Triển lãm "Sưu tập - thú chơi của người phong lưu" đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM đã trưng bày nhiều vật phẩm quý hiếm như sách xưa, gốm Thành Lễ, quạt Marelli,...
|
Ngày 19/3 vừa qua, triển lãm đặc biệt mang chủ đề "Sưu tập - thú chơi của người phong lưu" đã được khai mạc tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như trưng bày các vật phẩm quý hiếm gồm nhiều chủ đề như sách xưa, phụ bản tranh xưa, gốm mỹ thuật Thành Lễ, các bản nhạc tờ tiền chiến và quạt Marelli. |
|
Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện này được tổ chức vào sáng 25/3. Đó là buổi giao lưu, chia sẻ những câu chuyện xung quanh các vật phẩm xưa cũng như quá trình sưu tập được chúng, đến từ các nhà sưu tầm uy tín như luật sư Nguyễn Anh Tuấn (người thứ hai, từ phải sang), Nguyễn Đức Huyên (người ngoài cùng bên phải) và Trần Hoài Thơ (người ngoài cùng bên trái). |
|
Đây cũng là lần đầu tiên, quạt Marelli - một thương hiệu quạt nổi tiếng của Ý, vốn được người Hà Nội hết sức ưa chuộng trong nửa đầu thế kỷ trước, được mang ra trưng bày với số lượng lớn tại một triển lãm ở Việt Nam. |
|
Tại buổi giao lưu, anh Trần Hoài Thơ (chủ nhân của bộ sưu tập quạt Marelli) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về trào lưu sưu tầm quạt cổ. Anh cho biết: "Hơn một năm trước, tôi có duyên tiếp xúc với chiếc quạt cổ đầu tiên và bắt đầu mày mò nghiên cứu về lĩnh vực này. Mỗi chiếc quạt phản ánh trình độ văn minh và những nét đặc trưng tinh tế của từng quốc gia sản xuất". |
|
"Có rất nhiều hãng sản xuất nổi tiếng như Éon, Calor của Pháp, Émi của Hà Lan nhưng Marelli của Ý vẫn được ưa chuộng nhất và được coi là vua của các loại quạt vì đặc tính bền hiếm có, kiểu dáng đẹp với lồng quạt được uốn từ chất liệu đồng tinh tế", anh Thơ cho hay. Quạt Marelli thâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, nhưng phải đến năm 1920, khi nhà máy điện Yên Phụ được người Pháp xây dựng hoàn tất thì loại quạt này mới dần phổ biến và trở thành đồ vật văn minh không thể thiếu trong đời sống thị thành. |
|
Nguyễn Hoàng Yến (24 tuổi), ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những chiếc quạt điện xưa. Bạn chia sẻ cảm thấy rất bất ngờ và ấn tượng trước sự tinh tế của những vật phẩm đã có tuổi đời lên đến hàng trăm năm nhưng vẫn được bảo quản và còn hoạt động tốt. Trước nay, Yến chỉ có thể thấy hình ảnh những chiếc quạt như thế này trong các bộ phim xưa. |
|
Bên cạnh đó, triển lãm còn dành một không gian khá lớn để trưng bày bộ sưu tập về gốm mang tên "Hình tượng Việt Nam trên gốm mỹ thuật Thành Lễ", đến từ nhà sưu tầm Nguyễn Đức Huyên. |
|
Gốm Thành Lễ được ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong thời điểm rực rỡ nhất của gốm mỹ thuật Việt Nam. Theo anh Huyên, gốm Thành Lễ thật sự là sự kết tinh trong bối cảnh chung của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, đồng thời có ảnh hưởng của nghệ thuật toàn cầu. Thông qua hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba, áo dài, hay hình ảnh con lân trong văn hoá Việt, gốm Thành Lễ đã đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. |
|
Ngoài ra, không gian trưng bày bộ sưu tập nhạc tờ với chủ đề "Nhạc tình tiền chiến" là nơi tập trung khá đông khách tham quan đến thưởng lãm. |
|
Bộ sưu tập tập hợp một số các ấn phẩm nhạc tờ được ấn hành hơn 60 năm về trước, thời kỳ mà các nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ nổi tiếng như Đặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương,... được ra mắt với độc giả lần đầu tiên. |
|
Mỗi tờ nhạc là một bức tranh đẹp mắt, được các hoạ sĩ vẽ minh hoạ và in ấn thủ công, phần nào cho chúng ta thấy được đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam ngày xưa. |
|
Bên cạnh đó, bộ sưu tập tranh chủ đề "Bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở", gồm gần 30 bức tranh về người cao nguyên vùng Đà Lạt của hoạ sĩ Bùi Văn Dưỡng, ấn hành tại Đà Lạt vào năm 1955, cũng nhận được nhiều sự chú ý từ khách tham quan. Đây là một bộ tài liệu ghi chép hình ảnh dân tộc học quý giá về cộng đồng dân tộc thiểu số ở cao nguyên Lang Biang. |
|
Đặc biệt, bức tranh vẽ chân dung học giả, nhà sưu tầm Vương Hồng Sển được vẽ bởi họa sĩ Tạ Tỵ trên chất liệu màu nước năm 1965, cũng được trưng bày trang trọng tại Quán Sách Mùa Thu trong khuôn khổ triển lãm lần này. Tạ Tỵ là một hoạ sĩ rất nổi tiếng vào thế kỷ trước, với nhiều tác phẩm được triển lãm không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều bảo tàng, viện nghệ thuật trên toàn thế giới. |
|
Một ấn phẩm không thể bỏ qua nữa tại triển lãm lần này là cuốn sách Kim Vân Kiều tân truyện, được xuất bản vào những năm 1884-1885, của học giả Đông phương học người Pháp Abel des Michels, với hai cuốn song ngữ Việt-Pháp và một cuốn chữ Nôm. Chính bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện đã đánh dấu lần đầu tiên, Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi giới hạn của không gian văn hóa Việt Nam. |
|
Ông Lê Hoàng (giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM) chia sẻ: "Các hoạt động trong tuần lễ này chuyên chở niềm mong mỏi của ban tổ chức về tình yêu dành cho sách và các văn hóa phẩm giá trị, như cách các nhà sưu tầm đã say mê và gìn giữ biết bao hiện vật, ấn phẩm hay. Ngay từ bây giờ, chúng ta cũng cần nên biết cách lưu giữ và bảo tồn bao giá trị đáng quý trong đời sống văn hoá tinh thần cho thế hệ sau". |
sách xưa gốm mỹ thuật thành lễ quạt marelli tại triển lãm ở đường sách
Đường sách
sách xưa
gốm mỹ thuật thành lễ
nhạc tiền chiến
quạt marelli
sưu tập thú chơi của người phong lưu