Những bức ảnh giàu cảm xúc về nhiều vùng đất từng đặt chân tới của Tâm Bùi đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều bạn trẻ dấn thân.
Từng làm cộng đồng mạng dậy sóng với 3 bộ ảnh Gà trống, Gà mái và Daydreamers, Tâm Bùi không còn là cái tên quá xa lạ. Nhưng với những hình ảnh được ghi lại trên chuyến đi của nhiếp ảnh gia, travel blogger tài năng này, người xem lại thấy một Tâm Bùi hoàn toàn khác.
- Anh từng chia sẻ trong cuốn sách “Bụi đường tuổi trẻ” rằng luôn có thiết bị Kindle đồng hành trong mỗi chuyến đi và duy trì đọc 2 cuốn sách mỗi tháng, tại sao vậy? Việc đọc có ảnh hưởng như thế nào đến hành trình trưởng thành của anh?
- Việc đọc sách quan trọng như thế nào thì chắc ai cũng biết rồi. Sách là người thầy, sách là kho tàng kiến thức. Sách mở ra cho chúng ta biết bao nhiêu chân trời mới mẻ.
Có người dành cả đời để hoàn thành một quyển sách, bao nhiêu trải nghiệm được nén lại trong đó. Và chúng ta, người đọc, thật quá may mắn khi chỉ trong một thời gian ngắn có thể thừa hưởng trải nghiệm cả đời của người khác chỉ bằng cách đọc sách.
Sau mỗi quyển sách hay, tôi lại có nhiều thay đổi về nhận thức của mình. Nên việc đọc sách là một điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi quý khoảng thời gian 30 phút trước lúc đi ngủ lắm, vì lúc đó, khi mọi công việc đã được sắp xếp gọn gàng, tinh thần thật thư thái, tôi dành cho sách.
Tôi vẫn thích cảm giác lật từng trang sách hơn là cầm một chiếc máy đọc sách. Nhưng công việc lại hay di chuyển nên việc mang một quyển sách dày cộp theo bên mình dường như là điều quá khó. Nên tôi chọn một chiếc Kindle để chứa tất cả những quyển sách mình yêu thích và trở thành một người bạn thân của tôi khắp mọi nẻo đường.
Mỗi ngày, chúng ta đôi khi có nhiều khoảng thời gian chết rất bị động như chờ đợi ai đó, chờ đến lượt mua vé tàu hay di chuyển trên máy bay cho những quãng đường dài. Những lúc như vậy, tôi lấy chiếc Kindle ra để đọc.
- Đọc những chia sẻ của anh về giai đoạn hoang mang những năm 20 tuổi, vật vã giữa những mối tình và rồi tìm lại bản thân, dường như anh là một người đa cảm?
- Theo lá số tử vi thì tôi là người có khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt. Mà thường những người như vậy rất đa sầu đa cảm, dễ vui dễ buồn.
Bản tính này do trời sinh nên tôi cũng chẳng giải thích được. Cái hay của nó là mình rất nhạy cảm với cái đẹp, nhưng cái dở là mình có vẻ là “nô lệ” của cảm xúc.
Những cảm xúc vui đến với mình thì còn đỡ, nhưng những lúc buồn thì đúng là vật vã. Nên tôi vẫn đang tập cách sống để chế ngự bớt những cảm xúc tiêu cực, phát huy những cảm xúc tích cực để cuộc sống được nhẹ nhàng hơn.
- Anh từng chia sẻ về việc "nuôi cảm xúc" cho mỗi bộ ảnh của mình, điều này cụ thể như thế nào?
Khi bắt đầu có ý tưởng về một điểm đến hoặc một concept chụp ảnh, tôi đọc thật nhiều thông tin về nó để mình hiểu thật tường tận. Từ đó tôi hình dung trong đầu mình từng hình ảnh mà mình sẽ thể hiện, cách nhân vật xuất hiện ra sao và cảm xúc của họ lúc đó như thế nào.
Để không quên, tôi hay viết lại hoặc phát thảo những ý tưởng vào quyển sổ tay luôn mang theo bên mình, hoặc ngay cả việc ghi chú vào điện thoại cũng là một cách.
