Tưởng như chỉ là chuyện xảy ra trên phim ảnh, nhưng những cuộc chiến giành giật ngôi vị "thái tử", khiến huynh đệ tương tàn lại đang phổ biến trong xã hội có phần trọng lễ giáo của Hàn Quốc. Mới đây, cuộc chiến tại Lotte đã khiến một giám đốc điều hành bị đẩy khỏi ban lãnh đạo tâp đoàn, biến chủ tịch thành bù nhìn, và chính phủ thậm chí còn phải tổ chức một phiên điều trần cho những vấn để xảy ra trong chaebol này.
Vì sao tại phương Tây, anh em một nhà có thể chia sẻ quyền điều hành, nhưng điều này ở các nước châu Á, nhất là Hàn Quốc, lại hầu như không thể?
Shin Dong-bin cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo, nhưng khẳng định quyết tâm sẽ ngồi lên chiếc ghế cao nhất của Lotte. Ảnh: AP. |
Theo New York Times, là một xã hội rất coi trọng lễ giáo, người Hàn Quốc đề cao quan hệ gia đình, cũng như thứ bậc. Ở Hàn Quốc, con trai sẽ được ưu tiên nhận quyền thừa kế việc kinh doanh của gia đình. Và nếu so sánh thứ bậc gia đình với sự trọng vọng khi đứng đầu một tập đoàn lớn, đó lại là hai chuyện khác nhau.
"Hầu như không có tập đoàn nào không bị rung chuyển trong cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các 'hoàng tử chaebol'. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi người kế vị chính thức ngồi lên chiếc ghế quyền lực. Thế nên, có lẽ các ông chủ Samsung và Hyundai lại may mắn vì họ chỉ có một người con trai. Các nhà đầu tư thích những công ty Hàn Quốc có kế hoạch cho người kế vị thật minh bạch", giám đốc trung tâm nghiên cứu luật và kinh tế tại Seoul, Lee Ji-soo, chia sẻ.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, tỷ lệ sở hữu trung bình của những gia đình điều hành 10 chaebol lớn nhất tại nước này chỉ là 2,7%. Tuy nhiên, người đứng đầu các tập đoàn sẽ được coi như những ông vua, nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trong một mối quan hệ sở hữu chéo đầy phức tạp. Chủ tịch tập đoàn cũng sẽ được phép quyết định ai sẽ là người ngồi lên chiếc ghế lãnh đạo trong những công ty trực thuộc.
Lotte là một ví dụ điển hình. Mạng lưới sở hữu chéo của công ty này rắc rối đến nỗi, nếu nhìn qua, chúng không khác gì một bát mì. Sự phức tạp nhằm giảm thiểu nguy cơ tập đoàn bị thôn tính, nhưng cũng đẩy công ty đến khó khăn, nếu bất cứ một mắt xích nào gặp trục trặc về tài chính.
Chủ tịch các tập đoàn thường giấu quyết định về người nối nghiệp đến tận cuối đời. Trong thời gian chờ đợi, trước sự hấp dẫn của khối tài sản hàng chục tỷ USD, các anh em trong một nhà sẵn sàng theo dõi, giám sát, cáo buộc và kiện nhau ra tòa về tội làm giả chúc thư. Những đấu đá, tranh chấp liên miên, thậm chí kéo dài vài thập kỷ, qua mấy đời thay ghế chủ tịch, như trong gia đình Hyundai những năm 2000 hay Samsung của thập kỷ 80.
Câu chuyện của Lotte - tập đoàn với doanh thu 79 tỷ USD - có lẽ sẽ vẫn kéo dài. Bởi đến nay, dù tiếm quyền cha và nhận vô số chỉ trích, cũng như từng công khai xin lỗi vì những hành động của mình, Shin Dong-bin - người con thứ của Chủ tịch Lotte - vẫn được nhiều cổ đông ủng hộ.
Những người ủng hộ Dong-bin cho rằng, anh trai ông là một lãnh đạo không đủ năng lực, tố cáo Dong-joo đã "tẩy não" cha mình và kết bè cánh trong công ty, trong khi từng bước triển khai kế hoạch kinh doanh dưới quyền quản lý của Dong-bin.
Không nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng Shin Dong-joo sẽ không từ bỏ cuộc chiến tranh giành vương quyền với em trai mình. Ảnh: NYT. |
Trong khi đó, Dong-joo từng tung ra đoạn video có sự xuất hiện của Chủ tịch Lotte - ốm yếu, mệt mỏi khi ngồi trên xe lăn và đọc bài diễn văn được chuẩn bị trước, để lật mặt người con trai thứ hai. "Shin Dong-bin không có thẩm quyền và không thể biện minh cho hành động của mình. Tôi không bao giờ bỏ qua việc nó đang loại trừ tôi ra khỏi Lotte Group, tập đoàn mà tôi đã xây dựng trong 70 năm", Chủ tịch Lotte ngập ngừng nói trong đoạn video.
Trả lời tờ Korea Times, một lãnh đạo giấu tên của Lotte, cho rằng, chiến thắng sau cùng có lẽ sẽ nằm trong tay Shin Dong-bin. Bởi mảng kinh doanh tại Hàn Quốc trong tay Dong-bin đang phát triển mạnh, còn các hoạt động tại Nhật Bản của Dong-joo lại cực kỳ trì trệ. Kết quả này sẽ đánh dấu mối hận thù muôn đời trong tình anh em của gia tộc Lotte.
"Cuộc chiến giờ không còn gói gọn trong mâu thuẫn giữa Dong-bin và Dong-joo, mà đã lan sang cả những thành viên khác, trong đó có Shin Young-ja, con gái cả và là thành viên hội đồng quản trị của Lotte Foundation", vị này nói.
"Nếu Dong-bin muốn có toàn quyền kiểm soát, ông cần thuyết phục cha mình cho thêm cổ phần, đồng thời phải mua lại vốn trong các công ty chính của tập đoàn, nhất là Lotte Holdings, cổ đông lớn nhất của Lotte Hotel".
Tại cuộc họp báo ở Seoul vào tháng 8, Dong-bin đã cúi đầu xin lỗi trước truyền thông. "Chuyện này xảy ra, bởi trong khi Lotte phát triển, cơ cấu sở hữu đã không được cải thiện còn quản lý thì thiếu minh bạch. Tôi vẫn tôn trọng cha mình, nhưng việc quản lý công ty phải tách biệt với gia đình", Shin Dong-bin tuyên bố.