Năm 2015, Minh Thi bắt đầu khóa học Thạc sĩ về Truyền thông Toàn cầu tại Đại học Westminter tại thành phố London nhờ học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh. Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh, cuốn sách của cô mới được xuất bản được xem là “hiện thực hóa một lời hứa” mà cô tuyên bố trong hồ sơ xin học bổng Chevening: “viết một cuốn sách về nước Anh”.
Đó là nước Anh trong mắt một kẻ si tình...
Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh là một tác phẩm tự do với nhiều thể loại khác nhau, vừa có phần giống du ký – thể loại vốn thịnh hành gần đây ở các tác giả trẻ; vừa như một cuốn hồi ký, tự truyện của riêng cô sau một năm học tập và sinh sống ở nước Anh; nhưng Minh Thi không đơn giản kể lại những cảm xúc của mình mà ở tác phẩm này, cô còn dày công nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa để đưa ra nhiều nhận định sắc bén về tính cách, ứng xử, thói quen, sở thích của người Anh.
Vừa chủ quan, cảm tính qua những trải nghiệm cá nhân, vừa chịu khó tìm tòi, nghiên cứu qua phim ảnh, văn chương, báo chí; ngoài phần cảm xúc có phần nồng nhiệt, bay bổng, lãng mạn; những nhận định của cô vừa trực quan sinh động vừa phần nào hài hước, thâm thúy, tính cách mà phần nào cô bị “ô nhiễm” bởi người Anh, hoặc có lẽ do tình yêu lớn mà cô dành cho đất nước này mà chỉ đến khi rời khỏi đất nước này, cô mới cảm nhận đầy đủ được sự tiếc nuối và day dứt: “Cũng như một số người quá say mê trong tình yêu khiến mọi người tưởng như họ biến mất, tôi đã chìm đắm trong cuộc sống London náo nhiệt và trong tình yêu với thành phố ấy, đến mức hầu như không thể viết về cuộc sống đó. Chỉ khi đã trở về quê hương, tôi mới có thời gian và năng lượng để hồi tưởng, suy ngẫm và đặt bút.”
Cô viết tiếp: “Đối với nước Anh, tôi vừa say mê, ngưỡng mộ, vừa có vài phần oán giận. Ngày tôi rời nước Anh, lòng tôi tràn ngập nỗi buồn. Cuộc chia tay ấy đã để lại trong lòng tôi một vết thương. Vẫn biết ngày này sẽ tới, nhưng tôi chưa sẵn lòng rời xa.”
Cô khao khát: “Tôi ước gì mình có thời gian vô hạn để thỏa mãn sức khám phá London, để trở thành một gã Sherlock Holmes thứ hai, một con “ma xó” tỏ tường từng ngóc ngách chốn đô thành chộn rộn. Mỗi lần thoáng thấy những hình ảnh của thành phố ấy trên phim, tim tôi như thắt lại.”
Thứ tình cảm ấy, chắc chắn chỉ có ở những kẻ si tình.
Sách Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh của tác giả Minh Thi. |
Gã đàn ông "nước Anh" lạnh lùng nhưng mê đắm
Cuốn sách được chia ra nhiều chương khác nhau và có nội dung khá độc lập. Mỗi chương chia sẻ, khảo cứu một vấn đề khác nhau.
Trong những chương đầu, cô dành nhiều tình cảm và những trải nghiệm cá nhân cho nước Anh nói chung hay thành phố London nói riêng. Đó là thứ tình cảm nồng nhiệt. Minh Thi cho rằng có có hai cách ta nhìn các thành phố, theo như nhà văn Orhan Pamuk. “Cách thứ nhất là nhìn từ bên ngoài của du khách, của người nước ngoài tìm đến chiêm ngưỡng những tòa nhà, di tích, di sản của thành phố. Cách thứ hai là cách nhìn từ bên trong: ta nghĩ về những căn phòng ngủ, những hành lang, những khu vườn, rạp chiếu và văn phòng; ta nghĩ về nó như một thành phố làm từ ánh sáng, mùi hương và sắc màu gắn với những ký ức của riêng ta.” Và cô thấy mình may mắn khi được nhìn vào London cả từ bên ngoài và bên trong.