Tôi tìm kiếm thêm những trường phái nghệ thuật thị giác gần với cái mình muốn thực hiện để tham khảo, hoặc tìm thêm những bài nhạc mà mình cho rằng nó diễn tả đúng cái tinh thần của bộ ảnh. Ngay cả tìm thêm những mùi hương thể hiện đúng cái không gian nghệ thuật mà mình muốn xây dựng lên cũng là một cách để tạo cảm hứng.
Nói chung, tôi vận dụng hết các giác quan để đẩy cảm xúc của mình lên cao nhất trước khi thực hiện một bộ ảnh.
- Với việc di chuyển liên tục trong những cuộc hành trình, anh làm gì để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho việc chụp ảnh?
- Sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng. Việc đi quá nhiều dễ làm chúng ta rơi vào tình trạng mệt mỏi. Mà khi đã mệt mỏi thì chẳng làm gì được cả. Nên bảo toàn sức khỏe là điều quan trọng nhất mà tôi quan tâm mỗi khi lên đường.
Trong những chuyến đi quá dài, giai đoạn đầu là lúc ta luôn háo hức vì còn sung sức và cảm xúc còn mới mẻ. Nên lúc này tôi chú ý không phung phí sức lực của mình. Chia lịch trình ra thật nhỏ, chừa đúng các khoảng nghỉ ngơi giữa hành trình để hồi sức.
Sức khỏe tốt thì tâm trạng 90% sẽ ổn, 10% còn lại để dành cho những bất trắc trên đường có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến mình.
Tôi đi với một tâm thế lạc quan nhưng không chủ quan, tìm hiểu trước đường đi nước bước nhưng không nhất thiết phải theo sách vở 100% để chào đón những bất ngờ mà hành trình ban tặng cho mình.
- Với 3 bộ ảnh từng gây chú ý, những cảm xúc từ người xem thường là "buồn", "nghẹt thở" nhưng những tấm ảnh từ cuốn "Bụi đường tuổi trẻ" dường như có nhiều thay đổi. Phóng khoáng, tràn đầy sức sống và "tự do". Những biến chuyển này có xuất phát từ chính bản thân tâm trạng của anh?
- Những bộ ảnh này là những đứa con tinh thần của tôi, chúng được sinh ra từ mình và tất nhiên, nó phản ảnh đúng từng giai đoạn của đời sống mình.
Gà Trống và Gà Mái phản ảnh giai đoạn bế tắc trước đây của tôi. Nhưng tôi không nhìn nó dưới cái nhìn bi quan mà trong mỗi bộ ảnh đều có lối thoát, đều có những tia hy vọng. Còn Bụi Đường Tuổi Trẻ là một giai đoạn rất khác.
Tôi cảm thấy ngoài tình yêu đôi lứa ra, chúng ta còn quá nhiều tình yêu khác lớn lao hơn. Tôi vượt thoát khỏi tư duy bó hẹp để hòa mình vào một tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên rộng lớn.
Tôi nhận thấy việc một con người được một lần ngao du khám phá địa cầu, ngôi nhà mà chúng ta đang ở, là việc rất cần làm ngay bây giờ và ở đây.
Hiểu được đất Mẹ, chúng ta sẽ tự khắc hiểu hơn bản thể của mình. Lúc đó những khủng hoảng tự khắc được giải quyết.
- Đã có khoảnh khắc nào mà anh nghĩ rằng hình ảnh hay ngôn từ cũng không thể lột tả hết được vẻ đẹp lúc đó không?
- Quá nhiều là đằng khác.
Nên tôi vẫn luôn chia sẻ với bạn bè mình rằng, những trải nghiệm phải được chính mình thực hiện chứ không thể để người khác làm thay.
Mỗi người có 1 lăng kính khác nhau, cảm nhận khác nhau nên khó mà diễn đạt lại hết bằng hình ảnh, lời nói để người khác cảm nhận hết được. Và đặc biệt, thiên nhiên lại có những khoảnh khắc, khung cảnh mà chỉ mắt thường mới thu vào được, còn máy ảnh hoặc từ ngữ chỉ là phụ họa. Nên chúng ta phải lên đường thay vì ngồi nhà xem qua mạng xã hội.
