Hé lộ kịch bản vụ sáp nhập VinaPhone – MobiFone
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin Truyền thông đã tiết lộ kịch bản cho đề xuất sáp nhập VinaPhone – MobiFone của VNPT.
Chiều 12/9, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?". Tại buổi trao đổi này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, hiện nay là thời điểm có tính bước ngoặt của thị trường viễn thông khi mà quá trình đào thải những “người chơi” không đủ điều kiện tồn tại diễn ra rất quyết liệt.
“Đây cũng là quá trình phát triển bình thường mà tất cả thị trường trên thế giới đều phải trải qua”, ông Hải đưa ra nhận xét này khi nói về vụ sáp nhập giữa Viettel và EVN Telecom cũng như sự rút lui của Beeline, khó khăn của S-Fone. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết, vấn đề quan trọng nhất với thị trường viễn thông nằm ở lĩnh vực di động khi mà doanh thu từ lĩnh vực này chiếm tới 90%. Cũng vì thế, việc đảm bảo duy trì và tăng cường cạnh tranh trong mảng thông tin di động được đặt lên hàng đầu, ông Hải khẳng định.
Sáp nhập VinaPhone - MobiFone là "điệp vụ bất khả thi" |
Xuất hiện khá đông tại tọa đàm, đại diện của Hanoi Telecom, Hutchison Telecom, Vietnamobile và cả đối tác pháp lý của họ liên tục đưa ra các ý kiến về cạnh tranh không bình đẳng. Bà Elizabete Fong, Tổng điều hành Vietnamobile và Tổng giám đốc Hanoi Telecom – Trịnh Minh Châu đều cho rằng, các mạng nhỏ trong đó có Vietnamobile đang bị mạng lớn chèn ép.
“Nếu như việc tập trung kinh tế dồn cho các mạng lớn và trên thị trường chỉ có 2 ông lớn thì bóng ma độc quyền đang quay trở lại. Chính sách của Bộ Thông tin Truyền thông cần phải bảo vệ mạng nhỏ, những người mới gia nhập thị trường”, bà Trịnh Minh Châu đề xuất.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương lại chia sẻ quan điểm, vấn đề của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông không phải là bảo vệ các công ty trên thị trường mà phải bảo vệ và duy trì áp lực cạnh tranh. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, biện pháp tốt nhất để duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường viễn thông là đẩy nhanh cổ phần hóa các mạng di động. “Điều này không phải là để kiếm tiền của nhà đầu tư mà là tạo ra đối tác chiến lược từ bên ngoài và gia tăng cạnh tranh. Đây cũng là tư tưởng được đồng thuận trong chiến lược tổng thể về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành nói.
Nhận định thêm về thị trường viễn thông, chuyên gia này cho rằng, 3 công ty di động lớn nhất chiếm tới 95% thị trường (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đều 100% thuộc sở hữu nhà nước thì sẽ khó duy trì áp lực cạnh tranh.
Trong phần phát biểu của mình, ông Thành nhấn mạnh tới đề xuất sáp nhập VinaPhone - MobiFone của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là không thể làm. Thứ nhất, vụ sáp nhập này sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Thứ hai, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, việc sáp nhập 2 doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần chi phối trên thị trường sẽ là một tín hiệu tiêu cực với quá trình cải cách. “Đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cần sớm có thông tin rõ ràng, minh bạch về vấn đề này”, ông Thành đề xuất.
Nụ cười sẽ trở thành cau có nếu vụ sáp nhập VinaPhone - MobiFone diễn ra |
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải – Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) không nói trực tiếp việc cơ quan quản lý có chấp thuận đề xuất sáp nhập VinaPhone – MobiFone của VNPT hay không. Tuy nhiên, người có vai trò quan trọng trong việc xem xét đề xuất này tiết lộ: cuối năm, Bộ sẽ có câu trả lời chính thức và kịch bản là sẽ có ít nhất 3 mạng di động có thị phần tương đương trên thị trường.
Theo hé lộ của ông Hải, kịch bản sáp nhập VinaPhone-VinaPhone sẽ không xảy ra. Hiện tại, Viettel, MobiFone, VinaPhone là 3 mạng chiếm tới 95% thị phần thông tin di động. Do đó, nếu sáp nhập 2 mạng lớn thì việc duy trì 3 công ty di động có thị phần tương đương là không thể.
Nhận xét về phương án sáp nhập VinaPhone- MobiFone, đại diện của Cục quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương cho biết, việc này phải tuân theo Luật Cạnh tranh. “Nếu doanh thu về thông tin di động của VinaPhone, MobiFone cộng lại vượt 51% tổng doanh thu toàn thị trường thì việc sáp nhập chắc chắn không được phép”, đại diện này cho biết.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật Ban Mai Việt Nam (đối tác pháp lý của Vietnamobile đến tham dự hội thảo) lưu ý, nếu tập trung kinh tế vào một hay hai nhà mạng là cực kỳ nguy hiểm cho cạnh tranh. “Năm 1996, anh giám đốc công ty của tôi có cái máy di động to như cục gạch và phải đi ‘lạy lục’ Bưu điện mới được đăng ký thuê bao và chẳng bao giờ họ quan tâm đến ý kiến phàn nàn của mình. Giờ thì đến ngày sinh nhật, họ còn tặng quà, hoa rất lịch sự. Nhưng tôi e rằng, kịch bản về thời độc quyền rất khiếp đảm có thể quay lại nếu như việc tập trung kinh tế được thực hiện”, ông Hùng nhận xét.
Hoàng Ly
Theo Infonet