Vấn đề bản quyền World Cup đang là chủ đề được quan tâm nhất nhiều ngày gần đây. Theo đó, VTV và đơn vị cung cấp bản quyền giải đấu - Công ty Infront Sports Media (ISM) - đang có nhiều mâu thuẫn về giá. Điều đó khiến người hâm mộ Việt Nam đứng trước nguy cơ không được xem qua truyền hình giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
World Cup 2018 xa vời hơn bao giờ hết?
Thực tế, mâu thuẫn giữa VTV và đơn vị cung cấp không phải đến bây giờ mới có. Theo ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban thư ký biên tập VTV - nhà đài đã đàm phán mua bản quyền World Cup từ tháng 10/2016 và đến bây giờ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với nhà cung cấp.
Người hâm mộ Việt Nam liệu có được thấy những bước chạy của Ronaldo tại World Cup 2018? Ảnh: Getty Images. |
Nghĩa là đã nhiều tháng đàm phán, hai bên vẫn chưa thể thống nhất về giá. VTV cho rằng 10 triệu USD như yêu cầu của ISM là quá cao, ngoài khả năng chi trả, trong khi đơn vị cung cấp này tới nay vẫn chưa có dấu hiệu xuống nước.
Điều đáng nói là chỉ còn một tuần nữa, giải bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khởi tranh. Thông thường, các nhà đài trên thế giới và cả VTV nếu xác định phát sóng một sự kiện lớn như World Cup sẽ phải tiến hành mua bản quyền từ sớm để từ đó có các khâu chuẩn bị, lên các chương trình đồng hành và đặc biệt là chào mời những gói quảng cáo đi kèm.
Do đó, việc chỉ còn một tuần nữa là World Cup nhưng bản quyền giải đấu vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam càng làm người hâm mộ cảm thấy sốt sắng và tưởng tượng viễn cảnh một mùa hè không có World Cup.
Bản quyền World Cup năm 2014 và 2010 tại Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn. Ảnh: Ngô Minh. |
Nhiều người hâm mộ lên tiếng bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội. "Dù sao VTV cũng là anh cả truyền hình trong nước và là đại diện cho đất nước. Tại sao họ không phục vụ cho người xem truyền hình? Nên nhớ World Cup 4 năm mới có một lần thôi", một người hâm mộ băn khoăn.
Vấn đề là nếu trong suốt nhiều tháng đó VTV không thể mua được bản quyền, thì điều gì đảm bảo 7 ngày còn lại World Cup sẽ về Việt Nam? Nên nhớ rằng Việt Nam cũng là nước cuối cùng theo FIFA chưa có bản quyền giải đấu này.
Nhưng cũng chính vì thế mà một số ý kiến lạc quan vẫn cho rằng VTV đang chờ đến phút chót để mua bản quyền, bởi lẽ nếu không bán cho Việt Nam thì ISM sẽ chẳng thể bán cho ai được nữa trên thế giới.
Độc giả Duy bình luận: "VTV có rất nhiều lý do để câu cho đến giờ chót. Đối tác nếu không bán cũng đồng nghĩa việc họ mất luôn thị trường Việt Nam với mức tiền vài triệu USD, VTV dựa vào điều này nên tự tin câu giờ".
Nhưng kể cả thế, khả năng ISM không bán bản quyền cho VTV vẫn có thể xảy ra. 10 triệu USD có thể là số tiền lớn, nhưng ISM có thể sẵn sàng chịu mất đi còn hơn bán gói bản quyền với giá rẻ, để rồi phải chịu hậu quả ở các kỳ World Cup sau đó (đương nhiên nếu đơn vị này vẫn nắm gói bản quyền FIFA).
Các nhà đài khác trên thế giới có thể vin vào việc ISM bán bản quyền rẻ cho Việt Nam (rẻ so với trên thế giới) để mặc cả thêm, hoặc họ cũng có thể học chiêu "mua đào chiều 30 Tết" để mua được giá rẻ nhất. Kiểu gì ISM cũng thiệt, và đơn giản họ không muốn tạo ra tiền lệ này.
Nếu chấp nhận mức giá 10 triệu đô thì cái giá VTV bỏ ra để mua bản quyền World Cup vẫn còn thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Đồ họa: ZExplain. |
Tạm biệt một thói quen?
Trước viễn cảnh không được xem World Cup, người hâm mộ Việt Nam tỏ rõ sự hụt hẫng. Bình luận trên Zing,vn, độc giả Ha Nguyen chia sẻ: "Không phủ nhận nước mình còn chưa giàu, còn nhiều người đói khổ. Nhưng như vậy không có nghĩa là người dân Việt Nam không được quyền xem những đặc sản thể thao mà hầu hết người dân đam mê bóng đá trên thế giới này đều đã, đang và sẽ được thưởng thức".
Một ý kiến khác cho hay: "Kinh doanh chuyện lời lỗ do quý nhà đài. Nhưng quý nhà đài có thấy cái chương trình nào khiến hàng triệu con tim vỡ òa, nhà nhà người người đổ xô ra đường như bóng đá chưa? Dân Việt rất yêu bóng đá. Nước ta không nghèo đến độ không cho dân xem được bóng đá".
