Buổi tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện Franz Kafka Festival 2018 mang tên "Franz Kafka: Cuộc đời và di sản" diễn ra trong Không gian Văn hóa Đông Tây tại Hà Nội cuối tuần qua.
Tham gia buổi tọa đàm có dịch giả Đinh Bá Anh - người đã chuyển ngữ thành công tác phẩm Thư gửi bố, Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Phạm Lê Hoàng Minh, nhà văn trẻ Lê Huy Hoàng. Các diễn giả cùng chia sẻ về cuộc đời cũng như văn chương, tư tưởng của Franz Kafka thông qua các mối quan hệ trong gia đình, bè bạn và tình yêu, và đặc biệt là qua ba “cột trụ” tác phẩm: Lâu đài, Vụ án, Hóa thân.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm "Franz Kafka: Cuộc đời và di sản". |
Cuộc đời nghịch lý như văn chương
Dịch giả Đinh Bá Anh cho rằng Franz Kafka sống giữa những co kéo của lịch sử và những biến động xã hội ở thời của mình.
Kafka sinh năm 1883 trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức ở Praha, Cộng hòa Séc, trước đây thuộc đế quốc Áo Hung. Từ nhỏ, Kafka đã có niềm khao khát mãnh liệt với văn chương nhưng điều đó là bất khả trong mắt của cha ông, người kỳ vọng con trai trở thành trụ cột vững chãi trong gia đình. Vì thế, Kafka viết văn chỉ trong lúc rảnh rỗi với một mặc cảm tội lỗi và mặc cảm đó đeo đẳng ông trong suốt các văn phẩm của mình.
Franz Kafka sống cuộc đời lặng lẽ với gia đình, làm những việc nhiệm sở hoàn toàn dưới tầm của mình, chỉ xuất bản một số truyện ngắn và tản văn không tạo được dấu ấn đáng kể. Ông để lại di nguyện cho người bạn thân Max Brod tiêu hủy những gì mình viết, bao gồm cả các tác phẩm dang dở và những thư từ vì “đó là cách duy nhất tôi có thể vứt bỏ nỗi lo âu khôn nguôi rằng tôi đang cố gắng thể hiện điều không thể diễn tả” (trích lá thư gửi cho Max Brod).
Nhưng rất may là di nguyện đó đã không được thực hiện, để rồi cả nhân loại đã biết đến Kafka, biết đến một cây viết nhiệt thành, một linh hồn lớn như thế từng tồn tại. Franz Kafka cùng với Marcel Proust và James Joyce được đánh giá là ba gương mặt đóng góp lớn nhất cho văn chương thế kỷ 20 và biểu thị toàn vẹn tinh thần thời đại.
Tác phẩm của Kafka đều mang một đặc trưng: nói về một phần u tối trong dải “quang phổ cảm xúc” của con người; nó đặc trưng tới mức, giới phê bình đặt cho một cái tên đặc biệt: Kafkaesque (kiểu Kafka).
Các tác phẩm của Franz Kafka bao trùm trong bầu không khí, ấn tượng, cảm giác rất riêng biệt, xuất hiện với tần suất lớn như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Trong bầu không khí Kafkaesque đó, các nhân vật bị ném vào một cơn ác mộng, các mối đe dọa, những thế lực phi nhân, cảm giác đánh mất bản thể, tội lỗi, sợ hãi cũng đan cài, tỏa khắp.
Một sinh viên đến từ ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn chia sẻ: “Đọc Kafka như bị ném vào một vòng xoáy của những mê cung. Trong mê cung khôn cùng đó, đôi khi ta như tìm gặp được lối thoát, nhưng hóa ra không phải, chỉ là ta đang bước sâu hơn vào mà thôi. Những tiểu thuyết của Kafka không chỉ hấp dẫn, cuốn hút mà còn giúp độc giả khám phá tâm hồn và tìm ra chân lý của riêng mình".
Cuốn sách tập hợp những bức thư của Kafka được coi là chiếc chìa khóa để hiểu thêm về con người cũng như văn chương của ông. |
Chiếc chìa khóa giúp tiếp cận Kafka
Làm thế nào để hiểu một gương mặt lớn của thế kỷ 20 nhưng cũng là một gương mặt đầy nghịch lý? Dịch giả Đinh Bá Anh gợi ý rằng tự truyện Thư gửi bố có thể giúp độc giả có một hình dung sắc nét về cuộc sống cũng như công việc sáng tác của nhà văn, đồng thời là chìa khóa giải mã những tác phẩm vốn đa nghĩa của ông.
Một bức thư bắt đầu như thế này: “Bố yêu quý. Gần đây bố có hỏi con, tại sao con quả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ, con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lý giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói.”
Chủ đề trung tâm của Thư gửi bố là mối quan hệ cha con, trong đó người cha đóng vai trò là một quyền lực tối cao được biện hộ đơn thuần bằng tính chính danh miễn tranh cãi do vị thế tự nhiên của người cha là kẻ sinh thành và nuôi dưỡng người con. Thứ quyền lực dựa trên cảm tính và tín điều chứ không dựa trên lý lẽ khiến tâm lý và tính cách người con bị biến dạng, méo mó, điều này ánh xạ trong các nhiều tác phẩm của Kafka.