Cô say sưa chìm đắm trong mối tình với London đến mức bao âu sầu và cô đơn cũng chỉ là tâm trạng “thứ cấp” phù phiếm. Cô “đơn phương” mối tình lớn ấy đến nỗi đã thốt lên rằng: “Tôi quá yêu cuộc sống này, đến mức tôi có thể tiếp tục sống mà có hoặc không có tình yêu.”
Và trong mắt của kẻ si tình, mùa nào ở London cũng đẹp. “Bởi vì trong lòng tôi, London đã là một mối tình.”
“Bằng những thanh âm rộn rã của lễ lạt tưng bừng, bằng cả sự im lìm của đêm tối, bằng da thịt run rẩy của những ngày đông rét mướt, bằng cái nhìn của một người đàn ông Anh cao tuổi chĩa vào tôi trên tàu điện, bằng cả niềm rạo rực hay nỗi buồn trong trái tim tôi. Ngay cả khi đã rời khỏi, tôi vẫn không ngừng yêu nó. Nhất là sau khi đã rời khỏi nó. Tôi chưa từng day dứt vì đâu nhiều hơn thế.”
Và khi đã yêu một thành phố, một đất nước, một nơi chốn nào đó, người ta thường thích so sánh, nhân cách hóa và thậm chí “giới tính hóa” cho nó. Minh Thi không phải là ngoại lệ. Cô cho rằng London không lãng mạn, duyên dáng và ngọt ngào như Paris, mà toát lên một vẻ cao ngạo đầy xa cách. “Nếu như tôi thường nghĩ về Paris như một quý bà đỏm dáng yêu kiều, thì tôi luôn hình dung London như một quý ông lạnh lùng. Và tôi thích nghĩ rằng vẻ đẹp ‘lạnh’ ấy dành cho tôi.”
Cô say sưa thể hiện tình yêu với London và nước Anh đến mức ở phần cuối, trong chương “Một chuyện tình” khá lãng mạn kể về tình yêu của cô với một chàng trai người Anh, tôi cũng có cảm giác rằng, mối quan hệ “hữu hình” ấy cũng chỉ là một “đối tượng” để cô khảo cứu về tính cách người Anh hay một “công cụ” để cô thể hiện tình yêu “vô hình” mà cô dành cho đất nước này mà thôi. Ngay cả khi cô viết có vẻ mùi mẫn: “Trước khi chia tay và cả sau đó nữa, tôi đã khóc rất nhiều. Lượng mưa một năm ở London có lẽ chỉ nhiều hơn chút đỉnh so với lượng nước mắt mà tôi đã rơi vì mối tình đó”, tôi vẫn nghĩ rằng đó là thứ tình cảm “đánh tráo” . Bởi trong mối tình “hữu hình” đó, cô là kẻ chủ động và hoàn toàn “tỉnh táo”, còn trong tình yêu “si tình” với nước Anh, cô chỉ là kẻ yêu đơn phương với một mối tình vô vọng.
Tác giả trong những ngày sống và học tập tại Anh. |
... Nhưng si tình một cách tỉnh táo
“Có người bảo, tôi quá ‘thiên vị’ nước Anh. Làm sao có thể không thiên vị đất nước đã cấp học bổng cho mình đến học? Thế nhưng ngay cả khi thiên vị như thế, tôi vẫn ý thức được sự nghiệt ngã của cuộc sống nơi đây. Sự phân biệt giai cấp và địa vị ngấm ngầm. Sự lạnh lùng, giữ ý đối với người nhập cư. Cái giá lạnh của những ngày đông u ám dai dẳng...”
Sau những chương đầu kể về tình yêu “si tình” của mình khi chìm đắm trong một nước Anh bằng xương bằng thịt, Minh Thi cũng bắt đầu tỉnh táo để nhận ra hai mặt của thành phố này. Nước Anh trong mắt cô vừa hào phóng, nồng hậu nhưng cũng lạnh lùng và khắc nghiệt, thậm chí tham lam tráo trở hoặc cay nghiệt. Nhưng là một người làm báo và đi nhiều, cô hiểu rõ quy luật của cuộc sống và chấp nhận tính hai mặt đó của bất cứ vùng đất nào. Và quan trọng hơn, chúng không cản trở cô tận hưởng nó.
