Ít ai có số thời gian trên sân khấu các kỳ Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) nhiều hơn cựu tổng thống Bill Clinton. Qua 11 lần diễn thuyết trải dài gần 4 thập kỷ, có thể nói chính trị gia bang Arkansas chính là "người khổng lồ" của các đại hội. Điều đó có lẽ đã thay đổi trong mùa bầu cử năm nay.
Xuất hiện trong DNC đầu tiên được tổ chức với hình thức trực tuyến của đảng Dân chủ, cựu tổng thống 74 tuổi chỉ được đảng của mình giới hạn diễn thuyết trong 5 phút. Bên cạnh yếu tố thời lượng sự kiện có hạn vì hình thức tổ chức chưa từng có tiền lệ, sự thay đổi còn là tín hiệu cho thấy đảng Dân chủ Mỹ khao khát thoát khỏi cách làm chính trị của quá khứ.
Vai trò nhạt dần
Ông Clinton xuất hiện trong phần đầu của đêm thứ hai tại DNC 2020, sau phần ghi âm phát biểu của cựu tổng thống Jimmy Carter. Bài diễn văn tuy ngắn nhưng vẫn đủ gay gắt nhắm vào chính sách thất bại của ông Trump giữa giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Bill Clinton nhận định những gia đình và doanh nghiệp Mỹ đáng lẽ không phải khốn đốn như hiện nay nếu chính phủ của Tổng thống Trump ứng phó đúng đắn.
Màn công kích của ông Clinton mang tính cá nhân đến mức bất thường, kể cả khi xét đến những khác biệt về đảng phái, theo New York Times.
"Vào thời khắc như hiện nay, Phòng Bầu dục nên là một trung tâm chỉ huy. Thay vào đó, nó lại là tâm bão. Ở đó chỉ có sự hỗn loạn. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi - quyết tâm của ông ấy trong việc chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi", cựu tổng thống Clinton nhắm vào ông Trump.
Cựu tổng thống Bill Clinton phát biểu trong đêm thứ hai của DNC 2020. Ảnh: Reuters. |
Bill Clinton từng là "ngôi sao then chốt" tại DNC năm 2012, khi thành viên đảng Dân chủ họp lại để tái đề cử tổng thống Barack Obama cho cuộc đua đến Nhà Trắng năm đó. Ông diễn thuyết đến 48 phút, không chỉ vượt quá thời gian được ban tổ chức quy định mà còn khiến ông nổi bật hơn cả ông Obama. Và đám đông tại Trung tâm Hội nghị Spectrum năm đó vẫn phát cuồng vì Clinton.
Với đại hội năm nay, vai trò vị tổng thống thứ 42 trong lịch sử Mỹ chỉ còn như một mảnh ký ức. Ông phát biểu trong chưa đầy 5 phút và được sắp xếp rất xa khung "giờ vàng" 22h. Trang Politico nhận định bài phát biểu của bà Jill Biden, phu nhân cựu phó tổng thống và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, nổi bật hơn ông Bill Clinton trong đêm thứ hai của DNC.
Bill Clinton gần như không còn mối liên kết nào ngoài di sản chính trị: không phải người tranh cử hay đang cân nhắc tranh cử, và mối liên hệ cũng không đủ mật thiết để đại diện vận động cho ứng viên tranh cử. Kể từ thập niên 1980, đây là lần đầu tiên vai trò của ông Clinton gần với một người ngoài cuộc đến vậy, theo New York Times.
Nhiều chính trị gia có tiếng nói của đảng Dân chủ đang thúc đẩy lập trường của đảng hướng nhiều hơn về chủ nghĩa tự do, bỏ lại sau lưng cách làm chính trị kiểu trung lập dưới thời ông Bill Clonton. Bản thân việc ông xuất hiện tại DNC cũng là quyết định tiềm ẩn rủi ro cho đảng Dân chủ giữa kỷ nguyên của phong trào #MeToo. Không ít cử tri nữ đã đánh giá lại hình ảnh cựu tổng thống với những cáo buộc tình dục trong quá khứ, theo AP.
Những tư tưởng cải cách lấy thị trường làm trung tâm và chủ nghĩa trung dung mà ông Clinton từng cổ súy vào thập niên 1990 không còn nhận được sự ủng hộ lớn như trước trong đảng Dân chủ. Cựu thống đốc California Jerry Brown, người từng thất bại trước chính ông Clinton ở bầu cử sơ bộ năm 1992, nhận định: "Nếu bạn bám víu quá lâu, bạn sẽ trở nên không phù hợp".
Người ủng hộ ông Bill Clinton trong DNC năm 1992, khi ông được đề cử làm ứng viên đảng Dân chủ tranh cử tổng thống. Ảnh: Getty. |
Một thế hệ mới
"Vào ngày đảng Dân chủ đề cử ông Joe Biden, họ cuối cùng đã buông bỏ Bill Clinton", Politico nhận định.
Vai trò nhạt nhòa của cựu tổng thống Mỹ tại DNC 2020 là bằng chứng rõ rệt nhất cho sự lột xác chóng mặt trong đảng Dân chủ chỉ trong vòng 4 năm qua. Các nhân vật trong đảng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những gương mặt lãnh đạo mới, kể cả sau khi đã đề cử ông Biden làm ứng viên chính thức.
Giai đoạn bầu cử sơ bộ đã chứng tỏ đảng Dân chủ đang thiếu vắng các ngôi sao dưới 74 tuổi tới mức nào. Ông Clinton cũng là một ví dụ sống động cho điều này. Chính trị gia bang Arkansas đắc cử tổng thống năm 1992, làm hai nhiệm kỳ, có thêm 20 năm bận rộn sau khi rời Nhà Trắng, vận động cho vợ mình tranh cử năm 2016, và vẫn trẻ hơn ứng viên Joe Biden ba tuổi.
Bản thân ông Clinton dần trở thành hình ảnh xa lạ. Lần đầu tiên ông diễn thuyết trước toàn nước Mỹ là năm 1988, lúc Alexandria Ocasio-Cortez còn chưa ra đời. Ocasio-Cortez giờ là hạ nghị sĩ của New York, một "ngôi sao mới nổi" và tiêu biểu cho thế hệ mới của đảng Dân chủ.
Cách biệt thế hệ ở đây không chỉ là tuổi tác. Việc đảng Dân chủ dành một vị trí thiếu nổi bật cho bài phát biểu của ông Clinton có thể nhằm chứng tỏ với cử tri trẻ rằng đảng này muốn hướng tới những cái mới thay vì chính trị của thời trước mà ông Clinton là đại diện. Họ giờ đây đang tìm kiếm lứa lãnh đạo mới với sự thay đổi về "ý thức hệ" dần hướng nhiều hơn sang cánh tả, theo New York Times.
"Thế giới đã thay đổi, cùng với đó là đảng Dân chủ", Douglas Sosnik, giám đốc chính trị Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tổng thống Bill Clinton, nhận định.
"Đảng không còn giống hệt với đảng đã chọn ông Bill Clinton làm ứng viên gần 30 năm trước, cũng không phải đảng đã xây dựng tổng thống Obama làm biểu tượng chuẩn mực năm 2008. Phó tổng thống Biden cũng đã thừa nhận, tự gọi mình là 'ứng viên truyền thống' giữa giai đoạn đảng chuyển mình tiến vào kỷ nguyên mới của chính trị Mỹ", ông nói.