Bên cạnh đó, người hâm mộ này còn gọi việc người dân chờ World Cup như cô Tấm mòn mỏi nhặt thóc chờ đi trẩy hội.
Thực tế, việc người hâm mộ thất vọng khi không được xem World Cup là điều có thể hiểu được, nhất là khi việc tận hưởng giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh trở thành thói quen khó bỏ với người Việt Nam từ năm 1982.
Bên cạnh đó, việc World Cup phải 4 năm mới có một lần tạo ra sự chờ đợi đến mức mỏi mòn, để rồi tạo ra sự hụt hẫng cho người hâm mộ khi không được theo dõi giải đấu này nữa vào phút chót.
Việc không mua được bản quyền World Cup cũng sẽ làm thay đổi thói quen tận hưởng bóng đá dịp hè của người Việt. Anh Dũng ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ với Zing.vn rằng: "Từ nhiều năm nay, các dịp EURO và World Cup đều hẹn bạn bè đến nhà theo dõi và ngược lại. Dĩ nhiên, trong các cuộc hẹn hò ấy không đơn thuần chỉ xem bóng đá, tôi cùng bạn bè tổ chức các buổi nhậu, cùng ăn uống, cổ vũ, hò hét".
Anh Dũng không phải là trường hợp duy nhất. Mỗi kỳ World Cup hay EURO, người Việt không xa lạ gì với việc tụ tập bạn bè, người quen cùng nhau xem bóng đá và ăn uống, vui chơi. Chẳng nói đâu xa, cứ mỗi kỳ đại hội bóng đá là các quán bia, quán cà phê ở Việt Nam chật ních người hâm mộ.
Cảnh tượng tụ tập xem các trận cầu đỉnh cao trên thế giới sẽ không diễn ra ở Việt Nam trong World Cup 2018? Ảnh minh họa: Hải An. |
Do đó, xem World Cup không phải chỉ để thưởng thức chuyên môn đơn thuần mà nó cũng là dịp để tổ chức các cuộc vui, các hoạt động giải trí. Không World Cup, đồng nghĩa sẽ không còn các cuộc tụ tập bạn bè, không còn niềm vui cùng xem và cùng cổ vũ bóng đá.
Như anh Dũng, rất có thể anh sẽ phải nằm nhà một mình và cố tìm một đường link không giật/lag trên Internet để xem bóng đá, và các quán bia sẽ vắng vẻ hơn dù đang trong thời điểm diễn ra các trận cầu đỉnh cao. Thói quen tụ tập vui chơi mùa World Cup vì thế cũng chẳng còn.
Vẫn mong mỏi được xem World Cup
Vậy nên, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam không hề muốn từ bỏ thói quen xem giải đấu bóng đá lớn nhất hành tình. Trên Zing.vn, dù nhiều ý kiến tỏ ra thất vọng với VTV vì chưa mua bản quyền nhưng theo khảo sát, quá nửa độc giả vẫn mong muốn nhà đài sớm đưa giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh về Việt Nam.
Theo đó, có 50,84% độc giả cho rằng phải mua bằng được bản quyền để phục vụ người dân. 35,09% người đọc cho rằng chỉ nên mua với giá tốt và chỉ 14,07% cho rằng không nên mua. Nghĩa là phần đông vẫn muốn nhà đài sở hữu bản quyền World Cup. Nó cũng cho thấy người Việt Nam rất khao khát, mong chờ World Cup.
Không chỉ qua bình chọn, nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội cho hay họ rất mong chờ việc bản quyền World Cup sẽ về Việt Nam. Thành viên Nam Thân chia sẻ: "Rất mong VTV mua được bản quyền World Cup, có thể không cần những chương trình bình luận để giảm chi phí song hành cùng mùa World Cup". Hay như tài khoản Phạm Trung bình luận "phải mua World Cup để không kém cả Lào hay Campuchia".
Trên mạng xã hội, có những ý kiến kêu gọi VTV mua bản quyền World Cup bằng mọi cách. Thậm chí có những tài khoản cho rằng VTV có thể tạo ra một kênh trả tiền, thành viên nói rằng sẽ nhịn ăn ủng hộ cho nhà đài miễn sao đưa được giải đấu về với tivi của người hâm mộ.
"Năm này VTV không mua được...thì những năm tiếp theo cũng vậy thôi. Bản quyền cứ tăng theo từng năm thì không lẽ Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất đói World Cup hay sao. VTV ơi xin đừng để Việt Nam nói không với World Cup", một thành viên bày tỏ nguyện vọng.
Mong mỏi là vậy nhưng rất có thể, người hâm mộ vẫn sẽ phải từ bỏ thói quen xem World Cup. Còn với nhà đài, trước mong muốn của người hâm mộ, liệu họ có đưa được bản quyền World Cup về Việt Nam? Đó sẽ là câu chuyện đầy kịch tính từ giờ cho đến ngày 14/6 khi giải đấu khởi tranh.