Trong những chương có tính cẩm nang du lịch hoặc tư vấn cho người đọc, Minh Thi là một “tour guide” đáng tin cậy dẫn dắt ta đến những điểm cần khám phá hoặc thăm thú London một cách sâu sắc hơn, đặc biệt là những điểm văn hóa, nghệ thuật, bảo tàng mà chắc các tour du lịch kiểu cưỡi ngựa xem hoa sẽ bỏ qua. Cô giới thiệu những rạp chiếu phim nghệ thuật, những vở diễn mà cô thưởng thức ở sân khấu WestEnd, Nhà hát kịch Quốc gia, những lần vào sân vận động Wembley, công viên Victoria, viện bảo tàng Tate Modern, hiệu sách Waterstones, các quán cà phê và nhà hàng quen thuộc của cư dân London.
Cô say sưa tận hưởng và khám phá vẻ đẹp của đời sống văn hóa muôn màu ở London và dẫn lời của văn sĩ Anh Samuel Johnson để minh chứng cho niềm đam mê và khao khát tận hưởng của mình: “Nếu ai đó thấy chán London, thì tức là người ấy đã chán sống, bởi tất cả những gì cuộc đời này trao tặng đều có thể tìm thấy được ở London”.
Trong chương Có một London dưới lòng đất, Minh Thi dẫn dắt người đọc chui xuống lòng đất để trải nghiệm một London của tàu điện ngầm, một mạng lưới công trình đồ sộ có lịch sử hơn 150 tuổi để khám phá không chỉ những trạm trung chuyển hàng triệu người London mỗi ngày, mà còn là sân khấu của các nghệ sĩ đến kiếm sống và mua vui, là kênh truyền thông hiệu quả của các tờ báo, là nơi để ngắm các cặp đôi tình nhân, ngửi mùi đô thị, chiêm ngưỡng thời trang hay quan sát những cư dân của thành phố đa sắc tộc...
Một trong những chương thú vị nhất của cuốn sách là chương bàn về Tính cánh người Anh. Qua khảo cứu từ các tác phẩm văn chương kinh điển như Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen đến hiện đại như Trên bãi biển Chesil của Ian McEwan; qua những bộ phim nổi tiếng như Bốn đám cưới và một đám ma đến Yêu thực sự; qua những cuốn sách nghiên cứu của nhà nhân sách Kate Fox đến những bài báo nhận định của tờ Guardian..., Minh Thi đưa ra rất nhiều nhận định thú vị và sắc sảo.
Ví dụ như “ý thức rõ rệt về giai cấp và tính cách kín đáo của người Anh thường đi kèm thói quen kiềm chế cảm xúc và đôi khi khiến họ bị ‘thiểu năng giao tiếp’”. Cô dẫn lời của Colin Firth, ngôi sao điện ảnh người Anh từng đoạt giải Oscar từng bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn: “Vì tôi là một người Anh, phần lớn thời gian trong cuộc đời tôi thấy mình trong tình trạng xấu hổ”, rồi đưa ra nhận xét táo tợn: “Nghĩ về tính cách bẽn lẽn này của người Anh, tôi tự hỏi: liệu có phải vì thế mà họ bị mang tiếng là một dân tộc lạnh lùng? Nói khái quát một chút, thì dường như người Mỹ từ nhỏ đã được dạy dỗ để luôn tỏ ra chan hòa, nồng ấm (cho dù bản chất họ có thể khác xa), còn người Anh thì ngay từ thơ bé đã mắc tính cả thẹn rồi, và tính cách này có nguy cơ kéo dài đến... cuối đời.”
Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh vừa là một cuốn du ký, tự truyện đầy cảm xúc thể hiện “mối tình si” của Minh Thi với London nhưng đồng thời là một cuốn khảo cứu văn hóa với nhiều nhận định sắc bén và thú vị ít nhiều mang màu sắc nghiên cứu và học thuật về nước Anh, từ tính cách, thói quen ứng xử đến “dân tộc tính” của người Anh thông qua sự kiện Brexit mới đây.
Đây chắc chắn là một cuốn sách nồng nhiệt và nhiều cảm hứng dành cho những bạn đọc trẻ tuổi!