Ấn tượng về quyền lực hiện hữu, bủa vây khắp nơi nhưng không thể tìm gặp, không tồn tại cụ thể trong những gì Kafka viết. Như trong tác phẩm Lâu đài, hình ảnh tòa lâu đài quyền lực vô song là hình ảnh huyền thoại về tổ chức quan liêu với những sợi dây vô tình trói buộc hầu hết cuộc đời mỗi con người. Thiết chế quyền lực đó không chỉ giăng ra vô số cánh tay bóp nghẹt đời sống, khiến không gian sống riêng tư của các nhân vật biến mất mà còn quy định trạng thái sống, hành vi ứng xử và cách nghĩ của tất cả mọi người.
Ý niệm về một phán quyết khủng khiếp, độc đoán là “hằng số” trong các tác phẩm hư cấu của Kafka. Nó xuất hiện sắc nét nhất trong tiểu thuyết dang dở Vụ án. Trong tác phẩm này, nhà văn đã phát triển rộng ra từ hình ảnh người cha đến một bộ máy pháp lý khổng lồ với các quan tòa, luật sư, bảo vệ và những thủ tục hành chính rợn ngợp. Khi Joseph K. bị bắt vào buổi sáng ngày sinh nhật thứ 30, anh không được nói anh bị buộc tội gì. Sau đó, K. càng ngày càng lún sâu vào một mê lộ không lối thoát và cuối cùng bị xử tử dù vẫn không biết nguyên nhân vì đâu.
Kafka - một trong ba gương mặt văn chương lớn của thế kỷ 20. |
Tính thiêng và tính tiên tri trong di sản của Kafka
Dịch giả Đinh Bá Anh nhấn mạnh 2 điều làm nên sự vĩ đại của các tiểu thuyết Kafka. Trước hết, văn ông giàu “tính thiêng” dù không viết về chủ đề tâm linh, tôn giáo. Kafka như một vị thánh từ trên cao vén mây nhìn xuống, quan sát thế giới, xâm nhập vào cơ chế xã hội và bằng trực cảm văn chương thiên tài của mình. Ông phô bày, hiển lộ những sự thực trong cuộc sống.
Ông “tiên tri” không phải theo nghĩa có thể dự đoán được những biến cố xã hội trong tương lai mà thực ra ông đưa ra ánh sáng những cơ chế tồn tại ở cấp độ vi xã hội của con người, không ngờ rằng hàng trăm năm sau, lịch sử lại tiến hóa, hay không tiến hóa theo những gì văn chương ông phản ánh.
Trong một bức thư gửi một người bạn học tên là Oskar Pollak, Kafka viết: “Nếu một cuốn sách không làm ta thức tỉnh như một cú đánh vào đầu thì đọc để làm gì nữa?... Một cuốn sách phải như một cây búa đập vỡ đại dương băng giá trong mỗi chúng ta". Những gì ông để lại cho hậu thế thực sự là những cây búa rúng động, đáng sợ và chính xác nhất đã từng được viết ra trong văn chương nhân loại.
Chuỗi sự kiện Franz Kafka Festival 2018 diễn ra từ ngày 5/3 đến 14/4 tại Hà Nội. Đây là cơ hội đặc biệt dành cho các độc giả và những người yêu văn chương nghệ thuật có cơ hội khám phá di sản văn học, triết học độc đáo mà nhà văn để lại cho nhân loại với nhiều hoạt động đa dạng như: góc trưng bày và giới thiệu tác phẩm “Kafka’s corner”, chuỗi triễn lãm “Kafka - hành trình đến với độc giả Việt Nam”, tọa đàm về cuộc đời, văn nghiệp của Kafka, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi viết “Kafka với chúng ta”, hội thảo khoa học...
Đến với buổi tọa đàm "Franz Kafka: Cuộc đời và di sản", Đại sứ quán toàn quyền Cộng hòa Séc, ngài Vítězslav Grepl chia sẻ cảm xúc vui mừng khi thấy rất nhiều gương mặt trẻ xuất hiện và tham gia. Trong bài diễn văn đầu chương trình, ông cũng đưa ra lý giải riêng về nguyên nhân tại sao Kafka vẫn được đón đọc rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên rất nhiều nước trên thế giới
Theo ông, “Kafka không chỉ viết về một giai đoạn lịch sử hay về những vấn đề chính trị cụ thể. Ngòi bút của ông hướng đến nhân loại và bản thể con người. Những văn phẩm của ông có sự liên quan xuyên suốt trong bất cứ thời điểm lịch sử nào hay thậm chí là thế kỷ nào. Ông đặt ra những vấn đề xã hội có tầm quan trọng lâu dài. Thực ra, tâm lý con người thay đổi rất chậm theo thời gian, và đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn cảm thấy gần gũi với các nhân vật và đồng nhất bản thân với chính bản thân Kafka và những tác phẩm của ông".