- Anh có cho rằng nghệ sĩ cần phải “đốt cháy” bản thân mình mới có thể cho ra đời những tác phẩm xuất sắc? Và điều này có đúng với anh không?
- Tôi hiểu “đốt cháy” tức là sống sâu, sống chậm và sống quyết liệt, đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ vì tất nhiên cuộc sống không cho ai tất cả.
Được cái này, mất cái kia, điều quan trọng là mình biết cái nào làm mình hạnh phúc mà sống hết mình với nó. Còn những thứ có cũng được, không có cũng không sao thì mình đừng quá bận tâm.
Nghệ thuật cần đam mê và quyết liệt, không cần sự thỏa hiệp, vì thỏa hiệp luôn tạo ra những kết quả lờ lợ, mang tư duy đám đông.
Nghệ thuật luôn đến từ cái cá nhân cực đoan nhất.
- Anh tốt nghiệp ngành Đông phương học và trong những nơi mà anh chọn đi có những “cái nôi văn hóa của thế giới”, có mối liên hệ nào ở đây không?
- Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chọn một công việc trái ngành và nghĩ là chắc sẽ không có cơ hội vận dụng lại những kiến thức đã học ở trường. Nhưng may mắn là công việc hiện tại đang giúp tôi đi sâu hơn và thực tế hơn ngành học của mình, nhưng với một lăng kính khác chứ không phải góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa.
Khoa Đông phương tôi học ngày xưa là nơi quy tụ các ngành nghiên cứu về những nền văn hóa lớn của phương Đông rất hấp dẫn như Trung Quốc học, Ấn Độ học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học…
Lúc học thì mình chỉ được học lý thuyết và chỉ được chọn 1 quốc gia để theo. Còn hiện tại, công việc giúp tôi tiếp cận một cách thực tế, trực quan sinh động những nền văn minh lớn đó.
Thực tế luôn hấp dẫn và có nhiều cái khác so với sách vở. Và một điều đặc biệt là nó đi vào trí nhớ của mình một cách tự nhiên và không thể nào phai. Còn chỉ ngồi một chỗ học bài thì hôm nay nhớ nhưng ngày mai có thể chẳng còn gì trong đầu. Nên trải nghiệm là một cách học mang lại hiệu quả cao nhất.
Tất nhiên, đối với một người chưa được đào tạo qua ngành Đông phương học, thì tôi có ưu thế hơn về kiến thức nền và phương pháp tiếp cận. Nhưng công việc của tôi hiện tại cái cần nhất vẫn là tâm hồn và gu thẩm mỹ.
Những thứ khác có thể học được, nhưng tâm hồn và gu thẩm mỹ là cái trời cho.
Tâm Bùi là một nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tự do. Sinh ra tại vùng sông nước Hậu Giang nhưng Tâm Bùi dành phần lớn thời gian trưởng thành và phát triển sự nghiệp của mình tại Sài Gòn. Tốt nghiệp ngành Đông phương học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, anh có một thời gian dài làm việc trong ngành quảng cáo trước khi tìm thấy niềm đam mê nhiếp ảnh.
Những bức ảnh của anh rất có hồn, mang lại cho người xem nhiều cảm xúc và liên tưởng tới những câu chuyện đa dạng trong cuộc sống. Năm 2015, Tâm ra mắt 3 bộ ảnh Gà trống, Gà mái và Daydreamers kể về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của những người trẻ xung quanh anh: Một người Mẹ đơn thân, Một người Cha đơn thân và Một Cặp đôi đồng tính nam. Bộ ảnh đã được tập hợp thành một cuốn sách ảnh và gây tiếng vang cũng như rất nhiều phản hồi tích cực thời điểm đó.
Hiện nay, Tâm Bùi còn được biết đến như một travel blogger với những bức hình lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp về các vùng đất trên thế giới. Cuốn sách thứ 2 của anh, Bụi đường tuổi trẻ đã xuất bản tập đầu tiên vào năm 2017. Khác với những cuốn du ký thông thường, sách là một bản hòa ca nhịp nhàng giữa ngôn từ và hình ảnh. Tập thứ 2 dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019.