Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị đắng của chiếc bánh ngọt di động Việt

Buổi tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức cho thấy một góc tấn bi kịch của thị trường di động Việt.

Vị đắng của chiếc bánh ngọt di động Việt

Buổi tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức cho thấy một góc tấn bi kịch của thị trường di động Việt.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) – đơn vị được coi là tâm điểm của đề án tái cấu trúc thị trường viễn thông đã không tham dự. Thậm chí, ngay cả đại diện truyền thông của VNPT cũng không xuất hiện tại buổi tọa đàm.

Trước đó, giới truyền thông rất kỳ vọng về sự có mặt của VNPT tại buổi tọa đàm được Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) đánh giá là “rất có nghĩa, trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam đang ở bước ngoặt của sự phát triển”. Câu hỏi VNPT sẽ đưa ra lý lẽ gì cho đề xuất sáp nhập MobiFone-VinaPhone là điều được hàng chục triệu người tiêu dùng chờ đợi và đó cũng là lý do giới truyền thông mong chờ có thông tin từ tập đoàn này.

Thị trường thông tin di động Việt Nam đang ở bước ngoặt của sự phát triển

Thế nhưng, kể từ khi đề xuất của VNPT được gửi lên Bộ Thông tin Truyền thông, tập đoàn này không có bất cứ một phát ngôn chính thức nào về lý do sáp nhập. Một lãnh đạo của tập đoàn này từng “mau miệng” đưa ra những lý do nhưng sau đó lại nói rằng đó là ý kiến cá nhân và không chính thức. Tâm sự với phóng viên, ông này cho biết, việc sáp nhập đơn giản là để bảo vệ “nồi cơm” của VNPT vì mảng thông tin di động chiếm tới 90% lợi nhuận của toàn tập đoàn.

Về lý do không có mặt tại buổi tọa đàm, môt lãnh đạo của VNPT chia sẻ: “Tâm điểm của thị trường di động đang là đề xuất sáp nhập VinaPhone-MobiFone. Trong khi các lãnh đạo cấp cao nhất còn chưa biết sẽ nói thế nào với công chúng thì những người khác làm sao dám phát biểu? Mà đi tọa đàm này có tới hàng chục các cơ quan thông tấn lớn cả truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo viết, lỡ xảy miệng một cái thì rất mệt. Tốt nhất là không tham dự”.

Chỉ vài năm trước đây, VNPT còn là biểu tượng của sự hùng mạnh của tập đoàn nhà nước với lợi nhuận cả chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, ít người biết rằng, bên trong tập đoàn hùng mạnh đó có nhiều cá thể ốm yếu và làm ăn không hiệu quả; 90% lợi nhuận dựa vào 2 mạng di động là MobiFone và VinaPhone. Chính vì thế, khi có quyết định phải cổ phần hóa MobiFone và có thể phải bán tới 80% mạng này cho cổ đông bên ngoài thì VNPT đứng trước nguy cơ mất “cần câu cơm chính”.

Cũng vì thế, việc tìm mọi cách để có thể giữ lại “con gà đẻ trứng vàng” là điều dễ hiểu xét trên góc độ lợi ích cục bộ VNPT nhưng lại khó chấp nhận với bức tranh toàn cảnh của việc tăng tốc đổi mới các tập đoàn nhà nước. Tâm trạng của một người rất muốn giữ “cục vàng” nhưng lại không thể, thật là khó chịu. Miếng bánh ngọt di động của VNPT trước đây giờ bắt đầu có vị đắng.

Trong khi đó, trường hợp của Vietnamobile với 2 nhà đầu tư là Hanoi Telecom và Hutchison Telecom lại có những điểm thú vị khác. Có mặt rất đông tại buổi tọa đàm của Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam, 2 tổ chức này tranh nhau phát biểu đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phải bảo vệ những nhà mạng nhỏ, để “đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”.

Tổng điều hành Vietnamobile - bà Elizabete Fong đứng trước thách thức rất lớn

Chưa hết, ngay cả một đơn vị hỗ trợ pháp lý cho những tổ chức này đi dự tọa đàm “ké” cũng tranh thủ lên tiếng hộ thân chủ với việc đả phá việc tập trung kinh tế cho những mạng di động lớn. Tuy nhiên, chốt sau cùng, vị giám đốc công ty luật (ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật Ban Mai Việt Nam) luôn có câu kết với nội dung: Cần phải bảo vệ cho Vietnamobile để giữ thị trường luôn cạnh tranh.

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương lưu ý là cần phải bảo vệ áp lực cạnh tranh chứ không phải là những người chơi trên thị trường. Ý kiến này của Tiến sĩ Thành cũng nhận được sự ủng hộ của ông Phạm Hồng Hải – Cục trưởng Cục Viễn thông. Ông Hải còn nói thêm là việc sáp nhập, đào thải trong một thị trường viễn thông cạnh tranh cao là sự phát triển bình thường. Điều quan trọng là phải giữ cho các người chơi trên thị trường tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải bảo vệ ai.

Cách đây vài năm, khi “đổ bộ” vào Việt Nam với thương hiệu HT Mobile cùng đối tác Việt Nam, Hutchison Telecom của tỷ phú giàu nhất châu Á - Lý Gia Thành (Li Ka-sing) kỳ vọng vào một “mỏ vàng” của thị trường di động: VinaPhone, MobiFone luôn lãi hàng nghìn tỷ, Viettel mới gia nhập cũng đã có lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, “mỏ vàng” thì chưa thấy mà thương hiệu HT Mobile đã phải “dẹp tiệm”. Sau khi chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM với thương hiệu mới Vietnamobile, Hutchison Telecom đã đổ vào Việt Nam hơn 1 tỷ USD mà cơ hội kiếm lời chẳng thấy đâu. Thị phần của mạng này cộng với S-Fone, Beeline không đến 5%.

Theo các chuyên gia về viễn thông, khả năng để Vietnamobile có thể thay đổi thế cờ là gần như không thể bởi thế “chân vạc” (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đã an bài. Nhìn vào việc VimpelCom, SK Telecom phải rút khỏi Việt Nam “không kèn, không trống”, người ta có thể dự đoán số phận của Hutchison Telecom trong một tương lai không xa.

Trong buổi tọa đàm chiều 12/9 của Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam, tiếng “kêu cứu” của các đại diện Vietnamobile dù thảm thiết nhưng không thể trở thành tiêu điểm của việc chống độc quyền nữa. Thị trường thông tin di động Việt Nam đang rất cạnh tranh và không còn “ngọt” như trước. Đối với nhiều người, miếng bánh ngọt trước đây đang có vị đắng nghét.

Hoàng Ly

Theo Infonet

Hoàng Ly

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm