Mạng "đổi quốc hiệu thành Đại Nam", trong khi Quốc sử di biên chép năm Gia Long thứ 11 (1812): "Lấy lại quốc hiệu là Đại Việt".
Hoặc: "Năm Minh Mạng thứ nhất, mùa thu, tháng 7, lái buôn Minh Hương dâng thuốc phiện cho Bắc thành Tổng trấn. Tổng trấn hút thuốc phiện say đến 5, 6 ngày không tỉnh, bỏ bê cả việc quan, Việc ấy đến tai vua. Vua xuống chiếu cấm thuốc phiện. Lái buôn nào chứa thuốc phiện thì phải tội".
Do bản thân tác giả từng phục vụ trong nội các triều đình, từng giữ chức Thị giảng ở Viện Tập hiền và Kinh diên khởi cư trú nên rất am hiểu về các sự việc trong nội bộ triều Nguyễn, điều đó càng làm tăng thêm mức độ tin cậy của thông tin.
Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực ghi chú nhiều chỗ, liên quan đến các sự thật lịch sử, lại có thêm phần Tham bổ ngoại truyện, dẫn người đọc đến tác phẩm khác của ông là Trần Lê ngoại truyện.
Nội dung của Quốc sử di biên bao quát rộng rãi và phong phú, ngoài những tư liệu mang tính quan phương, còn không ít tư liệu do tác giả sưu tầm qua các chuyến đi thực tế ở các địa phương, vì thế đây là nguồn "dã sử" đáng được chú ý. Quốc sử di biên tuy ghi chép theo lối biên niên, nhưng lời văn sinh động và xen lẫn nhiều thơ nên hấp dẫn người đọc.
Cuối sách tác giả còn có kê cứu tất cả tên các cung điện, đài, lầu các của hoàng gia tại kinh thành Thuận Hóa, mục lục ngự chế thi văn của vua Thiệu Trị..., như một từ điển thu nhỏ về kinh thành Huế thời ông sinh sống.
Dù vẫn còn có những sự kiện chép chưa chính xác, chép nhầm hoặc thiếu... có thể do Phan Thúc Trực mất đột ngột nên chưa kịp rà soát, biên tập lại, nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng, để nắm đủ thông tin về lịch sử triều Nguyễn, bên cạnh đọc Đại Nam thực lục, vẫn rất cần tìm hiểu và đối chiếu qua Quốc sử di biên.
Bộ Quốc sử di biên đã được Tổ biên dịch Viện Sử học dịch năm 1968 theo bản in bằng chữ Hán năm 1965 của Hong Kong, Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính, NXB Văn hóa thông tin in năm 2009.
Đến năm 2006, Viện Nghiên cứu Hán Nôm dựa vào văn bản chữ Hán viết tay lưu trữ tại Viện, đã tổ chức biên dịch lại, TS Nguyễn Thị Oanh giới thiệu và biên dịch cùng ThS. Nguyễn Thị Hường - ThS. Nguyễn Tô Lan. Sách đã được NXB Khoa học Xã hội xuất ấn hành năm 2010.